Tiêu điểm

Tháng 10, số doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng gần 30%

Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp thành lập mới tháng 10 tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với tháng trước, trong khi đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8% so với tháng 9.

Tháng 10, số doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng gần 30%

Tháng 10, số doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng gần 30%

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu có sự phục hồi, những tín hiệu tích cực trong tình hình đăng ký doanh nghiệp cho thấy sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp trong việc Chính phủ chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả.

Số doanh nghiệp thành lập mới tháng 10 tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với tháng trước, trong khi đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8% so với tháng 9.

Cụ thể, trong tháng 10, cả nước có 8.233 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 108.600 tỷ đồng và 58.800 lao động, tăng 111,2% về số lượng, tăng 73,9% về vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so với tháng 9.

Tuy nhiên, con số này vẫn giảm 32,5% về số lượng và giảm 34,4% về số vốn đăng ký, giảm 18,8% về số lao động so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, cả nước còn có 4.304 công ty quay trở lại hoạt động, tăng 29,8% so với tháng 9 và giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, vẫn có 3.492 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 55,9% so với tháng 9; có 3.048 đơn vị ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,5% so với tháng 9 và có 806 tổ chức hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33%.

Tính chung 10 tháng năm 2021, cả nước có 93.700 công ty đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1,3 triệu tỷ đồng với 707.700 lao động, giảm 15,7% về số doanh nghiệp; giảm 18,2% về vốn đăng ký và giảm 16,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết, 10 tháng, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 13,9 tỷ đồng, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả hơn 1,879 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng năm nay là hơn 3,18 triệu tỷ đồng, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 35.300 công ty quay trở lại hoạt động, giảm 6,3% so với 10 tháng năm 2020.

Như vậy, tổng cộng trong 10 tháng năm nay, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 129.000 đơn vị, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 12.900 công ty mới và quay trở lại hoạt động.

Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48.500 đơn vị, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; có 35.000 đơn vị ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7%; có 13.600 công ty hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,8%. Bình quân một tháng có 9.700 công ty rút lui khỏi thị trường.

Để tạo đà cho doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, tuần qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Nghị định hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 gồm: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019;

Miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021.

Cùng với đó, giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020.

Tại Thông báo 281/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương hoàn thành việc thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng thời, chủ động tổ chức các hoạt động gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Tin mới lên