Tài chính

Sau Hiệp hội Mía đường, Hiệp hội Sữa phản đối gay gắt đề xuất tăng thuế nước ngọt

(VNF) - Liên quan đến đề xuất áp thuế cao với nước ngọt, Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng để tránh gây hiểu nhầm, cần sử dụng từ “nước giải khát” thay cho “nước ngọt” nhằm phân biệt các sản phẩm dùng để giải khát với các sản phẩm dinh dưỡng.

Sau Hiệp hội Mía đường, Hiệp hội Sữa phản đối gay gắt đề xuất tăng thuế nước ngọt

Hiệp hội Sữa phản đối đề xuất tăng thuế nước ngọt của Bộ Tài chính

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Hiệp hội Sữa Việt Nam nhấn mạnh đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có đường của Bộ Tài chính là thiếu cơ sở khoa học và nếu được thông qua sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, nước ngọt là một từ có nghĩa rất rộng và không rõ ràng. Điều này có nghĩa là bất kỳ sản phẩm đồ uống được và có bất kỳ loại đường nào, gồm sữa, sản phẩm có sữa, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt của người già, trẻ em, phụ nữ có thai, thực phẩm dinh dưỡng dùng cho bệnh nhân… đều có thể bị coi là nước ngọt. Trên thực tế, đây là các sản phẩm có lợi cho sức khỏe và rất cần thiết cho người dân mà Chính phủ khuyến khích sử dụng.

Hiệp hội cũng nhấn mạnh, nếu Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, giá của các mặt hàng này sẽ tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức khỏe của đại bộ phận người dân, nhất là các đối tượng đặc biệt như trẻ em, người già, bệnh nhân, những người suy dinh dưỡng, thấp còi.

“Luật cần sử dụng từ chính xác, tránh gây hiểu lầm cũng như tạo ra những cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần sử dụng từ ‘nước giải khát’ thay cho ‘nước ngọt’ để phân biệt các sản phẩm dùng để giải khát với các sản phẩm dinh dưỡng”, văn bản của Hiệp hội này kiến nghị.

Cũng theo Hiệp hội Sữa, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt là nhằm bảo vệ sức khoẻ người dân cũng không phù hợp, thậm chí nó còn đi ngược với Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.

Hiệp hội viện dẫn, báo cáo mới nhất của Hội đồng cấp cao Độc lập của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tháng 6/2018 về các bệnh không lây nhiễm (trong đó có béo phì) không khuyến cáo đánh thuế lên các sản phẩm có đường.

Thay vào đó, báo cáo này cho rằng, 4 nguyên nhân chính gây nên các bệnh không lây nhiễm bao gồm thuốc lá, rượu, chế độ ăn không hợp lý (nhiều chất béo, muối, đường) và thiếu vận động. Báo cáo này của WHO chỉ khuyến cáo đánh thuế với rượu, thuốc lá, cải thiện hợp lý chế độ ăn và tăng cường vận động.

“Trong số 193 nước trên thế giới, theo số liệu của Bộ Tài chính, cũng chỉ có 40 nước, tức 20% số quốc gia đánh thuế lên nước giải khát có đường. 80% quốc gia còn lại không đánh thuế”, Hiệp hội Sữa Việt Nam nêu.

Tuy nhiên, Hiệp hội này cho rằng chưa có bất kỳ số liệu thống kê nào cho thấy việc đánh thuế ở 40 nước nêu trên đem lại hiệu quả trong việc giảm tình trạng béo phì.

Theo dự thảo sửa đổi 5 luật thuế (trong đó có Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt) được Bộ Tài chính hoàn thiện và đưa ra lấy ý kiến từ cuối năm 2017, Bộ Tài chính đề xuất các mặt hàng nước giải khát có đường (trừ sữa) sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, đồng thời nâng thuế giá trị gia tăng (GTGT) thêm 2%, áp dụng từ năm 2019.

Một trong những lý do để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này là nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt nhằm giảm tình trạng người dân thừa cân, béo phì và mắc bệnh tiểu đường.

Tuy nhiên, ngay sau khi đưa ra đề xuất này, Bộ Tài chính đã vấp phải sự phản đổi gay gắt từ phía người tiêu dùng, hiệp hội và các doanh nghiệp.

Điển hình như Hiệp hội Mía đường cho rằng áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có đường không phải là một thực tiễn phổ biến trên thế giới và trong khu vực.

Theo Hiệp hội Mía đường, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt và tăng thuế VAT này cần phải có khảo sát đánh giá toàn diện, đầy đủ, thấu đáo tác động của chính sách này đối với ngành mía đường trong nước và ngành sản xuất nước giải khát cũng như người tiêu dùng và cả nền kinh tế - xã hội.

Theo Hiệp hội này, số lượng các quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống nói chung, bao gồm cả đồ uống có đường và không có đường chỉ chiếm khoảng 25% trong số các quốc gia trên thế giới.

Trong khi khu vực châu Á – Thái Bình Dương chỉ có 4 quốc gia áp dụng thuế đối với nước ngọt là Thái Lan, Brunei, Lào và Campuchia. Một số nước từng áp dụng loại thuế suất này nhưng đã bãi bỏ vì không hiệu quả, trong đó có Argentina, Đan Mạch, Cộng hòa Dominica, Ai Cập, Ghana, Indonesia, Pakistan, Nam Phi, Zambia và một số bang của Mỹ.

Tin mới lên