VFCA đánh giá triển vọng trung hạn của TTCK là sáng sủa nhưng cảnh báo rủi ro ngắn hạn

Thanh Long - 17/06/2021 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) đánh giá triển vọng trung hạn của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam là sáng sủa. Dù vậy, trong ngắn hạn thì nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư mới, có thể sẽ gặp phải những rủi ro nhất định.

VNF
VFCA đánh giá triển vọng trung hạn của TTCK là sáng sủa nhưng cảnh báo rủi ro ngắn hạn

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tháng 5 mà không có hiệu ứng "Sell in May" khi chỉ số VN-Index đã tăng hơn 7% lên 1.328,05 điểm và tiếp tục tăng trong những ngày đầu tháng 6, đạt đỉnh 1.374,05 điểm vào ngày 4/6.

Thanh khoản thị trường tính theo giá trị khớp lệnh theo ngày cũng liên tục tăng mạnh gấp 4 lần, từ mức khoảng 7 nghìn tỷ một năm trước đây lên thành 28 nghìn tỷ đồng ở một số phiên đỉnh cao. Nếu chỉ tính so với hồi đầu năm 2021 thì giá trị khớp lệnh theo ngày của VN-Index tại thời điểm đầu tháng 6/2021 cũng đã tăng gấp đôi.

Theo nhận định của Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) trong "Báo cáo dòng tiền: Nhà đầu tư cá nhân nội dẫn dắt cuộc chơi trên thị trường chứng khoán Việt Nam nửa đầu năm 2021" vừa công bố, dòng tiền lớn chủ đạo và chi phối trên thị trường chứng khoán hiện nay chính là dòng tiền mới của các nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Dòng tiền này dồi dào đến nỗi "cân" cả chuỗi bán ròng kỷ lục tổng cộng khoảng 30.000 tỷ đồng của nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm nay và đưa các chỉ số chứng khoán chinh phục các mốc cao mới bất chấp trạng thái "căng" margin xảy ra ở rất nhiều công ty chứng khoán.

VFCA cho rằng thị trường chứng khoán vẫn sẽ hấp dẫn dòng tiền trong nửa cuối năm 2021. Theo quan điểm của hiệp hội này, các yếu tố hút dòng tiền vào thị trường chứng khoán vẫn chưa thay đổi.

Cụ thể, dịch Covid 19 vẫn đang diễn biến phức tạp với đợt bùng phát thứ 4 và lộ trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 dù đang có tiến triển tốt nhưng dự tính phải hết năm 2022 mới hoàn thành, điều này tiếp tục thúc đẩy sự gia nhập của các nhà đầu tư mới.

Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo ở mức khá cao, khoảng 6,5-7,1%, cũng là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.

Thêm vào đó, lãi suất huy động và cho vay dự kiến vẫn duy trì ở mức thấp nhằm hỗ trợ cho cá nhân, doanh nghiệp vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đã thích nghi và tìm cách sống chung với dịch bệnh Covid-19. Theo đó, tại nước ngoài, các thị trường lớn như Châu Âu và Mỹ đang có sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Trong nước, lợi nhuận sau thuế quý I/2021 của các doanh nghiệp phi ngân hàng tăng tới 157% so với cùng kỳ năm ngoái; do nền so sánh thấp của quý II/2020 nên mức tăng lợi nhuận quý II/2021 được dự báo sẽ tiếp tục ở mức đột biến.

"Việc lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý II của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện hệ số định giá P/E của chỉ số VN-Index và tạo ra sự hấp dẫn mới cho dòng tiền. P/E của VN-Index ở thời điểm hiện tại đang dao động trong khoảng 18,5 - 18,7 lần là không đắt so với mức P/E khoảng 29 - 30 lần của các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonexia, Malaysia… và được dự báo sẽ giảm về mức 17 lần sau khi có kết quả kinh doanh quý II/2021 của doanh nghiệp", chuyên gia của VFCA nêu quan điểm.

Tựu trung, VFCA đánh giá triển vọng trung hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam là sáng sủa. Dù vậy, trong ngắn hạn thì nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư mới, có thể sẽ gặp phải những rủi ro nhất định.

"Việc thị trường chứng khoản đã tăng khá nóng gần 10% chỉ trong hơn một tháng qua với sự dẫn dắt của các nhóm ngành Thép, Ngân hàng và Chứng khoán và tiếp cận đến những vùng kháng cự mạnh 1.400 – 1.450 điểm thì rủi ro điều chỉnh và cần tích lũy lại là khá cao. Một đợt điều chỉnh ngắn hạn giúp giảm bớt sự hưng phấn của dòng tiền là điều tốt cho việc tăng giá bền vững của thị trường trong dài hạn", báo cáo của VFCA viết.

Theo hiệp hội này, dòng tiền trên thị trường hiện nay phần lớn là dòng tiền của nhà đầu tư mới (F0) nên có tính đầu cơ cao. Điều này có thể tạo ra những biến động nhanh và mạnh của giá cổ phiếu trên thị trường theo cảm xúc hưng phấn và sợ hãi của nhà đầu tư.

"Thiếu kiến thức và đầu tư theo cảm xúc, tin đồn có thể làm nhiều nhà đầu tư thua lỗ mặc dù thị trường vẫn tăng điểm", chuyên gia của VFCA cảnh báo.

Bên cạnh đó, nhiều cố phiếu đã có mức tăng giá khá cao lên đến vài trăm phần trăm từ nền giá thấp của năm 2020, vì vậy theo VFCA, có thể có những đợt điều chỉnh ngắn hạn 10 – 20% gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Mặt khác, dòng tiền trên thị trường sẽ luân chuyển nhanh hơn giữa các nhóm ngành khiến những nhà đầu tư ít kinh nghiệm gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm lợi nhuận.

Ngoài ra, giao dịch tiêu cực của khối ngoại cũng vẫn tiếp tục là một gam màu xám trong bức tranh tươi sáng của thi trường chứng khoán Việt Nam. "Nếu dòng tiền lớn của khối ngoại tiếp tục rút ròng kéo dài liên tục như vậy cũng là một rủi ro lớn trong dài hạn lên thị trường", VFCA lưu ý.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.