Sếp IHG: ‘Mục tiêu khai trương 22 khách sạn trong 3-5 năm tới ở Việt Nam’

Lệ Chi - 13/11/2022 10:01 (GMT+7)

(VNF) - Ông Rajit Sukumaran, Giám đốc Điều hành IHG Hotels & Resorts khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc, cho biết tập đoàn có 15 khách sạn thuộc năm thương hiệu đang quản lý trên toàn quốc và 22 khách sạn đang trong quá trình triển khai, dự kiến khai trương trong vòng 3-5 năm tới.

VNF
Ông Rajit Sukumaran, Giám đốc Điều hành IHG Hotels & Resorts khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc

- Kể từ khi Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế trở lại từ giữa tháng 3/2022 đến nay, ông đánh giá thế nào về sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam?

Ông Rajit Sukumaran: Chúng tôi vui mừng khi nhìn thấy thành phố nhộn nhịp và đầy sức sống, các khách sạn hoạt động rất tốt thậm chí tôi thấy khách du lịch nhiều hơn so với lần gần đây tôi đến Hà Nội.

Số liệu từ STR - công ty nghiên cứu dữ liệu quốc tế về ngành du lịch cho thấy tính đến cuối tháng 9/2022, mức độ lấp đầy phòng trống khắp cả nước đang trên đà tăng trưởng với 65%, cao hơn so cùng kỳ tháng 9 năm 2021. Trong đó, giá đặt phòng trung bình (ADR) tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, có thể thấy nhu cầu du lịch đang dồn nén tại Việt Nam.

Ngoài ra, theo dữ liệu tìm kiếm mới nhất của IHG, du khách đến từ các quốc gia Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc đều đang chủ động tìm kiếm điểm đến là Việt Nam. Đồng thời, số lượt tìm kiếm đến từ những thị trường này cao hơn hẳn so với năm 2019.

Tuy nhiên, hiện tần suất hoạt động các chuyến bay Đông Nam Á và đường bay chặng dài chưa đạt được mức trước đại dịch. Nhưng với nhu cầu du lịch dồn nén và các lộ trình phát triển du lịch, tương lai ngành du lịch trong nước sẽ rộng mở. Và chúng tôi mong muốn IHG là nhân tố thúc đẩy sự phát triển này.

Thực tế, chúng tôi nhận thấy châu Á là một trong những thị trường mở cửa du lịch chậm trên thế giới, sau châu Âu và châu Mỹ. Việc mở cửa chậm luôn có tính 2 mặt là chúng ta học được những kinh nghiệm của các nước mở cửa trước để không mắc sai lầm, song chúng ta lại là người đi sau.

Tại Việt Nam, khi du lịch mở cửa trở lại, các hoạt động đi lại cũng như kinh doanh được khôi phục khá nhanh nhờ lợi thế thị trường nội địa. Tuy nhiên, một vấn đề hiện nay là ngành hàng không chưa quay về như trước đại dịch, trong khi đây là yếu tố quan trọng để ngành du lịch khôi phục như bình thường. Do đó, chúng tôi đang làm việc với các cơ quan quản lý du lịch cùng với các hãng hàng không để tìm ra giải pháp thúc đẩy nhanh quá trình này, vì chúng ta cần nhiều chuyến bay hơn nữa đến Việt Nam.

Dù các con số và các chỉ số đều mang nhiều hứa hẹn nhưng chúng tôi không thể dự đoán tương lai chính xác sẽ ra sao. Tuy nhiên, chúng tôi có thể nói rằng thị trường du lịch sẽ khôi phục rất nhanh, bởi mỗi lần quay lại Việt Nam tôi đều thấy mọi thứ lại nhộn nhịp hơn lần trước đó.

- Thực tế hiện nay ngành du lịch khách sạn Việt Nam đang phải đối mặt với lượng lớn nhân sự bỏ nghề, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Đối với ngành du lịch khách sạn, chúng tôi đang phải đối mặt với thực trạng thiếu chuyên môn, thiếu nhân viên, vì thế chúng tôi đang tuyển dụng thêm. Để bắt kịp với xu hướng toàn cầu, chúng tôi cũng đưa ra các chiến dịch có mục tiêu bằng ngôn ngữ địa phương để các ứng viên thấy rõ cơ hội phát triển nghề nghiệp và thu hút họ gia nhập ngành này.

Trong đại dịch vừa qua, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới ngành nghề này bị tác động rất nặng nề. Chính vì vậy, việc mà chúng tôi làm là luôn luôn cung cấp cơ hội phát triển và học tập cho nhân viên, đây chính là cách chúng tôi thu hút nguồn nhân lực.

Lý do đầu tiên mà mọi người muốn làm việc tại IHG là chúng tôi đưa ra lộ trình phát triển sự nghiệp rõ ràng cho nhân viên, từ lúc họ bắt đầu vào làm việc cho đến khi họ hoàn thành quá trình phát triển sự nghiệp của mình. Ngoài ra, chúng tôi cố gắng xây dựng ngành nhà hàng khách sạn trở thành một nơi tuyệt vời để làm việc. Tại Việt Nam, chúng tôi có một chiến dịch “SHINE” chia sẻ những câu chuyện của nhân viên khách sạn đạt được thăng tiến trong công việc và cách họ tự phát triển bản thân. Toàn bộ chương trình của chiến dịch này đều thực hiện bằng tiếng Việt.

- Trong bối cảnh lạm phát đang diễn ra, du lịch bị tác động ra sao thưa ông?

Giá cả tại Việt Nam và khắp mọi nơi sẽ tăng lên. Tuy nhiên nhu cầu du lịch của mọi người lúc nào cũng cao. Các số liệu từ quá khứ cho thấy du lịch là hạng mục cuối cùng mà mọi người cân nhắc khi muốn giảm chi phí. Ngoài ra, chúng ta có thể thấy đi công tác cũng là việc mà bạn không thể bỏ đi được. Do đó, dù chi phí cao thì nhu cầu du lịch vẫn ổn định.

Mặc dù áp lực lạm phát đang diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới nhưng các thương hiệu của IHG vẫn hoạt động tốt. Hiện tại, giá phòng của chúng tôi tăng 11% so với năm 2019. Tương tự, tỷ lệ khách nghỉ dưỡng tăng khoảng 15% trong quý, tỷ lệ khách công tác tăng 7% và tỷ lệ các đoàn cũng cho thấy tăng trưởng hơn so với 2019.

Trước đại dịch, tốc độ phát triển của ngành khách sạn luôn cao hơn tốc độ phát triển của ngành kinh tế nói chung. Hiện tại, chúng tôi bước ra khỏi đại dịch với năng lực mạnh mẽ hơn so với trước đây. Cũng vì vậy, chúng tôi có vị thế tốt hơn nhiều trước những vấn đề giá cả tăng.

- Đầu năm 2022, IHG công bố kế hoạch sẽ tăng gấp đôi số lượng phòng khách sạn ở Việt Nam. IHG sẽ làm như thế nào để hiện thực hóa được kế hoạch đó, thưa ông?

Gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2007, chúng tôi luôn kỳ vọng gặt hái nhiều thành công và ngày càng phát triển tại đất nước Việt Nam. Để đạt được mục tiêu trên, chúng tôi hợp tác dài hạn cùng các tập đoàn chủ sở hữu như Tập đoàn BIM hay Sun Hospitality và các đối tác mới như Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp.

Để hiện thực hóa kế hoạch nhanh hơn, chúng tôi mở văn phòng tại Việt Nam, bao gồm các bộ phận từ vận hành, tài chính, nhân sự… để họ có thể độc lập đưa ra các quyết định cho các khách sạn ở Việt Nam một cách nhanh nhất nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Hiện tại, chúng tôi đang có 15 khách sạn thuộc 5 thương hiệu đang quản lý trên toàn quốc và có 22 khách sạn đang trong quá trình triển khai, dự kiến khai trương trong vòng 3-5 năm tới. Việc ký kết các thỏa thuận với các đối tác sẽ giúp con số này tiếp tục tăng lên.

- Như ông chia sẻ là IHG đang hợp tác với các chủ sở hữu. Vậy ông có thể giải thích rõ hơn về việc hợp tác này?

Thị trường khách sạn sẽ có 2 chủ thể bao gồm: chủ sở hữu bất động sản và đơn vị vận hành bất động sản. Trong một số trường hợp sẽ có bên thứ 3 được gọi là nhà phát triển bất động sản - đơn vị xây dựng khu vực bất động sản. Tuy nhiên, tại hầu hết các khu vực châu Á, các chủ sở hữu và công ty xây dựng phát triển bất động sản là một.

