Tập đoàn Xây dựng Delta: Lợi nhuận mỏng manh, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cao ngất

Ái Châu Tử - 30/05/2021 13:49 (GMT+7)

(VNF) – Được xem là một trong những tổng thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam song lợi nhuận của Tập đoàn Xây dựng Delta trong giai đoạn 2017 – 2019 lại khá mỏng manh. Trong khi đó, cơ cấu tài chính cho thấy công ty này có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu rất cao, lên tới 5 – 6 lần.

VNF
Tập đoàn Xây dựng Delta: Lợi nhuận mỏng manh, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cao ngất

Chân dung Tập đoàn Xây dựng Delta

Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta (doanh nghiệp trung tâm của Tập đoàn Delta) được thành lập vào năm 1993 với khoảng 100 nhân sự, chủ yếu xuất thân từ Trung tâm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xây dựng của Trường Đại học Xây dựng.

Buổi đầu khởi nghiệp, Delta là nhà thầu thi công cọc khoan nhồi, thi công tầng hầm rồi tiến tới phát triển lĩnh vực tư vấn thiết kế với việc thành lập Công ty Cổ phần tư vấn kiến trúc xây dựng TT-As (viết tắt là TT-Associates)

Tới năm 2009, Delta mở rộng sang lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm cung ứng cho ngành công nghiệp xây dựng. Và tới năm 2012 thì tập đoàn chính thức lấn sân sang kinh doanh bất động sản với việc thành lập các đơn vị như: Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh thương mại Bảo Long, Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Hà Nội Sunrise.

Năm 2014, một dấu mốc đáng chú ý trong hành trình phát triển của Delta đó là sự ra đời của Công ty Cổ phần xây dựng và ứng dụng công nghệ DELTA – V, đơn vị chuyên thiết kế, thi công các dự án xây dựng quy mô lớn.

Hiện tại, Delta được biết đến là chủ đầu tư của dự án khu nhà ở xã hội AMC I, thuộc dự án khu đô thị AMC – EL DORADO tại phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Dự án này do công ty con là Công ty Cổ phần Phát triển AMC Toàn Cầu đứng ra phát triển.

Theo dữ liệu của VietnamFinance, Tập đoàn Delta là cơ nghiệp của ông Trần Nhật Thành, người sáng lập và đương kim chủ tịch HĐQT. Ông Trần Nhật Thành có bằng thạc sĩ chuyên ngành kĩ thuật xây dựng của Đại học Kharcop, Liên Xô. Từ năm 1975, ông về nước và trở thành giảng viên của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, đảm trách tới chức giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng – nơi mà sau này, ông đã gây dựng nên Tập đoàn Delta.

Tính đến hết năm 2019, ông Trần Nhật Thành sở hữu 77,14% cổ phần tại Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta. Trong khi đó, Tổng giám đốc Trần Thành Vinh nắm 16,33%, Phó tổng giám đốc Nguyễn Đăng Quang nắm 1,02%, Phó tổng giám đốc Nguyễn Minh Hiền nắm 1%, Phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Thu nắm 1%, Phó tổng giám đốc Hoàng Ngọc Tú nắm 0,62%. Các cổ đông còn lại là: Nguyễn Thị Thu Hồng 0,28%, Nguyễn Văn Quang 0,9%, Nguyễn Thị Kim Dung 1,71%.

Bức tranh tài chính – kinh doanh của Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta

Cũng như các “ông lớn” trong ngành xây dựng, Delta có doanh thu nhiều nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu thuần của Delta lại đi giật lùi, lần lượt đạt 3.724 tỷ đồng, 3.542 tỷ đồng và 2.888 tỷ đồng.

Biên lãi gộp dù cải thiện theo từng năm, song vẫn rất mỏng, chỉ đạt lần lượt: 2,5%, 2,7% và 3,9%.

Trong các năm, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đều đặn với giá trị lớn khiến lợi nhuận trước thuế của công ty bị ăn mòn rất mạnh và suy giảm liên tiếp, lần lượt là: 20 tỷ đồng, 19 tỷ đồng và 15,6 tỷ đồng.

Khấu trừ thuế, lãi ròng của công ty xuống mức: 16 tỷ đồng, 15 tỷ đồng và 12,5 tỷ đồng. Số lãi mỏng manh này khiến các chỉ số ROA và ROE đều ở mức cực thấp.

Điều an ủi là dòng tiền kinh doanh của Delta vẫn khá tốt. Ngoại trừ năm 2018 âm nặng (-296 tỷ đồng), các năm 2017 và 2019, dòng tiền dương với giá trị lớn: 512 tỷ đồng và 209 tỷ đồng, do giảm được tồn kho và các khoản phải thu.

Dù vậy, tín hiệu không vui là lưu chuyển tiền thuần của công ty âm liên tiếp trong giai đoạn 2018 – 2019, lần lượt là: -11 tỷ đồng và -6,3 tỷ đồng, khiến quy mô vốn bằng tiền giảm sút, phần nào ảnh hưởng tới mức độ an toàn của ngân quỹ.

Bảng cân đối kế toán cho thấy tiền và tương đương tiền của Delta trong giai đoạn 2017 – 2019 giảm dần qua các năm, lần lượt là 89 tỷ đồng, 78 tỷ đồng và 72 tỷ đồng. So với số nợ ngắn hạn (trung bình) khoảng 2.500 tỷ đồng, có thể thấy hệ số thanh toán tức thời của công ty là vô cùng thấp.

Về tài sản, trong giai đoạn nói trên, tổng tài sản của Delta thăng giáng khá mạnh, từ 4.705 tỷ đồng lên 5.324 tỷ đồng rồi lại sụt xuống 4.618 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chiếm đa số với các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho bằng 81% (2017), 80% (2018), 78% (2019) tổng tài sản.

Khoảng 85% tài sản của Delta được tài trợ bằng nợ phải trả (tỷ lệ tương ứng qua các năm là 85%, 86%, 84%), cho thấy mức độ tự chủ tài chính của công ty khá thấp.

Với vốn chủ sở hữu chỉ hơn 700 tỷ đồng (được bồi đắp bằng lợi nhuận lũy kế), hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty lên tới 5 – 6 lần, lần lượt là: 5,6 lần (năm 2017), 6,2 lần (năm 2018) và 5,2 lần (năm 2019). Đây là hệ số rất cao, dẫu cho xây dựng là ngành thâm dụng vốn.

Nếu chỉ tính riêng nợ vay thì tổng nợ vay vào năm 2019 của Delta cũng đã lên tới 1.364 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu (736 tỷ đồng), tiếp tục cho thấy mức độ sử dụng đòn bẩy khá lớn của công ty này.

Tình trạng phụ thuộc vào vốn vay của Delta cũng được thể hiện khá rõ ở dòng tiền tài chính của doanh nghiệp. Chẳng hạn như nâm 2019, tiền thu từ đi vay là 1.644 tỷ đồng, tiền trả nợ vay là 1.818 tỷ đồng. Những năm trước, dòng tiền vay/trả còn lớn hơn thế…

(còn tiếp)

Cùng chuyên mục
Tin khác