(VNF) - Năm 2021, dòng chảy tín dụng đã được Techcombank "nắn" trở lại. Cơ cấu dư nợ tín dụng trở nên ổn định hơn nhiều so với các năm trước.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 vừa được Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) công bố tiếp tục cho thấy sức sinh lời vượt trội của ngân hàng này bất chấp đại dịch.
Cụ thể, trong quý vừa qua, Techcombank ghi nhận 5.562 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực chính tiếp tục đến từ tăng trưởng tín dụng và tiết kiệm chi phí huy động vốn. Trong đó, việc chi phí huy động vốn tiếp tục giảm nhiều khả năng chủ yếu đến từ chênh lệch lãi suất huy động, trong bối cảnh tiền gửi không kỳ hạn cuối quý III đã suy giảm sau khi đạt đỉnh vào quý II.
Lũy kế 9 tháng năm nay, mức lợi nhuận trước thuế mà ngân hàng này đạt được lên đến 17.098 tỷ đồng, tăng tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục ở mức thấp, chỉ 0,57%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức rất cao là 184%.
Bên cạnh kết quả tài chính khả quan giữa đại dịch, một trong những điểm nhấn trong hoạt động kinh doanh của Techcombank trong năm nay là việc "nắn" dòng chảy tín dụng.
Trước đây, cơ cấu tín dụng của Techcombank tương đối thiếu ổn định. Chẳng hạn như năm 2019, tỷ trọng chứng khoán nợ do tổ chức kinh tế (TCKT) phát hành (thường là trái phiếu doanh nghiệp) trong tổng dư nợ tín dụng của Techcombank liên tục giảm từ 25% cuối quý I xuống 24% cuối quý II, tiếp tục giảm xuống 17% cuối quý III và chỉ còn 12% cuối quý IV. Song song với đó, tỷ trọng dư nợ cho vay trung và dài hạn liên tục tăng lên.
Sang đến năm 2020, cơ cấu dư nợ tín dụng lại biến động khá "giật cục", theo đó, từ đầu năm đến cuối quý III, tỷ trọng chứng khoán nợ do TCKT phát hành tăng từ 12% lên 19%, nhưng sau đó quý IV lại giảm về 14%. Tương tự là sự trồi sụt của tỷ trong dư nợ cho vay trung và dài hạn.
Sự thiếu ổn định trong cơ cấu tín dụng của Techcombank từ năm 2020 trở về trước là do ngân hàng này tham gia sâu vào dịch vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp với sự tham gia không chỉ của ngân hàng mẹ mà còn cả công ty con là Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cũng như các quỹ đầu tư trái phiếu thuộc hệ sinh thái của ngân hàng.
Tuy nhiên, sang đến năm 2021, dòng chảy tín dụng đã được Techcombank "nắn" trở lại. Tỷ trọng chứng khoán nợ do TCKT phát hành khá ổn định ở mức 14-15% qua các quý. Tỷ trọng dư nợ cho vay ngắn hạn cũng ổn định ở mức 30-32%, còn lại là dư nợ cho vay trung và dài hạn.
Điều này đã làm dịu đi những lo lắng trước đây của nhiều cổ đông về việc có thời điểm, Techcombank dường như quá tập trung vào nghiệp vụ phát hành trái phiếu, khiến thị phần cho vay biến động thất thường, gây lo ngại về tính bền vững bởi rốt cuộc, cho vay vẫn là hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.