Ở phía đơn vị vận hành các khách sạn trên toàn cầu chính là IHG, chúng tôi có các thương hiệu và đó là tài sản chính của chúng tôi. Thương hiệu này bao gồm các hệ thống, chương trình khách hàng cũng như là chuyên môn, kiến thức về cách vận hành các khách sạn.

Khi cả 2 chủ thể hợp tác và làm việc cùng nhau sẽ tạo ra các khách sạn như Intercontinental Hà Nội Westlake. Khi hai bên hợp tác sẽ cùng nhau đạt mục tiêu đưa ra, có được dịch vụ nhà hàng khách sạn tốt nhất.

- Nhiều báo cáo dự báo kinh tế toàn cầu đang đi xuống, điều gì khiến IHG thúc đẩy kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, thưa ông?

Chúng tôi đã có mặt tại Việt Nam 15 năm, từng trải qua nhiều thăng trầm cùng thị trường và chúng tôi vẫn giữ vững cam kết đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Điều quan trọng nữa là các thương hiệu của chúng tôi được các chủ sở hữu và khách hàng rất quan tâm hợp tác hoặc yêu thích. Chiến lược của chúng tôi là đúng đối tác, đúng địa điểm, đúng thương hiệu, điều này càng giúp chúng tôi tăng trưởng nhanh.

Khi nói đến biến động kinh tế, tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải tập trung vào chiến lược của mình. Chiến lược của chúng tôi là phát triển danh mục thương hiệu IHG và chuyển đổi IHG One Rewards - chương trình khách hàng thân thiết của IHG. Điều này hấp dẫn đối với chủ đầu tư và chủ sở hữu khách sạn tham gia nền tảng kinh doanh của chúng tôi để có thể phát triển và khai thác các cơ hội thật sự, thúc đẩy phát triển ngành khách sạn.

Cuối cùng, tôi cho rằng khả năng phục hồi của mô hình kinh doanh, khả năng xoay sở và linh hoạt của chúng tôi trong việc ứng phó với các điều kiện kinh tế vĩ mô đang thay đổi gần đây đã được chứng minh thông qua đợt đại dịch vừa qua. Đó là lý do tại sao chúng tôi tự tin rằng nên tập trung vào chiến lược của mình.

- Có mặt tại Việt Nam tròn 15 năm, điều khác biệt lớn nhất mà ông nhận thấy về thị trường du lịch là gì?

Theo quan sát của tôi, thị trường du lịch nội địa của Việt Nam luôn luôn mạnh, kể cả trước đây và bây giờ. Có rất nhiều thay đổi trong hoạt động du lịch, ví dụ như “staycation” - kỳ nghỉ ở nhà hoặc gần nhà thay vì đến một vùng đất, thành phố khác.

Ngoài ra, có xu hướng mới là du lịch gia đình đa thế hệ. Ví dụ trước đây chỉ có du lịch cặp đôi nhưng giờ có cả ông bà, bố mẹ, con cháu đi cùng với nhau. Xu hướng này rất rõ tại các khu nghỉ dưỡng của chúng tôi ở Đà Nẵng, Nha Trang, hoặc Phú Quốc, cho thấy xu hướng du lịch nhóm gia đình ngày càng lớn.

Liên quan đến du lịch quốc tế, tôi thấy có nhiều thay đổi. Nếu so với 15 năm trước thì lượng khách đến Việt Nam nay đã khác, số lượng các chuyến bay đến TP. HCM và Hà Nội ngày càng nhiều. Hơn nữa, chúng tôi thấy có nhiều tuyến đường bay mới, chẳng hạn Ấn Độ có nhiều chuyến bay trực tiếp đến Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng và Phú Quốc. Với tư cách là công ty vận hành khách sạn quốc tế, chúng tôi cũng có những thay đổi để đáp ứng với từng đối tượng khách hàng.

Đặc biệt ở Việt Nam, chúng ta có cơ sở hạ tầng cải thiện, sự tăng trưởng về tầng lớp trung lưu cũng như mức thu nhập, nhiều khách quốc tế hơn, nhiều các tuyến hàng không mới… Vì vậy, chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng để mở cửa đón khách.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cùng chuyên mục
Tin khác