SVB sụp đổ và mối lo quản trị rủi ro ngân hàng Việt
Minh Dũng -
25/03/2023 09:52 (GMT+7)
(VNF) - Silicon Valley Bank - SVB (Mỹ) sụp đổ là bài học với ngân hàng Việt về quản trị rủi ro. Vụ SVB sẽ không tác động trực tiếp đến các ngân hàng Việt Nam nhưng đây là cảnh báo để các ngân hàng tập trung quản trị và gia tăng khả năng phòng chống rủi ro.
Nguyên nhân phổ biến
SVB phá sản là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008 ở Mỹ. Nguồn cơn của vụ sụp đổ chóng vánh trong 48h này là do SVB huy động một lượng lớn vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn nhưng khả năng quản trị và phòng ngừa rủi ro yếu kém. Ngân hàng này chịu sức ép lớn do nguồn vốn dần cạn. Và khi khách hàng ồ ạt rút tiền đã khiến SVB sụp đổ.
Vụ SVB là cảnh báo tới các ngân hàng trên toàn cầu đang sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho hoạt động đầu tư/cho vay dài hạn mà thiếu kiểm soát một cách an toàn. Điều này khiến nhiều ngân hàng luôn đặt mình vào rủi ro và khi bất ngờ rơi vào tình trạng “bank run” (khách hàng rút tiền ồ ạt), không đáp ứng đủ thanh khoản sẽ dễ dàng sụp đổ phá sản.
Nhà quản lý quỹ đầu cơ Bill Ackman đã viết trên Twitter: “Rủi ro sụp đổ và mất tiền gửi ở thời điểm này sẽ khiến các ngân hàng có mức an toàn vốn thấp đối mặt với nguy cơ bị rút tiền ồ ạt. Hiệu ứng domino xảy ra khiến thảm hoạ lan rộng”.
Thực tế, sau vụ phá sản của SVB, đã có ít nhất gần 10 ngân hàng tại Mỹ đối mặt với tình trạng rút tiền của các nhà đầu tư. Rủi ro sụp đổ dây chuyền từ vụ SVB đối với hệ thống ngân hàng Mỹ đã được loại bỏ nhưng các tổ chức tài chính sẽ phải đánh giá lại rủi ro và cân bằng dòng tiền trong hoạt động. Vụ sụp đổ SVB cũng không gây tác động trực tiếp đến các ngân hàng Việt nhưng đây là bài học lớn khi hoạt động nhiều ngân hàng có những điểm rủi ro tương đồng.
Có 1 thực tế tồn tại nhiều năm và NHNN đang dần siết chặt quản lý là các ngân hàng Việt Nam huy động vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn khá phổ biến. Gần đây nổi lên vấn đề đầu tư trái phiếu. Trong cuộc đua lãi suất huy động vừa qua, những ngân hàng đứng đầu đầu bảng về lãi suất tiết kiệm đều là những ngân hàng có vấn đề về thanh khoản và buộc phải nâng lãi suất để cạnh tranh huy động vốn.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, từ vụ sụp đổ của SVB, các ngân hàng Việt Nam cần quan tâm đến cả hai vế trong hoạt động: Quản lý các loại rủi ro chính và phát triển bền vững. Thị trường tài chính vốn rất nhạy cảm, hiệu ứng tâm lý đám đông mạnh. Vì thế, minh bạch, kỷ luật thị trường cùng với nâng cao hiểu biết của người dân, doanh nghiệp về dịch vụ tài chính và hiệu quả truyền thông là rất quan trọng.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, trong nền kinh tế Việt Nam, cũng có vấn đề về về thanh khoản của các TCTD, đặc biệt tại một số ngân hàng nhỏ. “Sau vụ SVB sụp đổ sẽ có thêm nhiều biến động trên thị trường tiền tệ và tài chính toàn cầu gây bất lợi cho hoạt động ngân hàng vì thế cần một cơ chế quản trị tốt hơn để phòng ngừa rủi ro”, bà Carolyn Turk cảnh báo.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng cường kiểm soát rủi ro vay ngắn hạn. Từ 1/10/2022, NHNN hạ tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn/cho vay trung và dài hạn từ mức 37% xuống còn 34%. Trong khi đó, Cơ quan Thanh tra ngành ngân hàng đã thanh tra các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh sai phạm. Với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, NHNN đã thanh tra đột xuất và có kết luận thanh tra tại 11 tổ chức tín dụng. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp để kiểm soát, hạn chế rủi ro với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.
