Quảng Ninh đóng cửa mỏ than lộ thiên: Tài nguyên đã cạn kiệt?

Hoàng Dương - 27/11/2021 08:12 (GMT+7)

Sau hàng chục năm khai thác than lộ thiên ở Quảng Ninh, nhiều mỏ than thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có kế hoạch đóng cửa để hoàn toàn chuyển sang khai thác hầm lò.

VNF
Nhiều mỏ than lộ thiên ở Quảng Ninh đang dần đi đến hồi kết là buộc phải đóng cửa Ảnh: Hoàng Dương

Chuyển sang khai thác hầm lò

Trước thông tin đóng cửa hàng loạt mỏ than lộ thiên ở Quảng Ninh như than Núi Béo, Hà Lầm, Hà Tu... nhiều người cho rằng tài nguyên than của Quảng Ninh đã đến giai đoạn cạn kiệt và lo ngại về việc thiếu hụt nguồn năng lượng “vàng đen” cho công cuộc phát triển công nghiệp của đất nước.

Trên thực tế, việc đóng cửa những mỏ than lộ thiên trong giai đoạn hiện nay là việc làm cần thiết và tất yếu. Sau hàng chục năm khai thác lộ thiên, nhiều mỏ than đã gần như hết trữ lượng, việc khai thác lộ thiên cũng gây ra nhiều ảnh hưởng đối với môi trường, tác động không nhỏ đến đời sống người dân.

Quảng Ninh là địa phương có trữ lượng than lớn nhất nước. Đặc biệt, các mỏ than lộ thiên đa số đều nằm trong thành phố, sát với khu dân cư. Việc khai thác than nhiều năm nay khiến không khí bị ô nhiễm, bụi than, đất đá, xỉ thải cũng phần nào ảnh hưởng đời sống nhân dân.

Xác định được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, lâu dài, Quảng Ninh đã từng bước lập kế hoạch cùng với Tập đoàn TKT đưa ra lộ trình hợp lý để đóng cửa những mỏ than lộ thiên và chuyển hẳn sang khai thác hầm lò. Việc làm này không gây tác động nhiều đến phát triển kinh tế mà mở ra phương thức mới với phương châm chuyển dịch phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, hướng tới phát triển những thành phố du lịch không còn khói, bụi.

“Việc chạy theo xu hướng xuất khẩu than đã khiến nhiều công ty xin khai thác vượt số lượng hằng năm là một nguyên nhân khiến các mỏ than lộ thiên sớm bị đóng cửa. Đơn giản khi hết trữ lượng thì buộc phải đóng cửa là điều tất yếu. Như mỏ than Hà Tu với lộ trình đóng cửa vào năm 2028 nhưng đơn vị này không có trữ lượng than hầm lò thì phải buộc giải thể”, một chuyên gia nghiên cứu trong ngành than nói. Theo lời chuyên gia này, trữ lượng than lộ thiên ở Quảng Ninh so với trữ lượng than nằm sâu trong lòng đất là không đáng kể. Nhưng khai thác hầm lò thì chi phí sẽ cao hơn và đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng hơn. Chi phí đầu vào cũng sẽ tăng và sản lượng sẽ giảm. Đa số các mỏ đang triển khai song song việc khai thác lộ thiên và hầm lò, khi hết than lộ thiên họ sẽ chuyển sang khai thác hầm lò.

Quảng Ninh hiện có trữ lượng than đá khoảng hơn 3 tỷ tấn, hầu hết thuộc dòng an-tra-xít, tỷ lệ các-bon ổn định 80 - 90%; phần lớn tập trung tại 3 khu vực: Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí , Đông Triều; mỗi năm cho phép khai thác khoảng 30 - 40 triệu tấn.

Xử lý than “thổ phỉ”

Vài năm trở lại đây nhiều mỏ than lộ thiên ở Quảng Ninh đang dần đi đến hồi kết là buộc phải đóng cửa. Mỏ than Núi Béo được đánh giá là mỏ than lộ thiên có trữ lượng lớn nhất TP Hạ Long với sản lượng có năm lên đến 5 triệu tấn.

“Trước đây, theo thiết kế của Liên Xô cũ, công suất khai thác của mỏ này chỉ có 0,9 triệu tấn, đến năm 1995-1996 đã được nâng cấp thiết kế tăng lên 2,5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, từ năm 2000 trở lại đây, mỏ luôn khai thác vượt công suất thiết kế, có năm sản lượng đạt 5 triệu tấn/năm. Với công suất khai thác như vậy thì cạn kiệt nguồn nhanh, đóng cửa sớm là đương nhiên”, vị chuyên gia nói.

Ngoài việc khai thác vượt sản lượng, một số mỏ than lộ thiên ở Quảng Ninh còn gánh chịu nạn “than tặc”, “thổ phỉ”. Nhiều năm trước đây, vấn nạn than “thổ phỉ” hoành hành tại các mỏ khiến lượng tài nguyên bị thất thoát không phải ít. Bên cạnh đó, việc các mỏ câu kết với các doanh nghiệp bên ngoài tuồn số lượng lớn than để xuất lậu cũng là nguyên nhân chính khiến các mỏ than lộ thiên nhanh hết trữ lượng.

Mới đây, Công an tỉnh Quảng Ninh tạm giữ 50 người và 54 phương tiện, thu giữ khoảng 100.000 tấn than. Cơ quan chức năng xác định một số doanh nghiệp tư nhân và cá nhân bên ngoài đã thông đồng với cán bộ thuộc Công ty Than Hạ Long, Công ty Than Khe Sim… lợi dụng danh nghĩa thực hiện hợp đồng bốc xúc đất đá để khai thác trái phép với quy mô lớn, chiếm đoạt than một cách công khai nhằm thu lợi bất chính với số tiền lớn.

Việc quản lý, khai thác tài nguyên than đang được Quảng Ninh chú trọng. Vấn nạn “than tặc” đã dần được đẩy lùi, nhiều vụ án lớn liên quan đến ngành than đã được phanh phui.

Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.