'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Ca cao tăng mạnh hơn giá vàng
Ngày 27/3, hợp đồng ca cao giao hàng tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, đạt 10.080 USD/tấn, trước khi giảm về ngưỡng trên 9.000 USD/tấn. Trước đó, khoảng ngày 22/3, hợp đồng ca cao tương lai đã được giao dịch ở mức trên 9.000 USD, cũng đạt kỷ lục mới về giá.
Trong khi đó, vào thời điểm đầu năm nay, ca cao được giao dịch dưới mức 4.200 USD/tấn. Điều này đồng nghĩa với việc giá ca cao đã tăng 135% chỉ tính từ đầu năm. Còn nếu tính từ tháng 3 năm ngoái cho tới tháng 3 năm nay, giá loại hạt này đã tăng tới 250%, vượt xa mức tăng của giá vàng trong cùng kỳ, dù vàng đã được coi là loại tài sản có mức tăng "nóng" từ năm ngoái tới nay.
Theo báo cáo của Reuters, giá ca cao đang ở mức cao nhất trong 50 năm.
Nguyên nhân vì đâu?
Nguyên nhân của sự tăng giá mạnh mẽ này là do sự gián đoạn cả về cung và cầu.
Theo Tổ chức Ca cao Quốc tế, châu Phi chiếm gần 75% sản lượng ca cao toàn cầu, trong khi châu Mỹ - bao gồm Brazil và Ecuador - chiếm 20% . Châu Á-Thái Bình Dương sản xuất 5% còn lại, trong đó Indonesia và Papua New Guinea là những nhà sản xuất lớn nhất trong khu vực.
Cote d’Ivoire của Tây Phi - hay Bờ Biển Ngà - là nước sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 44% sản lượng toàn cầu, trong khi nước láng giềng Ghana chiếm khoảng 14%.
Theo đó, điều kiện thời tiết khô hạn nghiêm trọng do El Niño gây ra, cháy rừng và sự bùng phát của virus gây sưng chồi ca cao đã làm giảm nguồn cung ca cao.
Hơn nữa, theo Reuters, mùa mưa ở Bờ Biển Ngà thường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10, nhưng khu vực này hiện đang phải đối mặt với nhiệt độ nóng hơn bình thường, điều này có thể kéo dài tình trạng thiếu mưa. Việc thiếu mưa có thể dẫn đến kích thước và chất lượng hạt kém, hạn chế hơn nữa nguồn cung ca cao trong tương lai.
Trong khi đó, nhu cầu về ca cao tại các quốc gia như Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) vẫn mạnh mẽ, đẩy giá loại nguyên liệu này lên cao.
Ca cao được sử dụng rộng rãi trong một số sản phẩm socola và bánh kẹo, với các sản phẩm phụ như hạt ca cao, bơ ca cao, vỏ và bột ca cao cũng được sử dụng làm nước giải khát, rượu, giấm, mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung sức khỏe, nước hoa,...
Tuy nhiên, do socola cho đến nay là sản phẩm ca cao phổ biến nhất nên giá ca cao tăng cao đã dẫn đến nhiều lo ngại về giá socola cao hơn cũng như tình trạng thiếu socola.
Việc rất nhiều ngày lễ với các vật phẩm đặc trưng từ socola, như ngày lễ Tình nhân (Valentine) hay Lễ Phục sinh (Easter Day) vừa diễn ra đã góp phần tạo thêm gánh nặng về giá, và khiến người dân phương Tây phải mua socola với giá đắt nhất trong nhiều năm.
Ví dụ, mỗi dịp lễ Phục sinh, người tiêu dùng ở Anh cùng nhau chi hơn 1 tỷ bảng Anh cho thực phẩm, đồ uống, quà tặng, giải trí và khoảng 80 triệu quả trứng socola, tính ra hóa đơn trung bình vượt quá 50 bảng/quả. Nhưng người mua sắm năm nay đang trả nhiều tiền hơn bình thường: kể từ Lễ Phục sinh năm ngoái, giá socola đã tăng hơn 12,6%, cao hơn gấp đôi mức tăng giá thực phẩm và đồ uống ở siêu thị.
Theo ông Jeff Kilburg, Giám đốc điều hành và Người sáng lập của KKM Financial, trong khi các vấn đề về nguồn cung ở Tây Phi khiến giá ca cao tăng cao ban đầu thì động lực hiện là nhân tố chính khiến giá ca cao tăng. Ông Kilburg cũng cảnh báo việc tăng giá sẽ chưa kết thúc mà rất có thể giá ca cao sẽ tăng thêm khoảng 50% nữa.
