Sếp KPMG: Khi M&A, doanh nghiệp Việt thường 'hét giá' quá cao

Tân Mai - 24/11/2020 19:34 (GMT+7)

(VNF) - Theo ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, một trong những yếu tố gây cản trở hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam là định giá. Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam thường đưa ra mức giá quá cao so với giá trị thực tế, giá thị trường khiến không ít nhà đầu tư ngoại "bỏ chạy" từ khi mới thương thảo.

VNF
'Trong quá trình thương thảo M&A, doanh nghiệp Việt thường 'hét' giá quá cao'

Yếu tố cản trở hoạt động M&A: Định giá

Tại diễn đàn "Mua bán - sáp nhập (M&A) Việt Nam 2020" tổ chức vào ngày 24/11, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia nhận định, hiện nay có 3 điểm khiến nhà đầu tư ngoại không tự tin thực hiện M&A tại Việt Nam, đó là diễn biến khó lường của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và căng thẳng thương mại, sau đó là sự bùng phát của Covid-19 và cuối cùng là yếu tố nội địa.

Theo ông Cleine, qua những gì mà Việt Nam thể hiện trước tác động của dịch bệnh và căng thẳng thương mại, sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quay lại thị trường nước ta để thực hiện các thương vụ M&A.

Tuy nhiên, còn một yếu tố gây ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, đó là việc doanh nghiệp Việt Nam thường đưa ra mức giá quá cao, trong khi nhà đầu tư ngoại luôn muốn giá trị phải thực tế, đúng theo giá thị trường.

"Mức giá đưa ra nhiều khi có vẻ 'khôi hài', tạo rào cản lớn ngay từ ban đầu. Doanh nghiệp cần nhìn từ góc độ của nhà đầu tư và nhà tư vấn, đây là vấn đề lớn và doanh nghiệp cần chú tâm đến vấn đề định giá để cuộc thương thảo đạt hiệu qua cao nhất", ông Cleine cho biết.

"Không ít trường hợp khi chào mức giá quá cao, ngay lập tức nhà đầu tư bỏ chạy, tìm đến công ty khác. Cả chu kỳ hoạt động M&A, mọi thứ kéo dài hơn rất nhiều, không chỉ chốt thương vụ mà sự hài lòng đôi bên và duy trì được doanh nghiệp mới là điều quan trọng", ông Cleine nói thêm.

Trong khuôn khổ diễn đàn, bày tỏ kỳ vọng vào thị trường M&A Việt Nam thời gian tới, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định hiệp định thương mại tự do EVFTA sẽ gián tiếp thúc đẩy các giao dịch M&A của các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam.

Ông Audier cho hay, lĩnh vực cơ sở hạ tầng - bị ngưng trệ khá nhiều do dịch bệnh sẽ là một trong những lĩnh vực được kỳ vọng nhất. EVFTA giúp bảo hộ cho các nhà đầu tư, cho cả hai bên, giúp các doanh nghiệp có sự gắn kết qua lại.

"Chúng tôi kỳ vọng sẽ có sự tiến triển mạnh từ những giao dịch như vậy", ông Audier nói.

Chính phủ luôn hỗ trợ nhà đầu tư ngoại

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, với quan điểm nhất quán "nhà đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế", Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

"Chính phủ luôn nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cơ bản nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, như cơ sở hạ tầng, đất đai, mặt bằng, đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo hành lanh thông thoáng cho nhà đầu tư nước ngoài", ông Phương cho hay.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Phương cho biết, trong năm 2020, Bộ đã chủ trì và soạn thảo nhiều văn bản, trình Chính phủ và Quốc hội thông qua với nhiều cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư, kinh doanh, M&A.

Phải kể đến như lần đầu tư danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư ngoại sẽ được Chính phủ ban hành theo nguyên tắc chọn bỏ. Đây là cải cách quan trọng, giúp nhà đầu tư ngoại được tiếp cận thị trường tương tự nhà đầu tư trong nước, đối với toàn bộ ngành nghề, lĩnh vực từng bị hạn chế này.

Thời gian tới, Bộ sẽ hoàn thiện chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời kỳ mới, với mục tiêu ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao... với cam kết hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất, gắn với đào tạo nguồn nhân lực.

Dẫu vậy, năm 202,1 dự báo Covid-19 vẫn còn phức tạp, tiềm ẩn rủi ro và bất định không nhỏ cho nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn vẫn quyết liệt, sự phục hồi chậm chạp của dòng FDI... là những nguy cơ, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt.

Chính vì vậy, theo ông Phương, để thị trường M&A Việt Nam bật dậy trong trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần tiếp tục tư duy phát triển, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn nữa.

"Một chiến lược M&A hợp lý là công cụ quan trọng cho doanh nghiệp, trong bối cảnh hiện nay và các năm kế tiếp", ông Phương nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác