Rao bán bất động sản giữa dịch, chủ nhà bị ép giá

Hà Bùi - 04/07/2021 16:20 (GMT+7)

Có nhu cầu bán trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhiều chủ nhà bị ép giá bởi cả môi giới và khách mua.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều nhà đầu tư bất động sản cá nhân bị ảnh hưởng về nguồn tiền dẫn đến không thể cân đối bài toán tài chính khi vay tiền mua nhà, buộc phải bán bớt tài sản.

Đây cũng là lúc những người có khả năng tài chính mạnh tìm kiếm các sản phẩm được rao bán khi chủ nhà bị "ngộp", không còn đủ khả năng chi trả để mua lại và đàm phán với giá hời.

Anh Trung ở TP Thủ Đức, mua một căn hộ 56m2 tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) vào năm 2019. Anh tính toán với số lượng dự án còn ít, trong khi đối tượng khách hàng là các cặp vợ chồng trẻ, chuyên gia nước ngoài làm việc ở khu công nghiệp nhiều, sản phẩm căn hộ sẽ hút khách và có lãi.

Giá căn hộ thứ cấp tại Bình Dương trong tháng 6 có xu hướng giảm hơn 6%. Ảnh: Quỳnh Danh

Không có lãi

Mua ngay khi dự án vừa ra mắt với giá 29 triệu đồng/m2 - khá cao so với mặt bằng chung tại Bình Dương - anh Trung vẫn quyết định xuống tiền và đóng theo tiến độ 2 tháng một lần khoảng 70 triệu đồng.

Sau gần 2 năm thi công, dự án hoàn thành và bàn giao hồi tháng 3. Chật vật thanh toán 1,5 tỷ để nhận nhà, đầu tháng 6 nhà đầu tư thứ cấp này quyết định nhờ nhân viên môi giới của chủ đầu tư rao bán.

"Tôi gặp khó khăn về tài chính sau khi dồn tiền thanh toán theo tiến độ, nên đề xuất môi giới bán căn hộ với mức giá cộng thêm 100 triệu đồng so với giá gốc. Với mức giá này, tôi xem như chỉ lãi 50 triệu đồng, vì phải chịu phí chuyển nhượng, 1,5% tiền hoa hồng cho môi giới. Nhưng không may thời điểm rao bán lại rơi đúng vào lúc Bình Dương bùng phát dịch Covid-19", anh Trung cho biết.

Chấp nhận tiền lãi thấp, nhưng theo anh Trung, tuần rồi nhân viên môi giới báo lại là do dịch bệnh căng thẳng, thị trường bất động sản ở Bình Dương gần như đóng băng. Khách hàng vì thế cũng đòi hỏi phải hạ giá bán.

"Khách mua nhà chỉ chấp nhận trả chênh lệch 50 triệu đồng, nếu không thì dừng mua bán. Như vậy, với giá này, tôi chẳng còn đồng lãi nào sau 2 năm dốc tiền tỷ ra đầu tư", nhà đầu tư từ TP. HCM buồn bã nói.

Ông Hưng, một nhà đầu tư kiêm môi giới BĐS chuyên khu vực phía Nam TP. HCM xác nhận bắt đầu từ tháng 6, khi tình hình dịch Covid-19 phức tạp, giao dịch mua bán giảm mạnh.

"Một căn nhà phố ở Nhà Bè trước khi có dịch tôi rao bán 3 tỷ đồng. Gần 1 tháng rồi vẫn không có giao dịch thành công dù cũng có vài khách tiếp cận, nhưng họ đều ép giá 200 - 300 triệu với lý do dịch bệnh", ông Hưng nói và cho biết nhà phố đã bị ép giá vậy rồi, còn phân khúc đất nền càng khó khăn hơn.

"Nhu cầu mua nhà, đất để ở thời điểm này hầu như không có, đa phần là người có tài chính, muốn nhân lúc thị trường khó khăn để thu gom. Riêng phân khúc đất nền tại TP. HCM gần như đóng băng. Nhà đầu tư có nhu cầu sẽ tìm về khu vực các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Long An, Đồng Nai..., nhưng tỷ lệ giao dịch không khả quan vì trước đó những nơi này đã có vài đợt tăng giá mạnh.

Liên quan đến giá rao bán căn hộ thứ cấp tại TP. HCM và Bình Dương trong quý II vừa qua, Rever ghi nhận mức giá rao bán trung bình tháng 6 có xu hướng giảm so với tháng 5 ở phân khúc nhà phố tại TP. HCM và căn hộ tại Bình Dương.

Biểu đồ về giá nhà tại TP. HCM và Bình Dương được đăng bán tại Rever cho thấy thị trường biến động nhẹ vào tháng 6 so với tháng 4 và 5. Cụ thể, giá trung bình cho 1 m2 loại hình nhà phố tại TP. HCM giảm 6,84% và căn hộ tại Bình Dương giảm 6,63%. Tuy nhiên, căn hộ tại TP. HCM lại có chiều hướng tăng, cao hơn 4,97% so với tháng 5.

Từ số liệu này, bà Hà Thị Thục Uyên, Giám đốc khối kinh doanh thứ cấp Rever, khẳng định chưa đủ cơ sở để đánh giá rằng thị trường đang có tình trạng chủ nhà bị "ép giá". Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự tác động của đợt dịch Covid đến mọi mặt về xã hội, kinh tế thị trường trong suốt tháng 6 qua tại TP. HCM và cả nước.

Giao dịch trầm lắng

Về tổng số lượng giao dịch, Rever ghi nhận tình hình thị trường bất động sản thứ cấp trong quý II diễn biến nổi trội hơn quý trước đó. Tuy nhiên số lượng giao dịch trong tháng 6 sụt giảm đáng kể so với tháng 4 và tháng 5. Ở một số thị trường, giá bán trong tháng 6 thấp hơn so với các tháng trước đó từ 5-7%.

Trong khi hầu hết loại hình bất động sản khác đều có xu hướng suy giảm lượt quan tâm do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường căn hộ chung cư là loại hình ghi nhận nhu cầu tìm mua gia tăng ở cả thị trường Hà Nội và TP. HCM.

Dữ liệu mới nhất của Batdongsan.com.vn cho thấy trong tháng 5, mức độ quan tâm của hai thị trường này tăng lần lượt là 12% và 8% so với tháng 4. Nhu cầu được chia đều cho các dòng sản phẩm ở cả 3 phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, lượt quan tâm chung cư tăng, đất nền giảm trong dữ liệu tháng 5 cho thấy xu hướng diễn ra tất yếu sau giai đoạn "sốt nóng” của đất.

Dòng tiền đầu tư bất động sản đang dịch chuyển dần vào các phân khúc ít rủi ro, có sự tăng trưởng ổn định. Ảnh: Quỳnh Danh

Từ nửa cuối tháng 4, thị trường bắt đầu hạ nhiệt, giá chững và nhu cầu giảm. Sang tháng 5, thị trường gặp khó do dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại, khiến dòng tiền và sự quan tâm của thị trường có sự dịch chuyển. Nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn những sản phẩm bất động sản có mức giá tăng chưa cao, mặt bằng giá hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, chung cư trước nay vốn vẫn luôn là loại hình nhận được nhiều sự quan tâm vì phục vụ phần lớn là nhu cầu thực. Giá chung cư có mức tăng ổn định, ở ngưỡng hợp lý, không bị “sốt” hay thổi giá theo hạ tầng như đất nền.

Tuy nhiên, bà Hà Thị Thục Uyên cũng khuyến nghị trong giai đoạn này, để có thể đưa ra mức giá mua hay bán bất động sản thoả mãn cho cả 2 phía, người mua và người bán cần cẩn trọng.

"Người mua và người bán bất động sản lúc này cần theo dõi thông tin thị trường qua các kênh uy tín, tìm sự tư vấn và hỗ trợ từ đội ngũ môi giới đáng tin cậy bởi đây là những kênh thông tin cập nhật kịp thời và trực chiến nhất. Có vậy, các bên cùng nắm rõ thị trường thực tế, tránh kỳ vọng sai về giá giao dịch, cung không đáp ứng được cầu và ngược lại", bà Uyên nói thêm.

Theo Zingnews
Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.