Tăng giá liên tục, vàng nhẫn sẽ đắt ngang vàng miếng SJC?

Khánh Tú - 05/04/2024 10:21 (GMT+7)

(VNF) - Chỉ trong ít ngày, giá vàng nhẫn liên tục phá đỉnh và chinh phục mức cao nhất từ trước đến nay. Thay vì mua vàng miếng SJC, nhiều người chuyển sang tích trữ vàng nhẫn để tránh rủi ro.

Tính đến 8h30 ngày 5/4, giá vàng nhẫn tại nhiều nhà vàng vẫn đang được niêm yết ở mức cao. Tại SJC, giá vàng nhẫn hôm nay hiện được niêm yết ở mức 70,6 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 71,85 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Tại PNJ, giá vàng nhẫn hiện ở mức 70,85 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 72,05 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Trước đó, giá vàng nhẫn liên tục neo ở mức cao, thậm chí có lúc chạm mốc 72,2 triệu đồng/lượng – mức cao nhất từ trước đến nay. Chỉ trong 5 ngày đầu tháng, giá vàng nhẫn đã tăng hơn 1,6 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 78,9 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 80,9 triệu đồng/lượng chiều bán ra trong phiên giao dịch sáng 5/4. Như vậy, giá vàng miếng SJC chỉ tăng khoảng 500.000 đồng/lượng trong 5 ngày đầu tháng.

Mức tăng của giá vàng nhẫn trong những ngày qua đã cao hơn gấp 3 lần so với mức tăng của vàng miếng SJC, trái ngược hoàn toàn với xu hướng tăng của vàng miếng trong 3 tháng đầu năm 2024.

Giá vàng nhẫn liên tục tăng mạnh.

Giá vàng nhẫn tăng cao trong những ngày qua cũng đã khiến nhiều người “tất tay” vào loại vàng này. Chị Hà My (Cầu Giấy) cho hay mình đã mua 5 lượng vàng nhẫn với giá 70 triệu đồng/lượng với hi vọng kiếm lời. “Mua vàng miếng SJC bây giờ thì quá rủi ro. Ngân hàng Nhà nước còn đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24. Nếu như xóa bỏ độc quyền vàng miếng thật thì lúc đấy giá vàng miếng SJC chắc không còn cao như bây giờ”, chị My giải thích về lý do mua vàng nhẫn.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc giá vàng nhẫn tăng sốc trong những ngày qua là do những lo ngại liên quan đến sửa đổi Nghị định 24.

Theo đó, vào cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước có đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và cho phép một số doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu. Nhiều người dự đoán giá vàng miếng SJC sẽ giảm mạnh nếu đề xuất này được thực hiện nên chuyển sang mua vàng nhẫn để tránh nguy cơ thua lỗ.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, nhận định trong lúc vàng miếng SJC đang trong thời gian chờ đợi sửa đổi Nghị định 24 thì vàng nhẫn lại càng chiếm ưu thế.

“Xét trên góc độ hiệu quả, vàng nhẫn sẽ dần thay thế vàng miếng khi lợi nhuận cao hơn. Giá vàng nhẫn sẽ còn tăng khi giá vàng thế giới tăng”, ông nói.

Bên cạnh đó, nguồn cung khan hiếm cũng là yếu tố đẩy giá vàng nhẫn lên cao trong thời gian qua. Theo ông Trọng, hiện nguồn cung vàng nguyên liệu sạch 4 số 9 trên thị trường rất ít trong khi nhiều tiệm vàng cũng thận trọng hơn khi mua vàng nguyên liệu khiến lượng vàng nhẫn nhiều khi “cung không đủ cầu”.

Một chuyên gia về vàng cũng cho rằng vàng nhẫn đang có lợi thế hơn so với vàng miếng. "Nếu Ngân hàng Nhà nước xóa bỏ độc quyền vàng miếng, giá vàng SJC có thể sẽ giảm tới vài triệu đồng, thậm chí có thể rơi xuống gần với giá vàng nhẫn", ông nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác