'Sau thời gian phấn khích, TTCK có thể chứng kiến cú giảm 7-10% nhưng đó là điều cần thiết'

Thanh Long - 29/06/2021 13:04 (GMT+7)

(VNF) - "Chúng tôi cho rằng sau một thời gian phấn khích, thị trường sẽ có cú điều chỉnh giảm khoảng 7-10%, lúc đó nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh, phải thấy rằng đây là cú điều chỉnh cần thiết để cho thị trường lành mạnh", TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho hay.

VNF
TS. Cấn Văn Lực

Phiên tọa đàm thứ hai với chủ đề “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” trong chuỗi talkshow “Thị trường chứng khoán và dự báo” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức mới đây chứng kiến những quan điểm tương đối đa dạng về triển vọng của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho rằng thời điểm hiện tại chưa phải là thời điểm của bong bóng tài sản, trong đó có chứng khoán.

Theo ông Sơn, TTCK tăng trưởng trong thời gian vừa qua là khá phù hợp trong bối cảnh Việt Nam thực hiện tương đối tốt mục tiêu kép khi dịch bệnh được kiểm soát cũng như tăng trưởng kinh tế phần nào đáp ứng kỳ vọng.

Thêm vào đó, dòng vốn hiện tại khá dồi dào, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất ổn định ở mức khá thấp.

"Tôi nghĩ điều này sẽ tiếp tục trong vài năm nữa bởi tín hiệu từ FED là chưa nâng lãi suất cơ bản, cũng nghĩa là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể giữ mức lãi suất hiện nay trong một khoảng thời gian nữa", ông Sơn nói.

Liên quan đến vấn đề khối ngoại liên tục bán ròng, ông Sơncho rằng mức độ bán ròng là không nhiều và đặc biệt là dòng tiền bán ròng không rút ra khỏi thị trường Việt Nam mà để trên tài khoản tiền mặt, nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài đang chờ cơ hội đầu tư mới, trong bối cảnh Việt Nam mới chỉ là thị trường cận biên nên giá trị giải ngân của khối ngoại vào thị trường chỉ ở mức độ thấp.

Chủ tịch VSD cũng nhấn mạnh đến việc dòng vốn rẻ luân chuyển giữa các thị trường chứng khoán, bất động sản, tiền ảo, forex, vàng... là hoàn toàn bình thường. Dòng vốn tín dụng chảy vào chứng khoán đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tốt, dòng vốn margin cũng trong tầm kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. "Có lẽ dòng tiền từ dân cư trước đây đầu tư vào lĩnh vực khác, giờ đây tạm thời đưa vào chứng khoán đã tạo hiệu ứng tăng cho thị trường", ông Sơn nhận định.

Mặc dù cho rằng chưa có bong bóng chứng khoán nhưng ông Sơn lưu ý hiện nay là giai đoạn cần kiểm soát chặt chẽ quá trình chu chuyển của dòng tiền và đặc biệt là cảnh báo cho nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn bởi suy cho cùng, tăng trưởng của TTCK, của giá cổ phiếu phụ thuộc vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đó là yếu tố căn bản, cốt lõi quyết định giá trên thị trường chứng khoán.

Ông Sơn giữ quan điểm rằng TTCK còn dư địa tăng và dòng tiền vẫn sẽ chảy vào chứng khoán.

Trái ngược, TS. Nguyễn Trí Hiếu nghiêng về quan điểm lo ngại thị trường chứng khoán đang trong trạng thái bong bóng.

"Nếu chúng ta không kiểm soát được bong bóng chứng khoán mà trở thành vỡ bong bóng thì đó là rủi ro cho nền kinh tế", ông Hiếu nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực đánh giá TTCK Việt Nam còn nhiều triển vọng trong bối cảnh GDP Việt Nam có thể tăng trưởng trên 6%, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cũng đang được kiểm soát tốt.

Bên cạnh đó, ông Lực đặc biệt nhấn mạnh đến "thực lực" của TTCK khi lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết có thể tăng tới 20% trong năm nay.

Ngoài ra, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài cũng không còn là chủ chốt, mang tính điều tiết thị trường như trước đó.

"Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chủ quan", TS. Cấn Văn Lực lưu ý.

Ông Lực cho hay vừa qua tại Mỹ, các nhà đầu tư đã thực hiện một cuộc khảo sát và chỉ ra 4 rủi ro lớn đối với thị trường hiện tại, đây cũng là những rủi ro mà các nhà đầu tư Việt Nam cần nhận diện.

Một là các nước đã bắt đầu thắt chặt các gói hỗ trợ, thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa. Theo ông Lực, năm 2013 đã xảy ra hiện tượng này và lập tức dòng vốn đầu tư rút từ thị trường rủi ro quay về đầu tư vào thị trường ít rủi ro hơn.

Rủi ro thứ hai là lạm phát. Lạm phát tăng thì lãi suất có xu hướng tăng. Trên thế giới đã có 3 ngân hàng trung ương tính đến chuyện tăng lãi suất.

Rủi ro thứ ba là biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bắt đầu co lại, bởi chi phí đầu vào tăng trong khi giá cả đầu ra chưa tăng tương ứng, điều này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến giá chứng khoán.

Rủi ro thứ tư là thuế. Hiện Mỹ đã tính đến chuyện tăng mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp.

Với Việt Nam, theo TS. Cấn Văn Lực, ngoài 4 rủi ro trên thì còn có 2 rủi ro nữa. Thứ nhất là vấn đề nền tảng của nhà đầu tư.

"90-95% nhà đầu tư Việt Nam vẫn là nhỏ lẻ, tính chuyên nghiệp kém, bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, hệ số đòn bẩy tài chính cao… vì vậy khi thị trường điều chỉnh, họ sẽ phản ứng thái quá và đó là rủi ro", ông Lực nói.

Thứ hai là không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp hiện nay đang "té nước theo mưa", tranh thủ đà tăng của thị trường hiện tại để "làm đẹp" kết quả kinh doanh của mình nhằm mục đích phát hành cổ phiếu, trái phiếu.

"Chúng tôi cho rằng sau một thời gian phấn khích, thị trường sẽ có cú điều chỉnh giảm khoảng 7-10%, lúc đó nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh, phải thấy rằng đây là cú điều chỉnh cần thiết để cho thị trường lành mạnh", Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV Cấn Văn Lực cảnh báo.

Ông Lực cũng lưu ý nhà đầu tư rằng các ngành nghề do chịu ảnh hưởng của đại dịch sẽ rất phân hóa, có ngành đi lên rất tốt nhưng cũng có ngành đi xuống rất nhiều, điều này cho thấy sự tăng trưởng của TTCK tiềm ẩn mức độ thiếu bền vững nào đó.

Cùng chuyên mục
Tin khác