Trung Quốc: Sản xuất lần đầu tăng trưởng sau 5 tháng, chứng khoán khởi sắc

Quang Đăng - 01/04/2024 10:18 (GMT+7)

(VNF) - Hoạt động sản xuất chế tạo của Trung Quốc trong tháng 3 ghi nhận lần tăng trưởng đầu tiên sau 5 tháng giảm liên tục cho thấy dấu hiệu tăng trưởng ổn định trở lại ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sản xuất tăng trưởng trở lại

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Markit/Caixin, một thước đo riêng về hoạt động sản xuất của Trung Quốc, cho thấy lĩnh vực sản xuất của nước này đã tăng từ mức 50,9 vào tháng 2 lên 51,1 vào tháng 3. 

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục.

Trước đó, theo số liệu do Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc công bố ngày 31/3, PMI khu vực sản xuất tăng từ mức 49,1 trong tháng 2 lên 50,8 điểm trong tháng 3 vừa qua, ghi nhận mức cao nhất trong 1 năm và cũng mạnh hơn dự báo trung bình 49,9 trong cuộc thăm dò của Reuters trước đó. 

Chỉ số PMI trên 50 cho thấy có sự cải thiện so với tháng trước, trong khi dưới 50 phản ánh sụt giảm trong hoạt động.

PMI tháng 3 chỉ ra lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc tăng lên mức tích cực, phá vỡ tình trạng sụt giảm kéo dài hơn 11 tháng.

Chứng khoán Trung Quốc khởi sắc

Chỉ số PMI của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong một năm bổ sung những dấu hiệu gần đây cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang lấy lại động lực.

Ngay sau khi có thông tin tích cực trên, CSI 300 - chỉ số chứng khoán đo lường vốn hóa thị trường của 300 cổ phiếu loại A tại Trung Quốc, đã khởi đầu quý thứ hai một cách tích cực khi tăng tới 0,9%, dẫn đầu mức tăng trong số các chỉ số chuẩn chính ở châu Á.

Các chỉ số lạc quan gần đây cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần lấy lại động lực.

Chỉ số CSI 300 đạt mức tăng quý đầu tiên trong một năm sau khi các cơ quan chức năng triển khai một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng và khôi phục niềm tin.

Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh công bố một loạt biện pháp mục tiêu, phát hành trái phiếu chính phủ nhằm tăng chi ngân sách cho cơ sở hạ tầng và phục hồi hoạt động kinh tế. Chỉ số tiêu dùng trong tháng 2 đã tăng trở lại, lần đầu tiên kể từ tháng 8/2023.

Một tín hiệu khả quan nữa cũng xuất hiện, khi xuất khẩu của nước này trong 2 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng trưởng vượt dự báo.

Ông Vishnu Varathan, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) tại Ngân hàng Mizuho ở Singapore, cho biết: “Sự lạc quan ngày càng tăng về Trung Quốc là có thật. Nó có thể đạt được lực kéo nhờ sự lạc quan tương ứng ở những nơi khác ở châu Á phù hợp với sự đi lên trong sản xuất toàn cầu”.

Tuy nhiên, sự sụt giảm liên tục trong lĩnh vực bất động sản có thể hạn chế đà tăng của thị trường, sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy doanh số bán nhà ở Trung Quốc sụt giảm kéo dài trong tháng 3.

Báo cáo thu nhập doanh nghiệp mới nhất cũng khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn. Sự hoài nghi về phạm vi và độ sâu của quá trình phục hồi thu nhập lại nổi lên sau kết quả đáng thất vọng từ các công ty đầu ngành bao gồm BYD và Wuxi Biologics Cayman.

Xem thêm >> Trung Quốc: Xuất khẩu tăng vượt dự báo và phản ứng toàn cầu

Theo CNBC, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.