Ngân hàng

SCB tiếp tục đóng cửa thêm 5 phòng giao dịch từ đầu tháng 1/2024

(VNF) - Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đóng cửa thêm 5 phòng giao dịch tại TP.HCM và Đà Nẵng từ đầu tháng 1. Từ khi bị kiểm soát đặc biệt, ngân hàng này đã chấm dứt hoạt động hơn 1/4 số điểm giao dịch.

SCB tiếp tục đóng cửa thêm 5 phòng giao dịch từ đầu tháng 1/2024

SCB vừa thông báo chấm dứt hoạt động 5 phòng giao dịch tại TP.HCM và Đà Nẵng.
Theo đó, kể từ ngày 3/1, SCB chấm dứt hoạt động phòng giao dịch Ngô Gia Tự - Chi nhánh Sài Gòn, ở quận 10, TP.HCM.

Từ ngày 5/1, SCB chấm dứt hoạt động của 4 phòng giao dịch, gồm: phòng giao dịch Nơ Trang Long - Chi nhánh Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM); phòng giao dịch Mỹ Toàn - Chi nhánh 20/10 (quận 7, TP.HCM); phòng giao dịch Hoàng Sa - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP.HCM); phòng giao dịch Hoàng Diệu - Chi nhánh Đà Nẵng (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng).

Trước đó, trong tháng 12, SCB đã thông báo đóng cửa 14 phòng giao dịch, tập trung chủ yếu tại TP.HCM và Đà Nẵng.

Trong tháng 10 và 11, ngân hàng này cũng đã chấm dứt hoạt động 21 phòng giao dịch tại Đồng Nai, Đà Nẵng, Gia Lai, Long An, TP.HCM và Hà Nội.

Theo thống kê từ website của SCB, từ khi bị kiểm soát đặc biệt đến nay, ngân hàng này đã thông báo đóng cửa tổng cộng 52 phòng giao dịch tại 9 tỉnh, thành phố là TP.HCM (32 phòng giao dịch), Hà Nội (7 phòng giao dịch), Đà Nẵng (5 phòng giao dịch), Gia Lai (1 phòng giao dịch), Long An (1 phòng giao dịch), Hải Phòng (1 phòng giao dịch), Nghệ An (1 phòng giao dịch), Bình Định (1 phòng giao dịch), Đồng Nai (1 phòng giao dịch), Vũng Tàu (1 phòng giao dịch), An Giang (1 phòng giao dịch).

Theo báo cáo điều tra của cơ quan công an, vào tháng 10/2022 - thời điểm trước khi bị kiểm soát đặc biệt, SCB có một hội sở chính, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước.

Như vậy, sau hơn 1 năm bị kiểm soát đặc biệt, SCB đã đóng cửa hơn 1/4 số phòng giao dịch trên cả nước trong khi vẫn giữ nguyên số chi nhánh ở mức 50.

SCB vốn là ngân hàng có mạng lưới rộng lớn sau khi hợp nhất từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) vào năm 2012. Ở thời điểm đỉnh cao, SCB có hoạt động tại 28 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nhưng việc nhóm cổ đông Vạn Thịnh Phát, đứng đầu là bà Trương Mỹ Lan, nắm cổ phần thao túng ngân hàng này trong nhiều năm đã dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng trong cho vay, khiến SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ năm 2022. 

Ngày 15/10/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố quyết định kiểm soát đặc biệt đối với SCB để ổn định hoạt động của ngân hàng này.

NHNN cũng đã lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành SCB.

Đại diện SCB cho biết, sau hơn 1 năm được đưa vào kiểm soát đặc biệt, SCB đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.

Đến nay, SCB vẫn liên tục nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời, sát sao từ NHNN và các cơ quan chức năng để từng bước ổn định, xử lý các khó khăn, vướng mắc và tập trung xây dựng Đề án tái cơ cấu ngân hàng, hướng đến ổn định hoạt động ngân hàng và đưa SCB phát triển trong giai đoạn mới.

Tháng 10/2023, Chính phủ đã có báo cáo trình Quốc hội về thực hiện nghị quyết chất vấn, giám sát từ đầu nhiệm kỳ, trong đó có việc xử lý các ngân hàng yếu kém. "NHNN đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB, để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại nhà băng này theo quy định", báo cáo Chính phủ nêu.

Chủ trương cơ cấu lại SCB được đưa ra trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng, đề xuất của chính ngân hàng và Ban kiểm soát đặc biệt SCB.

Mới đây, NHNN cho biết đang nghiên cứu đề nghị tham gia cơ cấu lại SCB của một số nhà đầu tư, để trình Chính phủ phương án tái cơ cấu ngân hàng này theo quy định.

Tin mới lên