Quyết định chống lạm phát vô tiền khoáng hậu của đồng chí Đỗ Mười qua hồi ức GS-TSKH Nguyễn Mại
GS.TSKH Nguyễn Mại -
02/10/2018 07:39 (GMT+7)
Những người đã từng làm việc với Anh Đỗ Mười đều có một cảm giác chung, Anh là con người tràn đầy nhiệt huyết, quyết đoán và sáng tạo, một nhà lãnh đạo có tâm có tầm - GS-TSKH Nguyễn Mại chia sẻ.
3 lời khuyên với một cán bộ lãnh đạo
Anh thường trực tiếp mời một số cán bộ lãnh đạo bộ, địa phương đến nhà vào ngày nghỉ để trực tiếp nghe báo cáo, trao đổi ý kiến và gợi ý những việc cần suy nghĩ, cần làm; qua đó chẵng những nắm bắt được tình hình, quan điểm của cán bộ cấp dưới mà còn tạo lập được mối quan hệ thân thiết như anh em.
Một cá nhân khó có thể đánh giá hết công lao to lớn của nhà lãnh đạo từng là Tổng bí thư của Đảng, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, nên tôi chỉ qua một số sự kiện, các dịp được làm việc với Anh để bày tỏ lòng kính trọng một con người chân chính, hết lòng vì nước vì dân.
Năm 1983, tôi được điều về công tác tại Thành ủy Hà Nội do đ/c Lê Văn Lương- một trong các vị khai quốc công thần- làm Bí thư; từ đó có nhiều dịp gặp và làm việc với Anh. Đ/c Lê Văn Lương thường tâm sự với chúng tôi, Anh Đỗ Mười là người rất tâm huyết, rất quan tâm đến thủ đô từ các công trình xây dựng, hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm cho người dân; khi Hà Nội cần thì Anh tìm cách giúp đỡ.
Ngày 10 tháng 10 năm 1984 kỷ niệm 30 năm giải phóng thủ đô, Thành ủy chủ trương lát lại hè một số tuyến phố chính trong khi sản xuất xi măng có hạn, Anh Lê Văn Lương trực tiếp gặp Phó Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười và Hà Nội có đủ xi măng lát vỉa hè.
Thỉnh thoảng Anh cho thư ký mời tôi đến nhà để nghe báo cáo về tình hình kinh tế của Hà Nội, gợi ý một vài định hướng thay đổi trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đối với quản lý kinh tế, quan hệ với các địa phương.
Những buổi trực tiếp làm việc với Anh không những giúp tôi rất nhiều kinh nghiệm lãnh đạo kinh tế thủ đô, mà còn biết thêm Anh là người ham đọc sách, tranh thủ thời gian để nghiên cứu những cuốn sách của thế giới và của Việt Nam, bởi vì Anh hay hỏi tôi đã đọc cuốn sách mà Anh đang đọc chưa, rồi Anh nói lên đánh giá của mình và khuyên nên tìm đọc.
Năm 1989, tôi được chuyển công tác đến Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, Anh trực tiếp gặp và khuyên bảo ba điều cần thiết đối với cán bộ lãnh đạo một bộ: bố trí thời gian đi công tác địa phương để biết tình hình thực tế, đồng thời làm quen với lãnh đạo tỉnh, thành phố; tiếp cận với nhà đầu tư và khách quốc tế vừa lịch sự, cởi mở nhưng giữ đúng nguyên tắc; xây dựng nền nếp quản lý nhà nước theo hướng hiện đại tại một cơ quan mới. Tôi cảm ơn và luôn tâm niệm về ba lời khuyên của Anh.
Anh rất coi trọng việc thu hút vốn đầu tư quốc tế, đã chọn những người có năng lực và kinh nghiệm về đối ngoại như Cố Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân, Cố Bộ trưởng Võ Đông Giang phụ trách lĩnh vực quan trọng; thường xuyên làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư để nghe báo cáo và chỉ đạo nhằm thực hiện đúng phương châm đa phương hóa và đa dạng hóa trong hội nhập quốc tế.
Cuộc chiến giá - lương - tiền
Mỗi quốc gia thường có giai đoạn khủng hoảng, suy thoái, đôi khi gặp các biến cố bất thường. Những lúc đó cần có quyết sách đúng của lãnh đạo cấp cao mới có thể vượt qua thách thức, tạo nên trạng thải phát triển tốt hơn. Anh là nhà lãnh đạo có những quyết sách đó.
Sau Đại hội Đảng VI (1986), mặc dù đã có chủ trương đổi mới, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội của nước ta diễn ra ngày càng nghiêm trọng, lạm phát phi mã, cả nước làm không đủ ăn. Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười thành lập Tổ công tác chống lạm phát; tôi với tư cách là Phó Chủ tịch UBND Hà Nội được tham gia Tổ công tác. Từ ý kiến của nhiều thành viên của Tổ công tác và của môt số chuyên gia quốc tế, dần dà lý thuyết “lãi suất dương” (nghĩa là lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao hơn tỷ lệ lạm phát) được coi là giải pháp cần áp dụng vào thực tế nước ta từ đầu năm 1988.
Trên cơ sở đó, tổ kiến nghị lãi suất tiền gửi tháng 2/1988 là 13%/tháng; trong khi tỷ lệ lạm phát là 11%/tháng. Sau nhiều buổi tranh luận dân chủ, cân nhắc nhiều yêu tố tác động, Chủ tịch HĐBT chấp thuận kiến nghị đó. Cần lưu ý rằng, vào giai đoạn này nước ta còn nhờ Liên Xô (cũ) in tiền, tính tổng chi phí kể cả vận chuyển từ Mát-cơ-va về Hà Nội khoảng 5% tổng giá trị các mệnh giá tiền tệ.
Do vậy, tưởng như lãi suất tiền gửi 13%/tháng là quá cao, nhưng thực tế đã tiết kiệm được 3% cho ngân sách nhà nước do không phải trả phí in thêm tiền ở nước ngoài; hơn thế nữa do hấp dẫn người dân nên tiền gửi tiết kiệm tăng lên rất nhanh, làm cho cơn sốt giá cả được giảm dần.
Tháng 6/1988 Chính phủ quyết định giảm dần lãi suất tiền gửi xuống 9%/tháng, tháng 9 còn 5%/tháng đã xuất hiện tình trạng người dân rút tiền tiết kiệm.
Thực trạng đó có nguyên nhân do người dân giảm lòng tin đối với chính sách lãi suất, trong khi Chính phủ cần giảm nhanh tỷ lệ lạm phát. Để ứng phó kịp thời tình hình mới, gần như hàng ngày Anh đã gọi điện thoại cho tôi để nghe báo cáo diễn biến mới nhất tại thủ đô.
Do nhận thức được nguyên nhân chủ yếu là tâm lý người dân nên UBND Hà Nội lệnh cho Ngân hàng thành phố bơm đủ tiền tại các Quỹ tiết kiệm để bảo đảm người dân thoải mái khi rút tiền; chỉ 5 ngày sau mọi việc trở nên bình thường, người dân có lòng tin nên đã gửi tiền tiết kiệm trở lại.
Cuối năm 1988 cơn sốt giá cả về cơ bản được hạ nhiệt. Cùng với thành quả ban đầu của Đổi mới và hội nhập, cuối năm 1990 cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội đã được khắc phục về cơ bản. Từ năm 1991 nước ta bắt đầu xuất khẩu gạo, bước vào thời ký hoàng kim về kinh tế cho đến năm 1998 với tốc độ tăng trưởng bình quân 8.6%/năm.
Quyết định của Chủ tịch HĐBT áp dụng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm 13%/thàng là vô tiền khoáng hậu. Nếu không có quyết định táo bạo, sáng suốt đó thì không biết tình trạng lạm phát còn kéo dài bao lâu nữa. Đây là phẩm chất đáng quý của người đứng đầu Chính phủ.
Đó chỉ là một ví dụ điển hình của Nhà lãnh đạo Đỗ Mười trong suốt cả cuộc đời cống hiến cho dân tộc Việt Nam.
Thế hệ chúng tôi, những người được Anh trực tiếp chỉ đạo đã học tập ở Anh tinh thần làm việc sáng tạo, nhiệt huyết, chí công vô tư, hình thành quan hệ thân tình giữa người lãnh đạo với cán bộ.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone