Tái cơ cấu TKV: Thoái vốn tiếp tục gặp khó, vẫn chưa thể cho phá sản Sông Ninh
Lê Nguyễn -
29/05/2018 09:47 (GMT+7)
(VNF) – Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết dù đã tích cực triển khai nhưng kết quả thoái vốn tại một số Tổng công ty, công ty vẫn còn hết sức hạn chế.
Thoái vốn gặp khó
Theo báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu năm 2017 và quý I/2018 của TKV, công tác cổ phần hóa Công ty mẹ - TKV đã được được một số bước tiến. Cụ thể, Tập đoàn đã triển khai các bước để chuẩn bị cổ phần hóa như: thành lập tổ công tác chuẩn bị cổ phần hóa, tập trung xử lý những tồn tại về tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp, rà soát các hồ sơ về quản lý và sử dụng đất đai, đồng thời báo cáo Bộ Công Thương về kế hoạch triển khai cổ phần hóa Công ty mẹ - TKV.
Về cổ phần hóa các công ty con, TKV đã phê duyệt kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa trong năm 2018 đối với 2 đơn vị gồm Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải và Viện Cơ khí năng lượng mỏ, đồng thời chỉ đạo triển khai các thủ tục chuẩn bị cổ phần hóa theo tiến độ như: lập phương án sử dụng đất, kiểm kê, phân loại tài sản, lao động, xử lý tài chính…
Tập đoàn cũng đã xây dựng lộ trình để thực hiện cổ phần hóa 2 đơn vị còn lại (Công ty TNHH MTV nhôm Lâm Đồng và nhôm Đăk Nông).
Về thoái vốn, TKV tiếp tục thực hiện việc thu hồi số vốn góp còn lại tại Quỹ đầu tư IDV – Partner. Lũy kế đến 31/12/2017, tập đoàn đã thu hồi tổng cộng 44,6 tỷ đồng (tương đương 93% số vốn góp); số vốn góp còn lại là 3,3 tỷ đồng sẽ được thu hồi trong năm 2018.
Đối với việc thoái vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà, TKV cho biết việc triển khai thoái vốn đã được thực hiện trong giai đoạn 2015 – 2017 tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể hoàn thành.
Theo TKV, vừa qua tập đoàn đã chủ động kêu gọi và đã có đối tác quan tâm nhận chuyển nhượng vốn thông qua đấu giá tại Công ty Hải Hà. Tập đoàn đã tiếp xúc và ký biên bản ghi nhớ với đối tác. Hiện nay, đối tác đang tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ và sẽ có ý kiến trao đổi lại với tập đoàn.
Đối với việc thoái vốn tại Công ty Cổ phần Vận tải thủy (đã được triển khai từ 2015), TKV đã tìm được nhà đầu tư nhận chuyển nhượng và thỏa thuận giá chuyển nhượng bằng mệnh giá (cao hơn giá cổ phiếu công ty trên sàn chứng khoán). Tuy nhiên do vướng mắc quy định tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP nên tập đoàn vẫn chưa thể chuyển nhượng.
Ngoài các đơn vị trên, TKV cũng đã triển khai thủ tục thoái hết vốn tại 8 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, cơ khí không giữ vai trò hạt nhân trong dây chuyền sản xuất chính của TKV (gồm các công ty cổ phần: Đại lý hàng hải, Cơ điện Uông Bí, Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng, Xây lắp môi trường, Sản xuất thương mại than Uông Bí, Cơ khí ô tô Uông Bí, Cơ khí Hòn Gai, Đầu tư thương mại và dịch vụ).
Các thủ tục thoái vốn hiện nay đang được TKV triển khai theo đúng tiến độ, tuy nhiên tập đoàn mới chỉ thoái được 65% vốn tại Công ty Cổ phần Đại lý hàng hải.
Về việc triển khai tiếp tục bán phần vốn của TKV tại 5 doanh nghiệp (trong đó có 3 Tổng công ty có quy mô vốn từ 1.000 – 6.800 tỷ đồng) đã cổ phần hóa giai đoạn 2013 – 2015, TKV đã tổ chức roadshow, phê duyệt phương án bán tiếp phần vốn của tập đoàn tại 3 Tổng công ty.
