Tái cơ cấu ngân hàng còn chậm, xử lý nợ xấu chưa thực chất

Chung Thủy - 03/07/2018 09:59 (GMT+7)

Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, tái cơ cấu phải làm cho bằng được thì ngành ngân hàng mới phát triển bền vững và là huyết mạch của nền kinh tế.

VNF
Tái cơ cấu ngân hàng còn đối mặt với nhiều thách thức

6 tháng đầu năm, hoạt động của ngành ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện ở việc duy trì lãi suất ổn định, giảm 0,5% lãi suất cho vay của các Ngân hàng thương mại nhà nước và một số NHTM cổ phần. Tỷ giá cũng giữ được ổn định trong biên độ cho phép +/-1 - 2%. Tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý 6,16%, hướng mạnh vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Điều đáng nói, nợ xấu giảm được 100,5 nghìn tỷ đồng (từ 8/2017-3/2018) theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, còn 2,18% tổng dư nợ nội bảng của hệ thống tín dụng. Tái cơ cấu hệ thống tín dụng giai đoạn II triển khai bước đầu, đã xây dựng và phê duyệt phương án tái cơ cấu cho 3/4 NHTM nhà nước và 9/10 ngân hàng liên doanh và nước ngoài… Những kết quả đó đã góp phần vào việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng khá trong 2 quý đầu năm 2018.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, mặc dù đạt được kết quả khả quan trong những tháng đầu năm, nhưng ngành ngân hàng còn tồn tại không ít khó khăn và hạn chế. Đó là, lãi suất cho vay chưa giảm nhiều, tỷ giá đang có sức ép tăng lên, lạm phát vẫn có khả năng vượt mục tiêu đề ra, tín dụng khó đạt kế hoạch cả năm, nợ xấu lớn tại nhiều ngân hàng cần được tiếp tục xử lý quyết liệt.

"Với từng ngân hàng, cần chấn chỉnh bộ máy, sắp xếp lại nhân sự kể cả người đứng đầu, nhân sự trung gian và nhân sự tác nghiệp; cải tiến phương pháp nghiệp vụ gắn với hiện đại hóa công nghệ theo hướng 4.0 để sớm đạt tới các chuẩn mực quốc tế. Tái cơ cấu thật sự là cuộc cách mạng và phải làm cho bằng được mới mong ngành ngân hàng phát triển bền vững, xứng đáng là huyết mạch của nền kinh tế", ông Lưu Bích Hồ lưu ý.

Còn theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, những kết quả đạt được của ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2018 rất đáng khích lệ, tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, việc tái cơ cấu còn chậm, biểu hiện ở kết quả của việc xử lý nợ xấu chưa thực chất.

Nghị quyết 42 của Quốc hội đã đưa ra cơ sở pháp lý để thành lập thị trường mua bán nợ, nhưng thị trường này vẫn chưa hoạt động tích cực, mặc dù đã có Công ty quản lý tài sản (VAMC) của NHNN, Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) của bộ Tài chính, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại (AMC).

TS. Hiếu cho rằng, để đạt được như kỳ vọng của Nghị Quyết 42 là có thị trường mua bán nợ mở rộng thì Ngân hàng Nhà nước phải là cơ quan chủ trì để thành lập thị trường mua bán nợ. Trong đó, các doanh nghiệp, người dân cũng có thể tham gia mua bán nợ. Thị trường này phải có người mua, người bán và sản phẩm là những món nợ xấu cần được trao đổi mua bán.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn chia sẻ: “Để tái cơ cấu hiệu quả, cả hệ thống ngân hàng phải hoạt động rất lành mạnh, minh bạch, tuân thủ nghiêm các quy định của luật pháp, từ đó cho ra đời những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chuẩn mực. Thời gian vừa qua, trong hệ thống ngân hàng xảy ra một số vụ việc khiến dư luận bức xúc như, khách hàng bị mất tiền trong tài khoản hay những vụ lừa đảo mà cán bộ, nhân viên ngân hàng có liên quan… Những điều đó chứng tỏ việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn chậm chạp”.

Để việc tái cơ cấu ngân hàng đạt hiệu quả cao và hệ thống ngân hàng phát triển bền vững, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, cần tập trung vào giải quyết nợ xấu đến mức cơ bản, trên cơ sở đánh giá chính xác tình hình nợ của từng ngân hàng. Nếu không giải quyết được nợ xấu và tình trạng yếu kém của ngân hàng, cần thực hiện đúng các chủ trương, quyết định đã có về việc cho phá sản hoặc sáp nhập. Có vậy mới sắp xếp và đổi mới được hệ thống.

Theo VOV
Cùng chuyên mục
Tin khác