Chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới, Bhutan liệu có phải ‘miền đất hứa’?

Bảo Anh - 07/07/2024 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Bhutan hiện có 700.000 dân sinh sống và được biết đến là đất nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Vậy, những người hạnh phúc nhất thấy thế nào về cuộc sống của mình?

Đa phần khi nhắc tới Bhutan, người ta sẽ nghĩ ngay tới 2 điều: đất nước thu thuế du lịch 100 USD/ngày của khách quốc tế và nơi ra đời Chỉ số hạnh phúc quốc gia.

Trong quá khứ, Bhutan từng là vương quốc ẩn mình với thế giới. Đến thời điểm quốc gia này bắt đầu cởi mở hơn, người dân toàn cầu bắt đầu tò mò và muốn khám phá về vùng đất này, khiến Bhutan bỗng trở thành một điểm du lịch hấp dẫn.

Tu viện Phật giáo Taktsang Palphug (còn gọi là Tiger's Nest) nằm ở phía tây Bhutan

Người dân Bhutan có thực sự hạnh phúc?

Khi được hỏi về vấn đề này, mỗi người dân Bhutan lại có một câu trả lời khác nhau.

“Điều đầu tiên mọi người nhắc đến là hạnh phúc tại Bhutan. Với cá nhân tôi, nơi đây khá yên bình và tôi thấy rất vui khi được sinh sống tại đây”, ông KJ Temphel, nhà sáng lập nhóm bảo tồn Green Bhutan chia sẻ.

Tại Bhutan, người dân địa phương sẽ tự hào nói với bạn rằng Thimpu là thủ đô duy nhất trên thế giới không có đèn giao thông. Nếu như ở những nơi khác trên thế giới, thương hiệu quốc tế trải dài trên các tuyến phố, thì tại Thimpu, các cửa hiệu, nhà hàng đa phần đều do người dân địa phương sở hữu và điều hành. Chỉ có một số rất ít, chẳng hạn như chuỗi khách sạn cao cấp Le Meridien và Aman là thuộc sở hữu của một đơn vị quốc tế.

Thimpu là thủ đô duy nhất trên thế giới không có đèn giao thông

Ông Tandin Phubz, người sáng lập trang Facebook Humans of Thimpu, nơi đăng tải các hình ảnh của người dân tại thủ đô Bhutan cho biết: “Tôi thấy rằng người dân chúng tôi từng thực sự hạnh phúc. Thế nhưng, sự du nhập của những công nghệ hiện đại đang khiến chúng tôi xa cách nhau hơn, mọi người cũng trở nên chán nản và buồn bã hơn”.

Bhutan là một quốc gia Phật giáo. Các yếu tố tâm linh và tôn giáo có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến lối sống của người dân. Trước đây, phải tới tận năm 1999, các chương trình truyền hình mới được cho phép phát sóng tại Bhutan. Sau đó, cũng chính những chương trình này bị cho là đã phá huỷ cuộc sống của các gia đình cũng như mang tới các tệ nạn xã hội cho quốc gia.

“Mọi người đang bị cuốn vào những tiện ích hiện đại. Họ có xu hướng quên cầu nguyện vào mỗi sáng và mỗi tối. Thay vào đó, họ sử dụng điện thoại thông minh xem Tiktok, lướt lên và lướt xuống”, ông Tandin than thở.

Theo doanh nhân Chokey Wangmo, người đã dành phần lớn quãng thời gian học tập tại Ấn Độ trước khi trở về Bhutan: “Cách chúng ta đang sống hiện đã cũ và không còn phù hợp, chúng ta cần học và chấp nhận những thứ mới”.

Bà Wangmo cho rằng khi cả thế giới đang hướng tới công nghệ hiện đại, thì các chủ doanh nghiệp tại Bhutan vẫn đang gặp trắc trở trong việc không một ngân hàng nào tại Bhutan cho phép điền giấy tờ trực tuyến, mà mọi giao dịch sẽ phải thực hiện trực tiếp. Các tiện ích như lên lịch họp, tin nhắn, dịch vụ khách hàng trực tuyến… đều sẽ không tồn tại ở các văn phòng ở Bhutan.

Các tập đoàn như McDonald's và Starbucks khó có thể đến Bhutan - không phải vì chính sách hay phong tục địa phương, mà vì đây không phải là thị trường đem lại lợi nhuận cho họ.

“Dân số quá ít, chúng tôi thậm chí sẽ không thể thu hồi được tiền nhượng quyền trong vòng 10 năm. Kể cả khi toàn bộ dân số đến và uống một tách cà phê mỗi ngày, điều đó vẫn là không thể”, bà Wangmo chia sẻ từ chính những bài học thực tế của doanh nghiệp do bà phát triển.

Để Bhutan có thể phát triển mạnh mẽ hơn, bà Wangmo nhận định đất nước và cả con người tại nơi đây cần có những thay đổi nhất định: “Sự thay đổi sẽ giáng một đòn mạnh vào cộng đồng người dân tại Bhutan. Sẽ có những người không vui, hay những người sợ hãi vì không biết cái gì sắp xảy ra. Nhưng chúng ta phải có niềm tin, chúng ta phải làm điều này, không gì là không thể”.

