Tăng trưởng 2024: Tổ chức quốc tế lạc quan, chuyên gia trong nước thận trọng

Anh Vũ - 07/11/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Trong khi hầu hết tất cả các tổ chức Quốc tế lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024, thì một số chuyên gia trong nước lại tỏ ra lo lắng về tốc độ tăng trưởng.

Tổ chức quốc tế đồng loạt nâng dự báo tăng trưởng kinh tế

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam mà Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố, các chuyên gia của ngân hàng này dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam đạt 6,8% (từ mức 6,0%), với đà tăng trưởng chậm lại từ quý III/2024.

Theo Standard Chartered, dữ liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong tháng 10 cho thấy có sự điều chỉnh về tăng trưởng so với tháng 9, mặc dù các lĩnh vực kinh tế chủ chốt vẫn tương đối mạnh mẽ. Xu hướng giảm nhẹ này có thể hỗ trợ duy trì lãi suất thấp.

Các tổ chức quốc tế đồng loạt nâng dự báo về kinh tế.

Ngân hàng này cũng dự báo tăng trưởng quý IV/2024 dự kiến sẽ ở mức 6,9%. Doanh số bán lẻ có khả năng đạt ở mức 6,2% (từ 7,6%), lĩnh vực xuất khẩu đạt ở mức 6,2% (từ 10,7%) trong khi xuất khẩu điện tử có cải thiện hơn tính từ đầu năm đến nay. Nhập khẩu và sản xuất công nghiệp có khả năng tăng lần lượt là 4,0% và 9,2%. Tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì ở mức khoảng 9% so với cùng kỳ,tính đến cuối tháng 9.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Standard Chartered đánh giá, dù áp lực trong ngắn hạn vẫn còn nhưng khả năng tăng trưởng của nền kinh tế đang tốt hơn so với kỳ vọng của thị trường.

Việc chính phủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn có thể hỗ trợ duy trì mức lãi suất thấp trong tương lai gần. Lạm phát gần đây đã giảm nhưng có khả năng sẽ tăng lên ở mức ước tính 3,0% vào tháng 10 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng hàng năm, với mức tăng tiếp theo dự kiến vào giữa năm 2025.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng kỳ vọng GDP Việt Nam tăng 6,1% năm nay, cao hơn mức dự báo của tổ chức này hồi tháng 6.

Ngoài ra, HSBC nâng dự báo tăng trưởng 2024 của Việt Nam từ 6,5% lên 7%, trong khi Ngân hàng UOB điều chỉnh dự báo từ 5,9% lên 6,4%, còn Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế cùng nâng kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam lên 6,1%.

Triển vọng kinh tế vẫn tích cực

Theo chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Dorsati Madani, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong hai năm 2025 và 2026 vẫn tích cực với mức tăng trưởng dự báo cả hai năm đều là 6,5% so với mức dự kiến của năm 2024 là 6,1%.

Triển vọng kinh tế vẫn tích cực.

TS Dorsati Madani khuyến nghị về mặt chính sách, trong thời gian tới, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công – bù đắp cho tình trạng đầu tư thiếu hụt trong thập kỷ qua.

Về phần mình, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho hay khi theo dõi tình hình kinh tế, bà rất lo liệu năm nay có đạt được mục tiêu tăng trưởng hay không? Bởi vì nếu năm 2024 không đạt tốc độ tốt thì rất khó để thúc đẩy thời gian tới, thậm chí mục tiêu phát triển cho cả thời kỳ 5 năm.

Theo bà Lan, một động lực quan trọng của kinh tế là tiêu dùng và đầu tư trong nước, thì năm nay không tăng nhiều. Điều này ảnh hưởng từ giai đoạn COVID-19 đến nay chưa phục hồi.

“Theo nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, sự phục hồi được sau COVID-19 hay không phải xem xét đã trở lại mức trước COVID-19 (2019) hay chưa? Nếu chỉ tiêu nào vẫn thấp hơn thì chứng tỏ kinh tế vẫn chưa phục hồi”, bà Lan chia sẻ.

Cùng với đó, bà Lan cũng bày tỏ sự lo ngại khi tăng trưởng đạt mục tiêu nhưng đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đồng ý rằng các thách thức trong những tháng cuối năm 2024 vẫn rất lớn.

“Những thách thức này đủ lớn để khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm chậm lại”, ông Hiếu lo ngại.

Đặc biệt, thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cả doanh nghiệp và người dân. Việc triển khai nhanh chóng các chính sách hỗ trợ sau bão là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, Viện nghiên cứu Kinh tế chính sách (VEPR) đưa ra 2 kịch bản cao và thấp. Với kịch bản cao, tăng trưởng sẽ quý 4/2024 sẽ đi ngang với mức 7,4%, tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu mới 7,0% mà Chính phủ đề ra cho năm 2024.

Với kịch bản thấp, tăng trưởng quý 4 sẽ dưới mức 7%, dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức quanh mức 6,84%.

Doanh nghiệp BĐS sắp xếp nguồn lực, sẵn sàng cho giai đoạn tăng trưởng mới

Doanh nghiệp BĐS sắp xếp nguồn lực, sẵn sàng cho giai đoạn tăng trưởng mới

Bất động sản
(VNF) - Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản (BĐS) bắt đầu có những chuyển biến tích cực trong những tháng vừa qua, kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong năm 2025.
Cùng chuyên mục
Tin khác