Bất động sản

'Sếp' Savills: Có chủ văn phòng chia sẻ phải giảm 50% giá thuê vì Covid-19

(VNF) - Bà Đỗ Thị Thu Hằng – Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội, cho biết dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới loại hình văn phòng chia sẻ, có những chủ nhà đã phải giảm giá thuê các dịch vụ 20% - 30%, cá biệt giảm tới 50%.

'Sếp' Savills: Có chủ văn phòng chia sẻ phải giảm 50% giá thuê vì Covid-19

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội

Trong báo cáo thị trường bất động sản quý I/2020, Savills cho biết trong phân khúc văn phòng cho thuê, loại hình văn phòng chia sẻ (co-working space) chịu tác động mạnh hơn cả của Covid-19 do thời hạn thuê ngắn và tính linh hoạt của hợp đồng. 

Để làm rõ hơn những khó khăn của giới chủ văn phòng chia sẻ và cơ hội phục hồi của loại hình này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Thu Hằng – Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội:

- Thưa bà, ở thời điểm hiện tại, số lượng nhà phát triển văn phòng chia sẻ, nguồn cung văn phòng chia sẻ là bao nhiêu?

Bà Đỗ Thị Thu Hằng: Số lượng nhà phát triển văn phòng chia sẻ đã tăng nhanh trong vài năm gần đây, thường tập trung nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Riêng ở Hà Nội, số lượng hiện đang đạt khoảng 40 đơn vị.

- Bà có thể cho biết đại dịch Covid-19 đã tác động cụ thể như thế nào tới văn phòng chia sẻ trong quý I/2020 về nguồn cung, tỷ lệ lấp đầy, tỷ lệ trống?

Liên quan đến nguồn cung, một số dự án dự kiến đi vào hoạt động trong quý I/2020 đã phải trì hoãn. Cũng trong quý này, do có yêu cầu giãn cách xã hội và dịch bệnh xuất hiện tại các thành phố lớn nên công suất thuê của văn phòng chia sẻ đã giảm đáng kể so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19.

Công suất còn bị ảnh hưởng thêm từ đặc thù thời hạn cho thuê ngắn và hợp đồng linh hoạt. Ngoài ra, cũng có thể kể tới những lý do khác như một bộ phận khách thuê cá nhân đang làm việc tự do (freelance) hoặc những doanh nghiệp nhỏ đang bị ảnh hưởng nặng do sự suy giảm kinh tế trong thời kỳ bệnh dịch.

- Các nhà phát triển văn phòng chia sẻ bị thiệt hại như thế nào trong đại dịch lần này?

Dịch Covid-19 đã và đang khiến cho những nhà phát triển văn phòng chia sẻ gặp nhiều khó khăn khi khách thuê của họ gặp khủng hoảng và yêu cầu giảm giá thuê cũng như tạm hoãn thanh toán.

Đây là mội bài toán khó cho các chủ cho thuê khi họ vừa phải giữ chân khách hàng, vừa phải xoay sở cho những khoản chi phí cố định như tiền thuê mặt bằng, trả lãi ngân hàng… Hơn thế nữa, dư âm của cú sốc WeWork vẫn còn đó khiến cho loại hình văn phòng này đang bị xem xét một cách kỹ lưỡng hơn.

- Các nhà phát triển văn phòng chia sẻ đã ứng biến như thế nào trong đại dịch?

Trong thời điểm này, có những văn phòng chia sẻ đã giảm giá thuê các dịch vụ từ 20% đến 30% để giữ chân khách hàng, cá biệt những nơi giảm giá tới 50% cho khách hàng thanh toán lần đầu.

Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp kinh doanh loại hình này cũng đang tích cực hoạt động trên môi trường trực tuyến như tạo ra các lớp học, sự kiện trực tuyến cũng như hội thảo cho các thành viên thuộc hệ thống chi nhánh của họ.

Ngoài ra, các chủ văn phòng chia sẻ cũng tuân theo sự chỉ đạo của chính phủ như sắp xếp chỗ ngồi cách xa 2m, sát khuẩn khu vực làm việc hàng ngày, cung cấp nước rửa tay và đảm bảo môi trường luôn thông thoáng, sạch sẽ.

Hiện nay, cũng có tình huống là một số nhà phát triển đang tính đến việc cơ cấu lại hệ thống các địa điểm đang mở tùy thuộc hiệu quả hoạt động của từng vị trí.

- Văn phòng chia sẻ có sức chịu đựng kém hơn văn phòng truyền thống (do đặc thù hợp đồng ngắn và linh hoạt), vậy bà dự báo như thế nào về khả năng phục hồi của loại hình này, nhất là trong bối cảnh đại dịch chưa hoàn toàn được dập tắt?

Trong bối cảnh đại dịch chưa hoàn toàn được dập tắt nhưng Việt Nam đang kiểm soát dịch rất tốt, văn phòng chia sẻ vẫn có cơ hội cải thiện tình hình hoạt động khi hầu hết các doanh nghiệp đều đang gánh chịu sự sụt giảm về doanh thu.

Khác với văn phòng truyền thống - vốn dĩ yêu cầu sự đầu tư ban đầu lớn cũng như sự ổn định về tài chính của công ty, văn phòng chia sẻ nổi lên như là giải pháp được nhiều doanh nghiệp đưa ra lúc này, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ hay start up khởi nghiệp.

Thế mạnh của văn phòng chia sẻ là chi phí thuê thấp và tiền đặt cọc ít cũng như thời gian thuê không quá dài nhưng được đảm bảo đầy đủ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị làm việc, giải trí.

Những yếu tố đó sẽ giúp cho văn phòng chia sẻ có thể phục hồi và phát triển trong thời kỳ các doanh nghiệp đang phải trả mặt bằng, thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự cũng như phải tách nhóm nhân viên khị dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được dập tắt.

- Theo bà, sau đại dịch chủ nhà nói chung và văn phòng chia sẻ nói riêng có cần thay đổi và thay đổi như thế nào?

Các chủ nhà truyền thống sẽ linh hoạt hơn trong việc đàm phán các hợp đồng thuê hiện có và hợp đồng thuê mới để có thể duy trì công suất thuê, do các doanh nghiệp trong và sau đại dịch cũng vẫn phải cân đối các loại chi phí, trong đó có chi phí thuê văn phòng.

Tôi cho rằng có thể các chủ nhà phải tính đến việc đưa ra thêm các ưu đãi, khuyến khích, giữ chân khách thuê.

Còn với văn phòng chia sẻ, tôi nghĩ giới chủ có thể phải tính đến việc điều chỉnh mô hình kinh doanh hướng tới các đối tượng doanh nghiệp lớn hơn và nhiều lao động hơn. Bên cạnh đó, họ nên chú trọng vào việc phát triển cộng đồng bằng cách sử dụng mạng xã hội và kết nối doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Tin mới lên