Gặp khó khăn trong việc xuất ngoại

Trên thực tế, người dân Bhutan rất thích khám phá thế giới rộng lớn, thế nhưng, họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Chỉ số hộ chiếu Henley xếp hạng hộ chiếu Bhutan là quyền lực thứ 87 trên thế giới, người sở hữu hộ chiếu này có thể nhập cảnh vào 55 địa điểm mà không cần thị thực – danh sách không bao gồm Mỹ, Úc hoặc Liên minh châu Âu.

Sân bay quốc tế duy nhất của Bhutan, Paro International (PBH), là một trong những sân bay đẹp nhất thế giới – nhưng cũng là một trong những sân bay có đường bay khó cất cánh và hạ cánh nhất.

Paro International là một trong những sân bay đẹp nhất thế giới nhờ nằm giữa 2 ngọn núi

Sân bay nằm trong một thung lũng giữa hai ngọn núi, chỉ những máy bay nhỏ mới có thể hạ cánh và cất cánh an toàn. Do đó, Paro chỉ có thể cung cấp các chuyến bay ngắn đến Bangkok, Dhaka, Kathmandu và New Delhi gần đó.

Sau này, việc di chuyển bằng máy bay có thể trở tên dễ dàng hơn khi Bhutan sẽ đón thêm một sân bay quốc tế mới tại Gelephu, nơi có địa hình bằng phẳng hơn và không gian rộng lớn hơn, đáp ứng tiêu chuẩn của những chiếc máy bay phản lực cỡ khủng.

Tuy nhiên, kể cả như vậy, người dân Bhutan vẫn gặp một vài khó khăn trong việc xuất ngoại. Theo số liệu của chính phủ, thu nhập bình quân đầu người ở Bhutan là 115.787 ngultrum (1.387 USD) mỗi năm. Trong khi đó, một chuyến bay từ Paro đến Bangkok thường có giá khởi điểm ở mức 350 USD. Vì vậy, du lịch quốc tế vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người Bhutan.

Kể cả với những người nước ngoài muốn di cư đến Bhutan cũng không phải dễ, vì chỉ có công dân Bhutan mới được quyền mua đất đai. Trong khi để trở thành công dân Bhutan, kể cả khi đã kết hôn với một người Bhutan chính gốc, thì người di cư vẫn phải nhận được sự chấp thuận đến từ nhà vua.

Với người dân Bhutan, vua vẫn là người được họ tôn sùng tuyệt đối. Chân dung vị vua thứ 5 của đất nước này cùng hoàng hậu Jetsun Pema và ba người con nhỏ có mặt ở hầu hết mọi ngôi nhà cũng như doanh nghiệp của Bhutan.

Họ trưng bày các bức chân dung như cách các nước khác trên thế giới treo quốc kỳ. Ảnh nhà vua cũng sẽ được đặt khắp mọi nơi trong các ngôi chùa Phật giáo, ngay cạnh các Lạt Ma và xung quanh chất đầy lễ vật như hoa, trái cây, đồ ngọt…

Nỗi lo mất cân bằng dân số

Đến nay, ngày càng có nhiều người trẻ rời khỏi Bhutan để đi học và làm việc tại nước ngoài. Một người thuộc thế hệ trẻ của Bhutan, anh Phubz, người đang ở độ tuổi đôi mươi và theo học Thạc sĩ Truyền thông tại Úc cho biết bản thân đang nỗ lực cân bằng giữa tình yêu gia đình, yêu di sản quê hương với mong muốn tìm tòi, khám phá thêm về thế giới.

“Bhutan có một câu trích dẫn nổi tiếng rằng ‘Hãy làm bất cứ điều gì hàng xóm làm. Nếu họ đi vắt sữa bò, bạn cũng đi vắt sữa bò. Nếu họ làm việc ngoài đồng, bạn cũng đi làm việc ngoài đồng’.

Và đến khi chỉ cần 1 hộ gia đình cho con theo học tại nước ngoài, vậy các bậc phụ huynh khác cũng sẽ cảm thấy: ồ, đứa trẻ hàng xóm sắp sang Úc, tôi cũng phải cho con mình đi theo”, anh Phubz lý giải về lý do ngày càng có nhiều bạn trẻ tại Bhutan tiếp cận văn hoá quốc tế.

Hơn 80% người dân tại Bhutan theo Phật giáo

Chính xu hướng này đang khiến nhiều người quan ngại rằng một ngày nào đó, Bhutan sẽ rơi vào tình cảnh mất cân bằng dân số nghiêm trọng giữa người già và người trẻ. “Sau 7 năm sống ở các quốc gia khác, tôi lo rằng giới trẻ sẽ thích nghi với phong tục, tập quán tại các nước hiện đại này, và sẽ rất khó để thuyết phục họ quay về Bhutan”, ông Temphel quan ngại.

Theo CNN
Cùng chuyên mục
Tin khác