Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam vừa nêu quan điểm về vấn đề giá sàn hàng không hiện đang làm nóng công luận, trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cạnh tranh lành mạnh.
Ông Thành viết:
"Có hai lý do để đề xuất giá sàn đối với dịch vụ hàng không nội địa . Các doanh nghiệp bị cạnh tranh thì lo ngại đối thủ cắt giảm giá thấp hơn chi phí, thậm chí đưa ra mức giá thấp kỷ lục hay còn gọi là "cạnh tranh hủy diệt", nhằm chiếm lĩnh thị trường.
Cơ quan chức năng thì lo ngại các hãng cạnh tranh giá rẻ cắt giảm chi phí, không đảm bảo tiêu chuẩn dịch vụ, ảnh hưởng an toàn bay. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy đặt giá sàn để giải quyết hai vấn đề này không phải là một chính sách tốt.
Lấy lý do là chống tình trang cạnh tranh không bình đẳng, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc trong một thời gian dài đã áp giá sàn lên giá vé máy bay nội địa.
Giá vé máy bay nội của Trung Quốc thuộc vào mức cao trên thế giới. Theo điều tra của Kiwi.com vào năm 2016, vé máy bay nội địa giá rẻ bình quân của Trung Quốc có mức 13,1 USD/100 km, cao gấp 3,7 lần so với Hoa Kỳ và 5,6 lần so với Malaysia.
Trong khi đó, giá vé đường bay quốc tế của Trung Quốc không bị kiểm soát giá và có cạnh tranh mạnh chỉ là 2,84 USD/km. Chính sách giá sàn của Trung Quốc nay đã được hủy bỏ.
Đối với Indonesia, lý do để Bộ Giao thông của nước này quy định giá sàn đối với hàng không nội địa là vì lo ngại các hãng đua nhau cạnh tranh, cắt giảm chi phí ảnh hưởng chất lượng dịch vụ và an toàn bay.
Nhưng thực tế là quy định giá sàn không cải thiện được chất lượng dịch vụ và an toàn bay. Nước này vẫn là nơi có mức an toàn bay nội địa thấp trên thế giới.
Cũng theo Kiwi.com, hai thị trường hàng không nội địa có mức độ cạnh tranh cao đem lại giá rẻ cho người tiêu dùng là Ấn Độ (2,27 USD/100 km) và Malaysia (2,32 USD/100 km).
Việt Nam không có trong điều tra này. Nhưng nếu lấy mức giá rẻ phổ biến hiện nay cho tuyến HN-TPHCM là 850.000 VND/lượt thì có thể quy ra mức 3,28 USD/100 km, rẻ hơn tất cả các thị trường khác trừ Ấn Độ và Malaysia.
Cạnh tranh muôn năm!"
Ông Nguyễn Xuân Thành hiện là Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright và là cán bộ nghiên cứu cao cấp tại Trường Harvard Kennedy. Các lĩnh vực nghiên cứu chính sách của ông Nguyễn Xuân Thành bao gồm tài chính phát triển, đầu tư công và phát triển cơ sở hạ tầng.
Các nghiên cứu mới nhất của ông Nguyễn Xuân Thành là sở hữu chéo ngân hàng ở Việt Nam, những trở lực về cơ sở hạ tầng Việt Nam và chiến lược phát triển TP.HCM.
Trước khi giảng dạy và làm công tác quản lý tại Trường Fulbright, ông Nguyễn Xuân Thành là cán bộ của Ủy ban Nhân dân TP.HCM. Tại trường Fulbright, ông Nguyễn Xuân Thành giảng dạy các môn nghiên cứu tình huống cho phân tích chính sách, phân tích tài chính, và thẩm định dự án đầu tư công.