Tiêu điểm

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: 'Mầm bệnh đã ở trong cộng đồng nên sẽ tiếp tục có ca bệnh'

(VNF) - Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay mầm bệnh đã ở trong cộng đồng nên sẽ tiếp tục có ca bệnh trong cộng đồng, sẽ có những đợt dịch mới nếu lơ là, mất cảnh giác.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: 'Mầm bệnh đã ở trong cộng đồng nên sẽ tiếp tục có ca bệnh'

GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, mới đây đã chủ trì giao giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch với lãnh đạo các bệnh viện trung ương, Sở Y tế các địa phương trong cả nước.

Tại buổi giao ban, ông Long cho biết trong thời gian qua chúng ta đã chủ động, tích cực, các biện pháp phòng chống dịch, đến nay cơ bản đã đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay mầm bệnh đã ở trong cộng đồng nên sẽ tiếp tục có ca bệnh trong cộng đồng, sẽ có những đợt dịch mới nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác.

"Phải luôn ghi nhớ dịch bệnh sẽ tồn tại cùng chúng ta trong thời gian dài nữa. Công tác phòng chống dịch cũng sẽ khó khăn hơn nhiều so với thời gian trước. Lực lượng y tế phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba so với những gì chúng ta đã làm trước đây", ông Long nói.

Ông Long đề nghị các địa phương rà soát lại các kịch bản, tình huống chống dịch của địa phương mình, rà soát lại hệ thống hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế để báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch của địa phương, phổ biến tập huấn cho các đơn vị trên đại bàn để triển khai thực hiện đúng, hiệu quả.

Đối với công tác xét nghiệm, ông Long yêu cầu cần tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm RT- PCR để chủ động tại đại phương.

Bên cạnh đó, ông Long cũng giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức tập huấn ngay cho các địa phương trong công tác xét nghiệm bằng phương pháp ELISA. Việt Nam hiện đã sản xuất được kit ELISA có độ nhạy tương đối cao.

Ông Long đề nghị các địa phương tuân thủ cách ly triệt để, đúng theo quy định hiện hành về thời gian cách ly 14 ngày; tuyệt đối không để người đang đợi kết quả xét nghiệm lần 2 đã được ra khỏi khu cách ly tập trung.

Người ra khỏi khu cách ly phải tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại nhà trong 14 ngày; đảm bảo tuân thủ việc quản lý, giám sát các chuyên gia nhập cảnh trong công tác cách ly.

Nhấn mạnh việc bảo vệ nhân viên y tế ở mức cao nhất thì mới có thể ứng phó với dịch bệnh, ông Long yêu cầu tuyệt đối không để thiếu hụt trang thiết bị phòng hộ phục vụ chống dịch cho nhân viên y tế. Các bệnh viện cũng phải có kịch bản cho các trường hợp có ca nhiễm tại bệnh viện, tại các khoa nguy cơ cao của bệnh viện (khoa cấp cứu, khoa thận…).

"Nếu bệnh viện không đảm bảo tiêu chí an toàn thì yêu cầu dừng hoạt động, nếu tiếp tục tái phạm thì đề nghị xử lý ngay người đứng đầu, bất kể đó là bệnh viện công hay tư”, ông Long nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến thời điểm này, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 45 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 51 ca, số ca âm tính lần 3 là 28 ca.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 11 trường hợp có tiên lượng nặng và nguy kịch, trong đó số tiên lượng rất nặng là 6/11trường hợp và tiên lượng tử vong bất cứ lúc nào là 5 trường hợp. Số trường hợp mắc Covid-19 tiên lượng nặng và nguy kịch này chủ yếu thuộc nhóm lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng

Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 32 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

Tin mới lên