So tiềm lực DOJI và Coteccons, hai đối thủ cạnh tranh làm dự án 4.600 tỷ đồng ở Huế

Đức Hoàng - 20/03/2024 12:07 (GMT+7)

(VNF) - Trong 2 liên danh lọt qua vòng sơ loại dự án tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở hơn 4.600 tỷ đồng ở Thừa Thiên Huế, nổi lên 2 tên tuổi, đó là DOJI và Coteccons.

VNF
Ảnh minh họa

Mới đây Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông báo mời thầu rộng rãi dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở gồm các khu đất có ký hiệu OTM4, OTM6, LK16, LK17, CC12, CX2 tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu.

Dự án có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 4.626 tỷ đồng; chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư 171 tỷ đồng; giá sàn nộp ngân sách nhà nước 124 tỷ đồng.

Theo quyết định phê duyệt kết quả mời quan tâm dự án, có 2 nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực kinh nghiệm gồm: Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI - Công ty TNHH Đầu tư bất động sản DOJI LAND - Công ty TNHH Đầu tư bất động sản BLUE STAR; Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Unicons.

Trong 2 liên danh vượt qua vòng sơ loại, có 2 doanh nghiệp được giới đầu tư "để mắt" trên thị trường bất động sản, đó là DOJI và Coteccons.

DOJI lấn sân bất động sản, nhiều dự án nghìn tỷ

Về DOJI, doanh nghiệp hoạt động xuyên suốt 3 thập kỷ qua dưới sự dẫn dắt bởi ông Đỗ Minh Phú. Tập đoàn tiền thân là Công ty Phát triển công nghệ và thương mại TTD, là một trong số ít các doanh nghiệp tại Việt Nam tiên phong trong hoạt động chuyên sâu về khai thác đá quý, chế tác cắt mài và xuất khẩu đá quý ra thị trường quốc tế.

Theo giới thiệu, năm 2007, TTD chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý & Đầu tư Thương mại DOJI. Cùng năm này, doanh nghiệp khai trương Ruby Plaza tại Hà Nội vào ngày 30/6 - một trong những trung tâm vàng bạc đá quý và trang sức lớn nhất Việt Nam thời điểm đó.

Hai năm sau đó, DOJI chính thức trở thành Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con và gây chú ý mạnh trong giới tài chính vào năm 2012 khi tái cơ cấu thành công Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), DOJI trở thành cổ đông chiến lược của nhà băng này.

Đến cuối năm 2014, DOJI tuyên bố lấn sân đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với việc thành lập Công ty TNHH đầu tư bất động sản DOJILand (DOJILand). Khi mới thành lập, DOJILand được dẫn dắt bởi ông Đỗ Minh Phú.

Dưới bàn tay lèo lái của ông Đỗ Minh Phú, DOJILand đã có những bước phát triển “thần tốc” khi nắm trong tay nhiều dự án bất động sản nghìn tỷ có thể kể đến như: dự án Khu đô thị Nam Vĩnh Yên với tổng số vốn đầu tư là 3.900 tỷ đồng; dự án chung cư cao cấp The Sapphire Residence (tại Bến Đoan, TP. Hạ Long, Quảng Ninh) với quy mô 4,77ha và tổng mức đầu tư 4.272 tỷ đồng; dự án nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có quy mô 220ha, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, tòa nhà DOJI Tower Hà Nội nằm ngay khu "đất vàng" Thủ đô hiện đặt trụ sở chính của tập đoàn này, tòa DOJI Tower quận 1 trung tâm TP. HCM...

Theo giới thiệu tại website dojiland.vn, hiện doanh nghiệp đang đầu tư vào bất động sản với 4 lĩnh vực: bất động sản nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản văn phòng và khu đô thị.

Với bất động sản nhà ở, doanh nghiệp này đang quảng bá các dự án, gồm: Diamond Crown Hai Phong với diện tích xây dựng trên khu đất 1.3ha, dự án The Sapphire Mansions tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Ngoài ra, còn có The Sapphire Residence - khu đô thị hạng A tại Quảng Ninh.

Về bất động sản nghỉ dưỡng, DOJILand đang giới thiệu dự án Best Western Premier Sapphire Ha Long tại Quảng Ninh…

Vị thế Coteccons trong ngành xây dựng

Về phía đối thủ cạnh tranh với DOJI tại dự án trên là Coteccons (HoSE: CTD), đây là doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam, đồng thời nổi tiếng là doanh nghiệp xây dựng nhiều tiền nhất Việt Nam.

Kể từ khi ông Nguyễn Bá Dương rời đi, Coteccons đã trải qua 2 năm “trầm luân” (2020 – 2021) với doanh số sụt giảm rất mạnh. Song từ năm 2022, công ty đã lấy lại được đà tăng trưởng khi trúng thầu hàng loạt dự án lớn, nâng tổng số dự án thi công vào năm 2022 lên tới con số 65, backlog thời điểm đỉnh cao lên tới 41.000 tỷ đồng.

Thành tựu đấu thầu vẫn phát huy trong năm 2023 đầy khó khăn của thị trường, dẫn tới backlog cho năm 2024 – 2025 của Coteccons ở thời điểm hiện tại đạt trên 20.000 tỷ đồng – theo Tổng giám đốc Võ Hoàng Lâm. Đây là nền tảng vững chắc cho việc tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm tài chính 2024.

Nhìn sâu hơn vào cấu trúc doanh thu hoạt động xây dựng của Coteccons, có thể nhận ra bên cạnh mảng chủ lực là xây dựng dân dụng – thương mại, công ty đang đẩy mạnh sự phát triển của mảng xây dựng công nghiệp, từ tỷ trọng 14% năm 2022 lên tới 33% trong năm tài chính 2023. Đây là mảng miếng có biên lợi nhuận khá tốt, nhất là với doanh nghiệp có lợi thế quy mô như Coteccons khi có thể đẩy dự án về đích sớm hơn nhiều so với tiến độ dự kiến.

Trong xây dựng công nghiệp, Coteccons cũng đang cho thấy “cái duyên” với các dự án của doanh nghiệp nước ngoài – miếng bánh ngon nhất thị trường xây dựng hiện nay, vì giá tốt và thanh toán đúng hẹn. Thành tựu đáng kể là Coteccons đã chiến thắng trước Newtecons để giành được dự án “tỷ đô” Lego tại Bình Dương hay mới đây là cái bắt tay với Foxconn tại Bắc Giang. Dù giá trị hợp đồng với Foxconn chưa lớn nhưng bằng cái bắt tay này, Coteccons đã phá vỡ được thế “độc quyền” của Ricons đối với một trong những nhà sản xuất quan trọng nhất khu vực Đông Á.

Coteccons sau cú trượt gói thầu 5.10 sân bay Long Thành đã xây dựng được đội ngũ và kinh nghiệm cho việc đấu thầu các dự án công. Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons nói với cổ đông rằng Long Thành chỉ là một trong nhiều dự án lớn mà Việt Nam sẽ thực hiện trong thời gian tới, vì vậy dư địa đấu thầu dự án công vẫn là rất lớn và Coteccons tự tin tìm kiếm được dự án trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục
Tin khác