“Hiện nay các thủ tục chuyển nhượng đang được khẩn trương thực hiện để đảm bảo tiến độ đề ra trong kế hoạch năm 2018. Tuy nhiên, kết quả thoái vốn còn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường”, TKV cho biết.
Quý I giải thể được 1 doanh nghiệp, kỳ vọng cho phá sản được Sông Ninh
Về sắp xếp, tái cơ cấu các chi nhánh trực thuộc, báo cáo của TKV cho hay ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017 – 2020, Tập đoàn đã thực hiện sáp nhập Công ty than Hồng Thái vào Công ty than Uông Bí, sáp nhập Công ty Kho vận Hòn Gai vào Công ty tuyển than Hòn Gai, hợp nhất Công ty Xây dựng mỏ hầm lò I và Công ty Xây dựng mỏ hầm lò II để hình thành Công ty Xây lắp mỏ, chuyển Ban quản lý các dự án than Đồng bằng Sông Hồng về trực thuộc Viện Khoa học công nghệ mỏ.
Trong tháng 3/2018, tập đoàn cũng đã thực hiện việc tăng vốn lên mức 65% tại Công ty Cổ phần Than Núi Béo và Đèo Nai đồng thời xúc tiến việc tăng vốn tại các công ty cổ phần: Than Cao Sơn, Cọc Sáu, Mông Dương, Hà Tu (theo kế hoạch đều phải tăng vốn lên mức 65%).
Trong quý I/2018, Tập đoàn cũng đã giải thể Công ty LD Khoáng sản Steung Treng tại Campuchia.
Tuy nhiên, thủ tục phá sản Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Ninh vẫn chưa thể hoàn thành sau 3 năm triển khai. Hiện nay, TKV đang phối hợp với Tòa án nhân dân huyện Xuân Trường, quản tài viên và Công ty Sông Ninh để hoàn thiện danh sách chủ nợ, giải quyết các vấn đề còn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ mở thủ tục phá sản. Dự kiến năm 2018, Tập đoàn sẽ tổ chức hội nghị chủ nợ để xem xét ra quyết định phá sản đối với Sông Ninh.
Về tái cơ cấu quản trị nội bộ, TKV đã hoàn thiện cơ chế giao khoán để các công ty con, đơn vị trực thuộc chủ động trong điều hành kế hoạch năm. Tập đoàn cũng tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lực lượng lao động. Theo đó, đã phối hợp cùng Công đoàn TKV ban hành chỉ thị liên tịch về tiết giảm lao động tại các đơn vị (năm 2017 TKV tiết giảm được 6.127 lao động, đến hết quý I/2018 tiết giảm thêm 1.053 lao động).
Trong báo cáo gửi lên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, TKV cũng đã nêu lên một số khó khăn trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn.
Cụ thể, về chính sách thoái vốn, TKV cho rằng việc quy định chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vốn vào công ty cổ phần, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên tại khoản 1, Điều 29, Nghị định 91 là rất khó khả thi. Dù sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 32/2018 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 91 tuy nhiên, nghị định này vẫn chưa quy định thật rõ ràng để doanh nghiệp có thể áp dụng và ra quyết định.
Đối với chính sách cổ phần hóa, dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2017 (về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần) tuy nhiên đến nay các Bộ liên quan vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn thi hành. Điều này đã làm chậm tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp theo kế hoạch phải hoàn thành năm 2018.
Đối với việc thực hiện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp, hiện nay việc này được điều chỉnh bởi Nghị định 126/2017 và Quyết định 22/2015/QĐ-TTg. Theo quy định của Nghị định 126, thẩm quyền quyết định cổ phần hóa, phê duyệt phương án cổ phần hóa các doanh nghiệp cấp II thuộc trách nhiệm của TKV. Tuy nhiên, quyết định 22 lại quy đinh thẩm quyền này thuộc về Bộ chủ quản (Bộ Công Thương). Sự chưa thống nhất này đang là một lực cản cho việc cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp của TKV.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.