Tiến sĩ Andrew Damyond của Trường Nông nghiệp, Chính sách và Phát triển tại Đại học New York cho biết: “Việc thiếu hụt có tiếp tục diễn ra trong những tháng hoặc năm tới hay không là điều rất khó dự đoán. Tuy nhiên, với các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn, sản lượng ca cao có thể sẽ biến động lớn hơn qua các năm”.
Nhà sản xuất phải tăng giá hoặc tìm phương án thay thế
Giá tăng chủ yếu ảnh hưởng đến các nhà sản xuất mua ca cao hàng hóa, được sử dụng trong hầu hết các sản phẩm socola sản xuất hàng loạt. Nhưng giờ đây, "sóng nhiệt" đã được cảm nhận ở cả những nhà làm socola thủ công nhỏ lẻ ở Anh.
Một số nhà máy ca cao ở Ghana và Bờ Biển Ngà được cho là đã giảm hoặc ngừng các hoạt động chế biến ca cao do hạt trở nên quá đắt để thu mua. Hơn nữa, cơ quan quản lý ca cao Bờ Biển Ngà cũng tiết lộ rằng họ dự kiến vụ giữa năm, bắt đầu từ tháng 4, sản lượng sẽ giảm khoảng 33% xuống còn khoảng 400.000 tấn. Nếu vậy, đây sẽ là một bước tiến khá thấp so với con số 600.000 tấn của năm ngoái.
Tương tự, Ghana cũng công bố dự báo sản lượng ca cao của nước này hiện dự kiến sẽ đạt khoảng 650.000 tấn trong năm nay, giảm so với mức dự báo trước đó là 850.000 tấn.
Nhà sản xuất socola Mỹ Hershey's đã cảnh báo rằng giá ca cao cao kỷ lục có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng thu nhập trong năm nay. Để giảm áp lực chi phí, Hershey mới đây tuyên bố sẽ tung ra các sản phẩm mới như socola nhân caramel và socola hương chanh, nhằm tránh tăng giá sản phẩm bằng cách bổ sung thêm nhiều nguyên liệu thô có hương vị và giảm tỷ lệ ca cao.
Mondolez, chủ sở hữu của các thương hiệu bánh kẹo socola Cadbury, Oreo và Toblerone, cũng đã tăng giá socola lên tới 15% vào năm 2023 và cho biết rằng họ có thể sẽ tiếp tục làm như vậy để đạt được dự báo doanh thu trong năm nay.
Giải pháp bền vững cho người nông dân Amarachi Clarke, người sáng lập thương hiệu socola Lucocoa có trụ sở tại London, cho biết: “Đây là một cơn ác mộng đang chực chờ xảy ra. Khi chúng ta nói về socola, bạn có thường xuyên nghe thấy những từ 'biến đổi khí hậu', 'thu nhập đủ sống' hay 'thiếu đầu tư' không? Đây là những vấn đề liên quan vì phần lớn socola của chúng tôi đến từ một số ít các công ty chế biến ca cao lớn đã không trả được thu nhập đủ sống cho nông dân, mặc dù nhu cầu tăng lên". Bà Clarke nói thêm: “Nếu bạn không trả lương xứng đáng cho nông dân, họ không đủ khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách đầu tư vào đất đai, trồng cây mới hoặc chăm sóc cây trồng của họ, đồng thời cũng gây ra tình trạng sử dụng lao động nô lệ và trẻ em". Một số thương hiệu lớn hơn cũng đồng tình với quan điểm này. Theo đó, ông Douglas Lamont, Giám đốc điều hành của Tony's Chocolonely có trụ sở tại Hà Lan, được thành lập năm 2005 với sứ mệnh loại bỏ tình trạng bóc lột trong chuỗi cung ứng socola, chia sẻ rằng công ty hỗ trợ chi phí cao hơn nếu điều đó đồng nghĩa với việc nông dân có nhiều tiền hơn. Tiến sĩ Michael Odijie, người đang nghiên cứu các điều kiện trồng ca cao ở Tây Phi tại Đại học College London, cho biết trọng tâm lâu dài từ việc giữ giá ca cao tiêu dùng ở mức thấp đã ảnh hưởng tới việc sản xuất hiện tại. “Tôi cho rằng sản phẩm socola quá rẻ, khiến nông dân trồng ca cao không đủ thu nhập để trồng ca cao bền vững. Nhiều vấn đề trong trồng ca cao bắt nguồn từ việc này, bao gồm lao động trẻ em, buôn bán trẻ em cũng như các phương pháp canh tác không bền vững. Nông dân không kiếm được mức lương đủ sống, tất cả là do các nhà sản xuất socola mong muốn giữ socola ở mức giá rẻ cho người tiêu dùng", ông Odijie nói. |
Xem thêm >> Thị trường quà tặng lễ Valentine: Socola đắt khách, hoa ế hàng
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.