Trung Quốc: Xuất khẩu tăng vượt dự báo và phản ứng toàn cầu

Lê Anh - 29/03/2024 22:51 (GMT+7)

(VNF) - Việc tăng cường xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài đang giúp ích cho nền kinh tế Trung Quốc và tạo thêm việc làm. Tuy nhiên, nhiều quốc gia lớn lo ngại rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ khiến họ phải trả giá một phần và đang bắt đầu hành động.

VNF
1

Trung Quốc bùng nổ xuất khẩu

Từ thép, ô tô đến đồ điện tử tiêu dùng và tấm pin mặt trời, các nhà máy Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tính bằng USD tăng 7% trong giai đoạn từ tháng 1-2/2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng giá nhiều sản phẩm hiện đang giảm do dư thừa sản lượng ở Trung Quốc, điều này có nghĩa số lượng xuất khẩu thực tế và thị phần toàn cầu của các sản phẩm này đang tăng nhanh đáng kể.

Theo quan chức Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) Lyu Daliang, trong 2 tháng đầu năm, thương mại hàng hóa của nước này tiếp tục đà tăng của quý IV năm ngoái, ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ tháng thứ 5 liên tiếp. Đặc biệt, số liệu giai đoạn mới đã đạt đến mức cao lịch sử.

Sự bùng nổ xuất khẩu của Trung Quốc có thể thấy rõ qua thặng dư thương mại đối với hàng hóa sản xuất, ghi nhận mức cao nhất kể từ Thế chiến II. Theo các chuyên gia, những khoản thặng dư đó tương ứng với thâm hụt ở các quốc gia khác, thậm chí có thể là lực cản cho sự tăng trưởng của họ.

Thặng dư ngày càng mở rộng không chỉ là do xuất khẩu tăng. Trung Quốc đã giảm hoặc ngừng mua nhiều hàng hóa sản xuất từ phương Tây như một phần của chiến lược phát triển kinh tế và an ninh quốc gia trong hai thập kỷ qua.

Theo tính toán của Brad Setser và Michael Weilandt, các nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, thặng dư thương mại hiện nay của Trung Quốc bằng mức thặng dư lớn nhất mà Nhật Bản đạt được trong những năm 1980 hoặc Đức tại thời điểm ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 12 năm ngoái, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng cảnh báo rằng Trung Quốc đang bù đắp cho cuộc khủng hoảng bất động sản bằng cách xây dựng nhiều nhà máy hơn mức cần thiết.

Còn theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc, Trung Quốc hiện sản xuất 1/3 tổng lượng hàng hoá trên thế giới, nhiều hơn cả Mỹ, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại.

Nước lớn hành động

Hồi đầu tháng 3, Liên minh châu Âu (EU) thông báo rằng họ đang chuẩn bị thu thuế nhập khẩu đối với tất cả ô tô điện đến từ Trung Quốc. EU cho biết họ đã tìm thấy “bằng chứng đáng kể” cho thấy các cơ quan chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp bất hợp pháp cho những mặt hàng xuất khẩu này, điều mà Trung Quốc tới nay vẫn luôn phủ nhận. Mức thuế sẽ không được ấn định cho đến mùa hè nhưng sẽ áp dụng cho bất kỳ ô tô điện nào được khối nhập khẩu từ ngày 7/3 trở đi.

EU cũng đang cân nhắc các hạn chế nhập khẩu đối với tuabin gió và tấm pin mặt trời từ Trung Quốc. Tháng 9 năm ngoái, Ấn Độ cũng tuyên bố rằng sẽ áp dụng mức thuế cao hơn đối với thép từ Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ thì phàn nàn rằng Trung Quốc đang xuất khẩu một cách không cân đối trong khi mua rất ít.

Ngoài thuế quan sắp áp dụng đối với các sản phẩm năng lượng sạch nhập khẩu, châu Âu sẽ sớm áp dụng thuế đối với hàng nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới dựa trên lượng carbon dioxide thải ra trong quá trình sản xuất làm biến đổi khí hậu.

Thuế mới được gọi là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, hay CBAM. Nó được mệnh danh là “quả bom C” ở châu Âu vì nó sẽ giáng mạnh vào hàng nhập khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp từ Trung Quốc.

Số liệu của Statista vào tháng 4/2023 cho thấy khoảng 63% điện năng Trung Quốc đến từ nhiệt điện đốt than gây ô nhiễm, điều đó có nghĩa là nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước này sang châu Âu có thể bị ảnh hưởng bởi mức thuế mới.

Về phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn giữ nguyên mức thuế của cựu Tổng thống Donald Trump và áp đặt thêm một danh sách hạn chế đối với hàng xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ.

Bà Katherine Tai, đại diện thương mại Mỹ, đã cảnh báo tại một sự kiện của Viện Brookings rằng Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada, thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, sẽ được xem xét vào mùa hè năm 2026.

Bà ám chỉ rằng Mỹ có thể sẽ thắt chặt các quy định về nguồn gốc linh kiện, đặc biệt là ô tô. Theo bà Tai, Trung Quốc là một nhân tố thực sự quan trọng “gây căng thẳng và lo ngại” trong quan hệ thương mại Bắc Mỹ.

Châu Âu và Mỹ cũng phải đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc trước các mối quan hệ kinh tế lâu đời của họ với các nước đang phát triển, vốn ngày càng có xu thế lựa chọn hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Trên khắp châu Mỹ-Latin và châu Phi, các quốc gia hiện mua hàng từ Trung Quốc nhiều hơn các nước lân cận.

Mục tiêu tham vọng

Trong báo cáo công tác chính phủ Trung Quốc tại đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc mới đây, Thủ tướng Lý Cường cho hay mục đầu tiên trong nhiệm vụ công tác của chính phủ năm 2024 là đẩy mạnh xây dựng hệ thống sản xuất công nghiệp hiện đại hóa, đẩy nhanh phát triển “lực lượng sản xuất chất lượng mới”.

Thuật ngữ “lực lượng sản xuất mới” được giới chức Trung Quốc thường xuyên sử dụng trong thời gian gần đây như là giải pháp để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững, ám chỉ đến các ngành công nghiệp mới hình thành dựa trên những đổi mới và đột phá về khoa học và công nghệ.

Nền kinh tế Trung Quốc đang nỗ lực phục hồi sau cuộc khủng hoảng bất động sản, sự giảm sút niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư cũng như thu nhập từ xuất khẩu giảm trong năm ngoái nhưng chính phủ đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội 5% trong năm nay.

Các quan chức nước ngoài và các nhà kinh tế thường trích dẫn ba khía cạnh trong chính sách công nghiệp của Trung Quốc giúp hỗ trợ xuất khẩu. Cụ thể, ngân hàng nhà nước cho vay xây dựng nhà máy với lãi suất thấp, các thành phố chuyển nhượng đất công để xây dựng nhà máy với chi phí thấp hoặc miễn phí và lưới điện nhà nước giữ giá thấp.

Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, khoản cho vay mới dành cho ngành công nghiệp đã tăng từ mức 83 tỷ USD vào năm 2019 lên 670 tỷ USD vào năm ngoái. Ngược lại, cho vay ròng đối với bất động sản là 800 tỷ USD vào năm 2019 đã giảm còn 75 tỷ USD vào năm ngoái.

Ông Zheng Shanjie, nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, đã tái khẳng định chính sách công nghiệp của Trung Quốc vào tuần trước, nói rằng “đất đai và năng lượng sẽ được chuyển cho các dự án tốt”.

Theo các chuyên gia của Bloomberg, Trung Quốc đã thành công ở một số phương diện nhất định trong mục tiêu đẩy nhanh phát triển “lực lượng sản xuất chất lượng mới”, như ô tô điện, pin mặt trời, mạng truyền thông lượng và đang đuổi sát đối thủ trong ngành chip.

Tuy nhiên, họ cho rằng “lực lượng sản xuất chất lượng mới” khó có thể nhanh chóng thay thế “lực lượng sản xuất cũ”, đặc biệt những ngành từng là động lực tăng trưởng chính như bất động sản, dịch vụ… trong khi tốc độ tăng trưởng các ngành công nghệ mới chưa đủ “cất cánh”.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Bán công ty làm dự án Vlasta Sầm Sơn, Văn Phú Invest báo lãi 70 tỷ trong quý I/2024

Bán công ty làm dự án Vlasta Sầm Sơn, Văn Phú Invest báo lãi 70 tỷ trong quý I/2024

(VNF) – Kết quả kinh doanh bất động sản quý I/2024 của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (HoSE: VPI) khá ảm đạm. Phải nhờ tới việc bán công ty con, VPI mới có lãi sau thuế 70 tỷ đồng.

Hải Phát Invest: Sau cơn mưa, trời có sáng?

