Tái cơ cấu nền kinh tế: ‘Nóng’ chuyện tìm động lực tăng trưởng mới

Thanh Long - 02/08/2018 16:34 (GMT+7)

(VNF) – Việc tái cơ cấu nền kinh tế nếu đạt được mục tiêu đặt ra thì có thể giúp tăng trưởng đến 7,5%/năm hoặc cao hơn và duy trì tốc độ này đến năm 2025.

VNF
Tái cơ cấu nền kinh tế: ‘Nóng’ chuyện tìm động lực tăng trưởng mới.

Phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ngày 2/8, TS. Nguyễn Đình Cung, Tổ trưởng Tổ Thư ký Ban Chỉ đạo cho hay, việc tái cơ cấu nếu đạt được mục tiêu đặt ra thì có thể giúp tăng trưởng đến 7,5%/năm hoặc cao hơn và duy trì tốc độ này đến năm 2025.

“Có thể tìm kiếm thêm một số động lực kinh tế mới như 3 đầu tàu kinh tế, hay khu vực kinh tế tư nhân vì nếu mỗi đầu đầu kinh tế chỉ cần tăng thêm 1% thì sẽ kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước thêm 0,5%”, ông Cung nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì nhìn nhận, mô hình tăng trưởng hiện nay chưa thực sự đổi mới. “Chúng ta cứ đi mãi con đường cũ trong tổ chức sản xuất, quản lý thì chúng ta không thể phát triển được”, Thủ tướng khẳng định.

“Chúng ta đang tìm động lực mới trong tăng trưởng là gì của thời kỳ này và thời kỳ tiếp theo, nhất là năm 2019-2021, trong bối cảnh thế giới có xung đột, bảo hộ thương mại. Thứ hai là dư địa nào mà chúng ta cần phải làm? Người ta đang nói nông nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch là dư địa rất lớn. Còn dư địa nào lớn hơn nữa trong tăng trưởng?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng lấy ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, từ một nước thiếu ăn, nhờ tái cơ cấu và đổi mới quan hệ sản xuất nên Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo. 

Theo người đứng đầu Chính phủ, động lực mới cho tăng trưởng có thể là kinh tế tư nhân. Ngoài ra cần lưu ý đến vai trò của phát triển khoa học công nghệ, tập trung phát triển các cực tăng trưởng ở các đô thị…

“Tái cơ cấu nền kinh tế phải phát huy vai trò của nhà nước và cả thị trường”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng cho rằng, thị trường phải có sức mạnh tự thân, có thể thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế một cách tự nhiên hơn. Tái cơ cấu phải giúp doanh nghiệp thuận lợi trong gia nhập và rút khỏi thị trường, thuận lợi hơn trong mua bán, sáp nhập, giải thể, phá sản.

Còn theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Nhà nước hiện đang làm nhiệm vụ “kép” trong phát triển kinh tế. Một mặt, phải tạo mô hình tăng trưởng mới, động lực mới nhưng mặt khác phải giải quyết các tích tụ yếu kém của rất nhiều năm trước.

“Giải quyết tích tụ yếu kém của nền kinh tế thực chất là cắt giảm các năng lực đã chết lâm sàng, ví dụ như 12 dự án yếu kém, các ngân hàng yếu kém”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay.

“Nhiệm vụ nhiều nhưng dư địa thực hiện lại rất hạn hẹp khi nợ công từ đầu nhiệm kỳ là 64,8%, sát trần nợ công Quốc hội cho phép, tỷ lệ trả nợ công trên thu ngân sách là 27,3% (giới hạn là 25%), nợ xấu ngân hàng thì cao, năng lực tổ chức tín dụng yếu kém, không còn dư địa cho đầu tư phát triển. Vừa rồi, tăng trưởng của cả nước chủ yếu đến từ việc khai thác các tiềm năng sẵn có chứ không có thêm từ ngân sách, tín dụng”, Phó Thủ tướng nhận định.

Nói về FDI – khu vực đã đóng góp vào 20% GDP và 70% giá trị xuất nhập khẩu của cả nước – Phó Thủ tướng cho rằng cần làm rõ rằng trong đó có sự đóng góp của từng doanh nghiệp trong nước.

“Hãng sản xuất đồ thể thao Nike đã đạt tỷ lệ 90% nội địa hóa , Samsung là 57%, trong đó cũng có cả các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ nhưng cũng đều là giá trị quốc gia. Do vậy, ta không nên đánh giá chung chung là nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào FDI, phải làm rõ và đánh giá thỏa đáng số liệu này”, ông Huệ đánh giá.

Nói thêm về việc Việt Nam cần có chiến lược, chính sách phát triển các đô thị, Phó Thủ tướng nêu thực trạng đô thị Việt Nam chưa gắn với phát triển công nghiệp mà chỉ theo quy hoạch dân cư. Do vậy, việc áp dụng hình thức đầu tư BT (Xây dựng-Chuyển giao) hiện nay chỉ làm cho đô thị phát triển méo mó, tạo ra xung đột lớn giữa người dân và chủ đầu tư trong thu hồi đất.

Theo Phó Thủ tướng, tại các quốc gia phát triển, 70% việc làm và tăng trưởng của nền kinh tế là từ đô thị. Tại Việt Nam, một số địa phương đã bắt đầu phát triển đô thị gắn với phát triển công nghiệp hay trung tâm sáng tạo như Becamex Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh…

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.