Tăng bộ đệm phòng chống rủi ro
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là một trong những chỉ tiêu quan trọng khi đánh giá về hoạt động an toàn và quản trị rủi ro của các ngân hàng. Hiện tỷ lệ CAR của ngân hàng được tính theo Thông tư 41 năm 2016 tiếp cận chuẩn mực quốc tế Basel II, được quy định tối thiểu là 8%.
Năm 2022, một số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CAR cao hơn nhiều quy định tối thiểu chỉ ở mức 8%. Cuối năm 2022, tổng vốn tự có của các ngân hàng thương mại Nhà nước là hơn 400.000 tỷ đồng, tăng 15,23% so với đầu năm 2022; tỷ lệ CAR ở mức 9,04%. Các ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ lệ CAR đạt 12,29%. Các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có tỷ lệ CAR đạt 18,61%, tương đương so với mức bình quân trong khu vực.
Hiện đã có hơn 20 ngân hàng thương mại được công nhận đạt chuẩn Basel II về các chuẩn mực an toàn vốn quốc tế. Và đã có gần chục ngân hàng chủ động chuyển sang đáp ứng những tiêu chuẩn của Basel III.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, hệ số an toàn vốn đã cải thiện trong những năm gần đây, khi các ngân hàng đang từng bước tiến tới những tiêu chuẩn của Basel III và xây dựng một bộ đệm vốn tốt hơn cho việc tăng trưởng tín dụng trong tương lai. Tuy nhiên, bộ đệm của các ngân hàng Việt Nam vẫn còn tương đối thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Tỷ lệ CAR trung bình của ngành ngân hàng Việt Nam hiện thấp hơn khá nhiều so với ngân hàng trong khu vực (CAR bình quân của Indonesia là 22,6%; Thái Lan là 19,6%; Malaysia là 18,5%; Philippines là 17,2%; Singapore là 17,1%).
Đáng chú ý, khi các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III thì đa phần các ngân hàng Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel II.
Với thực tế biến động tại nhiều ngân hàng trong nửa cuối 2022 buộc cơ quan quản lý phải đứng ra ứng phó như vụ SCB hay phải ra tay xử lý như cho vay bất động sản và đầu tư trái phiếu… cho thấy nhiều tiềm ẩn rủi ro trong hệ thống. Trong điều kiện đó, bộ đệm phòng chống rủi ro mỏng càng khiến cho hoạt động hệ thống ngân hàng dễ bị tổn thương trước các cú sốc bất lợi.
Hiện nay, ngoài việc đảm bảo hệ số CAR, tăng vốn trở luôn là đòi hỏi hàng đầu của các ngân hàng, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về an toàn hoạt động, tăng cường hệ số CAR và đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, cũng như có thêm nguồn lực tài chính quan trọng để mở rộng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, việc tăng vốn của các ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước còn gặp nhiều khó khăn lại đang là một cản trở lớn.
Fitch Ratings cho rằng, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh trong những năm gần đây, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng vốn, đảm bảo các tỷ lệ an toàn. “Hệ thống ngân hàng cần bổ sung vốn tới 10,7 tỷ USD (2,9% GDP) để đảm bảo dự phòng rủi ro và duy trì hệ số CAR ở mức 10%”, Fitch Ratings nhận định.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.