Hải Phát Invest: Sau cơn mưa, trời có sáng?

(VNF) - Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HoSE: HPX) đã trải qua một năm 2023 đầy chật vật. Song, với những gì đang có ở quý I/2024, hi vọng đã được nhen lên cho cổ đông của công ty này.

VietnamFinance thay giao diện, hướng tới mục tiêu mới

VietnamFinance thay giao diện, hướng tới mục tiêu mới

(VEF) - Hôm nay (2/5/2024), Tạp chí điện tử VietnamFinance chính thức có giao diện mới tại địa chỉ: www.vietnamfinance.vn. Đây là một nỗ lực của chúng tôi nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng các ấn phẩm để phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Ngân hàng mạnh tay chia cổ tức: Niềm vui ngắn chẳng tày gang!

Ngân hàng mạnh tay chia cổ tức: Niềm vui ngắn chẳng tày gang!

(VNF) - Mùa ĐHĐCĐ 2024 của các ngân hàng diễn ra trong niềm vui và cả sự hụt hẫng của cổ đông khi nơi thì chia cổ tức “đậm”, nơi thì vẫn dửng dưng…

Nghị định 12 về định giá đất: Nguy cơ kéo lùi thị trường, tăng gánh nặng cho người mua

Nghị định 12 về định giá đất: Nguy cơ kéo lùi thị trường, tăng gánh nặng cho người mua

(VNF) – Mặc dù đã tiếp thu ý kiến của giới chuyên gia, doanh nghiệp khi giữ lại phương pháp thặng dư để xác định giá đất, song Nghị định 12/2024 lại tiếp thu chưa triệt để, dẫn đến tính chưa đúng, chưa đủ chi phí hợp lý của nhà đầu tư. Điều này có thể dẫn đến sự triệt tiêu động lực phát triển dự án mới, khiến nút thắt nguồn cung không thể tháo gỡ. Và tất yếu, mọi chi phí phát triển dự án cuối cùng sẽ trút lên vai người mua.

Chung cư quá đắt, tìm mua đất xen kẹt, cẩn thận 'tiền mất, tật mang'

Chung cư quá đắt, tìm mua đất xen kẹt, cẩn thận 'tiền mất, tật mang'

(VNF) - Giá chung cư ở Hà Nội tăng cao đột biến khiến không ít người chuyển hướng sang tìm mua đất xen kẹt trong ngõ, nhờ ưu thế có mức giá rẻ hơn rất nhiều.

Các hãng ô tô đầu tư mở rộng: Liên tục tuyển người nhưng 'cung không đủ cầu'

Các hãng ô tô đầu tư mở rộng: Liên tục tuyển người nhưng 'cung không đủ cầu'

(VNF) - Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam luôn được ưu tiên phát triển, với kỳ vọng xây dựng một ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam ngày một lớn mạnh. Tuy nhiên, để ngành ngày phát triển, Việt Nam vẫn cần chú trọng đầu tư nguồn lực, nhất là nhân tố con người.

Hà Nội: Đổ vốn 12.600 tỷ đồng vào dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Hà Nội: Đổ vốn 12.600 tỷ đồng vào dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

(VNF) - Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, đến nay, tổng vốn đã đầu tư cho dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đạt khoảng 12.600 tỷ đồng.

Elon Musk đột ngột giải tán đội sạc Supercharger, nhiều đối tác ‘bật ngửa’

Elon Musk đột ngột giải tán đội sạc Supercharger, nhiều đối tác ‘bật ngửa’

(VNF) - Quyết định đột ngột của CEO Tesla Elon Musk về việc sa thải loạt nhân viên điều hành hoạt động kinh doanh các trạm Supercharger (sạc siêu nhanh) đã khiến nhiều đối tác cảm thấy “hoang mang tột độ”.

Giá vàng bật tăng sau quyết định của Fed, tiến lên đỉnh mới?

Giá vàng bật tăng sau quyết định của Fed, tiến lên đỉnh mới?

(VNF) - Sau quyết định mới nhất của Fed, giá vàng thế giới quay đầu tăng mạnh, chạm mốc 2.317 USD/ounce. Nhiều chuyên gia nhận định đà tăng của giá vàng sẽ còn tiếp diễn do nhiều yếu tố hỗ trợ.

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

(VNF) - Nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên có chiều dài 163km, trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 98,3km và đoạn La Sơn - Hoà Liên dài khoảng 64,9km.