Sức mua toàn thị trường đã bị giảm theo thu nhập các hộ gia đình
Bích Thảo -
21/07/2020 16:48 (GMT+7)
(VNF) - Số liệu từ các ngân hàng cho thấy dù lãi suất cho vay đang giảm nhưng nhu cầu hấp thụ vốn từ các doanh nghiệp đang rất thấp. Nguyên nhân chính là do sức mua từ phía người dân đang xuống thấp. 90% người Việt được hỏi cho biết thu nhập của họ bị ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch Covid-19.
Khảo sát do Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos (Pháp) công bố gần đây cho thấy tác động dịch COVID-19 đang ảnh hưởng mạnh nhất lên các hộ gia đình có thu nhập thấp của Việt Nam. Con số này là kết quả từ khảo sát trực tuyến được thực hiện cùng lúc tại 6 quốc gia Đông Nam Á.
Mẫu khảo sát ở Việt Nam được chọn ngẫu nhiên từ 500 người, chia làm ba nhóm có thu nhập thấp dưới 7,5 triệu đồng một tháng, thu nhập trung bình trên 7,5 triệu đồng đến 23,5 triệu đồng và thu nhập cao là trên mức này.
Gần phân nửa trong số đó bị giảm trên 20% thu nhập, chủ yếu tập trung ở nhóm người lao động phổ thông. Có đến 41% người tiêu dùng bị giảm hơn 20% thu nhập. Có 17% trong số những hộ gia đình trong nhóm thu nhập thấp bị cắt giảm đến hơn 50% thu nhập bởi COVID-19. Chỉ có 10% số người tham gia khảo sát nói gia đình họ không bị ảnh hưởng về mặt tài chính.
30% người tiêu dùng chưa nghĩ thu nhập sẽ được cải thiện, có thể chưa quay trở lại với các thói quen chi tiêu như trước COVID-19. Ứớc tính 23% người Việt vẫn chưa có dự định tham gia trở lại các hoạt động tại nơi công cộng, nơi đông người. Du lịch nước ngoài sẽ là ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi có đến 68% người Việt sẽ không du lịch ra nước ngoài trong năm nay.
Theo khảo sát mới nhất của Cơ quan nghiên cứu Conference Board, niềm tin của người tiêu dùng toàn cầu đã ghi nhận mức giảm kỷ lục trong thời gian từ tháng 4-6/2020. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng của Conference Board đã giảm từ mức lạc quan 106 điểm hồi đầu năm nay xuống mức bi quan là 92 điểm.
Cuộc khảo sát trực tuyến 33.000 người tiêu dùng ở 68 quốc gia này cũng đã chỉ ra rằng niềm tin ở các thị trường chủ chốt, trong đó có Mỹ và phần lớn châu Âu, được dự báo sẽ vẫn chịu "sức ép trong một thời gian dài" vì số ca mắc COVID-19 gia tăng, triển vọng việc làm và thu nhập không ổn định và sự thiếu tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của chính phủ. Khá đông người tiêu dùng được hỏi cho hay họ có kế hoạch cắt giảm các bữa ăn bên ngoài và kỳ nghỉ. Hơn 20% có kế hoạch giảm chi tiêu vào quần áo và các hoạt động giải trí ngoài trời trong thời gian dài.
Báo cáo từ Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) cho thấy chưa có thời điểm nào tỷ lệ thất nghiệp cao như hiện nay do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp khoảng 2,56% (trong khi cuối năm 2019 là 1,98%). Quy mô lao động giảm gần 2 triệu người, từ 54,2 xuống còn trên 52 triệu người.
6 tháng qua, gần 31 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 và có thể nhiều hơn vào cuối năm, trong đó số người bị giảm thu nhập chiếm tới trên 57%. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm còn 5,2 triệu đồng (giảm 525.000 đồng so với quý I và gần 300.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019).
Cái vòng lẩn quẩn thu nhập hộ gia đình giảm - sức mua giảm - doanh nghiệp làm ra không bán được hàng - doanh nghiệp phải giảm hoặc ngừng sản xuất…. đang rất cần các biện pháp kích cầu tạo sự thay đổi và tăng trưởng mạnh mẽ cho toàn nền kinh tế.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone