SCIC: ‘Lượng tiền đặt cọc lớn khiến các nhà đầu tư e ngại khi mua cổ phần DNNN’

Thanh Long - 15/03/2018 09:30 (GMT+7)

(VNF) – Từ kinh nghiệm thực hiện thương vụ bán 3,33% cổ phần Vinamilk, SCIC cho rằng, việc các nhà đầu tư phải thu xếp một lượng tiền lớn để đặt cọc cho việc đăng ký mua cổ phần đã tạo tâm lý e ngại khi quyết định tham gia.

VNF
Thời gian ngắn và tiền đặt cọc lớn là 2 vướng mắc trong bán vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà SCIC nhận thấy qua thương vụ bán 3,33% cổ phần Vinamilk

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về kết quả bán 3,33% cổ phần của Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) và một số nội dung liên quan.

Về kết quả thực hiện, SCIC đã hoàn thành bán hơn 48,33 triệu cổ phần VNM, tương ứng 3,33% vốn điều lệ Vinamilk với giá bán thành công 186.000 đồng/cổ phần, thu về gần 9.000 tỷ đồng.

"Toàn bộ quá trình thoái vốn của SCIC được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật theo đúng chỉ đạo của Chính phủ", phía SCIC khẳng định.

SCIC cũng cho biết, từ đợt thoái vốn thành công 5,4% vốn điều lệ Vinamilk trong năm 2016, đơn vị này đã chủ động báo cáo, có văn bản xin ý kiến các cơ quan chức năng phê duyệt, hướng dẫn một số nội dung có liên quan như: đặt cọc, ký quỹ bằng USD, thực hiện chuyển nhượng qua Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), cho phép nhà đầu tư được gia hạn thời gian mở tài khoản và mã giao dịch, miễn phí thủ tục chào mua công khai…

Kết quả, đã có 19 nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia với lượng cổ phần đăng ký mua gấp 1,53 lần lượng chào bán; giá bán thành công cao hơn 24% giá khởi điểm.

SCIC cho rằng việc phối hợp chặt chẽ với Vinamilk trong suốt quá trình triển khai là yếu tố quan trọng cho thành công của đợt chào bán. Ngoài ra, việc phối hợp với Sở giao dịch chứng khoán, các công ty chứng khoán, thực hiện các đợt Roadshow, tiếp xúc với nhà đầu tư… cũng giúp cho SCIC đề xuất kịp thời các phương án phù hợp theo diễn biến mới nhất.

Tuy nhiên, SCIC nhận thấy rằng quá trình triển khai vẫn còn một số vướng mắc. Một là thời gian thực hiện ngắn.

"Trong vòng 3 tháng, SCIC phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, từ việc lựa chọn tư vấn bán cổ phần, tổ chức giới thiệu cơ hội đầu tư trong và ngoài nước, xác định giá khởi điểm chào bán cổ phần, xây dựng quy chế bán cổ phần, công bố thông tin đợt chào bán, phối hợp với các cơ quan có chức tăng để xây dựng một số cơ chế mới chưa có tiền lệ…", phía SCIC nhấn mạnh.

Thứ hai là về đặt cọc. SCIC cho rằng nhà đầu tư phải thu xếp một lượng tiền lớn để đặt cọc cho việc đăng ký mua cổ phần, tạo tâm lý e ngại khi quyết định tham gia.

Về kế hoạch triển khai tiếp theo, đến năm 2020, Vinamilk vẫn thuộc đối tượng bán vốn Nhà nước. SCIC trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo về kế hoạch và lộ trình năm 2018 để đơn vị này xây dựng phương án chi tiết trình Thủ tướng xem xét quyết định.

Cùng chuyên mục
Tin khác