Sửa Luật Doanh nghiệp: InCham đề nghị xóa yêu cầu lập ban kiểm soát trong công ty TNHH MTV

Lê Nguyễn - 10/01/2020 10:20 (GMT+7)

(VNF) – Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (InCham) cho rằng Công ty TNHH MTV do tổ chức làm chủ sở hữu chỉ cần thuê một kiểm soát viên độc lập là đủ, không cần lập ban kiểm soát.

VNF
InCham đề nghị xóa yêu cầu lập ban kiểm soát trong công ty TNHH MTV do tổ chức làm chủ sở hữu

Tham luận của InCham tại “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019” (VBF) đã đưa ra nhiều kiến nghị đối với các dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), InCham cho biết Luật Doanh Nghiệp 2014 quy định các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong cả Luật Doanh Nghiệp 2014 và dự thảo Luật Doanh Nghiệp sửa đổi, thời hạn góp vốn 90 ngày chỉ áp dụng cho lần đầu tiên vốn được góp vào công ty, còn các trường hợp góp vốn khác thì không có quy định, chẳng hạn như trường hợp nhà đầu tư sau đó tăng vốn đều lệ chẳng hạn.

InCham cho hay lợi dụng sự mơ hồ trong luật pháp, nhiều công ty đã tăng vốn vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng không đóng góp/thanh toán kịp thời, dẫn đến thống kê sai với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vốn điều lệ đã đăng ký.

Việc này cũng tăng gánh nặng cho chính quyền đảm bảo góp vốn kịp thời như đã nêu trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty, hoặc trong trường hợp thành viên/cổ đông không có khả năng góp/trả vốn điều lệ tăng, các cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết việc giảm vốn điều lệ mặc định trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Ngoài nội dung này, InCham cũng đề nghị xóa bỏ yêu cầu thành lập ban kiểm soát trong công ty TNHH MTV do tổ chức làm chủ sở hữu (Điều 78).

Cụ thể, Luật Doanh Nghiệp 2014 yêu cầu đưa ban kiểm soát vào công TNHH MTV do tổ chức làm chủ sở hữu để giám sát hoạt động của doanh nghiệp đó.

Tuy nhiên, InCham cho rằng trong thực tế, yêu cầu này là một gánh nặng đối với doanh nghiệp vì ban kiểm soát trong nhiều trường hợp không hiệu quả và doanh nghiệp có thể thuê một kiểm soát viên độc lập để có chế độ giám sát hiệu quả hơn.

Đối với dự luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), InCham cho biết dự luật quy định vốn đầu tư tối thiểu của dự án PPP được đánh dấu ở mức 200 tỷ đồng (tương đương 8,7 triệu USD), trừ trường hợp thỏa thuận quản lý và điều hành.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các yêu cầu về tổng vốn đầu tư tối thiểu cho các dự án PPP là cần thiết để lựa chọn các dự án xứng đáng để đầu tư, do các hợp đồng PPP thường là các hợp đồng dài hạn đòi hỏi nhiều cam kết của chính phủ. Do đó, điều kiện này sẽ ngăn chặn các gói đầu tư mỏng dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp.

InCham cho hay nhiều dự án quy mô nhỏ về y tế, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường và giáo dục với tổng vốn đầu tư dưới 200 tỷ đồng (khoảng 8,7 triệu USD) - nhưng vẫn thuộc các ngành được khuyến khích vì giá trị gia tăng của họ đối với xã hội - cũng nên có một cơ sở pháp lý để được coi là một dự án PPP.

“Chính phủ có thể xem xét ban hành một nghị định hướng dẫn với các quy định tương tự nhưng đơn giản hơn luật PPP đối với các dự án quy mô nhỏ như vậy”, InCham nêu quan điểm.

Ngoài nội dung trên, InCham cho biết các dự án PPP sẽ được phân loại theo các chỉ số cụ thể, tương tự như việc phân loại các dự án được quy định theo Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công. Cụ thể, một số dự án sẽ phải được sự chấp thuận của Quốc hội; trong khi đối với một số dự án, các chính sách sẽ được Thủ tướng phê duyệt và một số dự án sẽ được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền quy định trong dự thảo luật PPP.  

Tuy nhiên, InCham nhận định việc cơ quan nào có thẩm quyền quyết định chính sách đầu tư còn nhiều mập mờ.

Đặc biệt, các cơ quan có thẩm quyền bao gồm các Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố có thẩm quyền phê duyệt các dự án không được phê duyệt ở cấp Quốc hội hoặc Thủ tướng. Thế nhưng dự thảo luật lại không quy định rõ ràng về việc ủy quyền cho bên nào phê duyệt dự án đầu tư trong lĩnh vực PPP giữa các cơ quan khác nhau.

“Sự mơ hồ như vậy trong dự thảo Luật PPP sẽ dẫn đến các vấn đề phức tạp về phía phê duyệt dự án. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và làm phát sinh nhiều vấn đề, bao gồm việc không chắc chắn về khung thời gian cần thiết để dự án được phê duyệt đầu tư. Như vậy, chúng tôi muốn đề xuất rằng dự thảo cần phải rõ ràng về sự quy định thẩm quyền giữa các cơ quan khác nhau ở các cấp khác nhau để giảm thiểu sự không chắc chắn về các khía cạnh chính sách”, InCham kiến nghị.

Cùng chuyên mục
Tin khác