Ngân hàng

Thấy gì từ biến động đột biến trong cam kết hoán đổi ngoại tệ của các ngân hàng?

(VNF) - Báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam năm 2017 cho thấy một hiện tượng đáng chú ý: cam kết giao dịch hoán đổi ngoại tệ của nhiều ngân hàng tăng đột biến.

Thấy gì từ biến động đột biến trong cam kết hoán đổi ngoại tệ của các ngân hàng?

Cam kết hoán đổi ngoại tệ tại các ngân hàng tăng đột biến trong năm 2017

Chẳng hạn như VietinBank, cam kết giao dịch hoán đổi ngoại tệ đã tăng từ 132.512 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc ngày 31/12/2016 lên 186.647 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2017, tương đương mức tăng trên 40%.

Techcombank và MB thậm chí còn gây ấn tượng hơn khi cam kết hoán đổi ngoại tệ tăng vọt, lần lượt từ 52.521 tỷ đồng lên 112.757 tỷ đồng (tăng gấp 2,1 lần) và 26.807 tỷ đồng lên 72.488 tỷ đồng (tăng gấp 2,7 lần). Trong khi đó, VPBank tăng từ 25.950 tỷ đồng lên 76.236 tỷ đồng (tăng gấp gần 3 lần).

Các ngân hàng cỡ nhỏ hơn cũng không nằm ngoài "xu thế". Eximbank tăng từ 27.208 tỷ lên 63.633 tỷ (tăng gấp 2,3 lần); ABBank tăng từ 17.261 tỷ lên 44.306 tỷ (tăng gấp 2,6 lần); TPBank tăng từ 29.453 tỷ lên 55.737 tỷ (tăng 89%); OCB tăng từ 6.958 tỷ đồng lên 36.650 tỷ (tăng gấp 5,3 lần); VietBank tăng từ 1.690 tỷ lên 35.932 tỷ (tăng 21 lần).

Với sự "lên ngôi" của giao dịch hoán đổi ngoại tệ thì sau nhiều năm chờ đợi, thị trường phái sinh ngoại hối Việt Nam dường như đã thực sự "thức giấc".

Tại Việt Nam, giao dịch hoán đổi ngoại tệ được thực hiện theo Quyết định số 17/1998/QĐ – NHNN ngày 10/1/1998. Tuy nhiên, mãi đến năm 2003, nghiệp vụ hoán đổi mới chính thức được phép thực hiện.

Giao dịch hoán đổi ngoại tệ có 3 mục đích chính: đáp ứng nhu cầu thanh toán, đáp ứng nhu cầu phòng ngửa rủi ro tỷ giá và đáp ứng nhu cầu kinh doanh ngoại hối. Tuy nhiên, 2 mục đích đầu là phổ biến hơn, đặc biệt là nhu cầu thanh toán.

Ưu điểm rõ rệt nhất của giao dịch này giúp các ngân hàng giảm được chi phí vốn từ việc tối ưu hóa dòng tiền, nôm na là có được lượng tiền nhất định (thường là USD hoặc VND) tại thời điểm cần thiết. Chẳng hạn một ngân hàng đang "thiếu" USD và "thừa" VND sẽ thực hiện hoán đổi với một ngân hàng đang "thừa" USD và "thiếu" VND; USD hoặc VND sẽ được chuyển giao ngay ở hiện tại, VND hoặc USD sẽ được chuyển giao ở tương lai.

Mặc dù có nhiều ưu điểm, tuy nhiên, hoạt động này không phải không có rủi ro. Như đã đề cập, một trong những mục đích chính của giao dịch hoán đổi ngoại tệ là nhằm kinh doanh. Thậm chí, kể cả khi không muốn kinh doanh thì hoạt động hoán đổi ngoại tệ vẫn tạo ra lãi hoặc gây ra lỗ cho ngân hàng khi tỷ giá thay đổi.

Cần lưu ý, cam kết giao dịch hoán đổi ngoại tệ tại một thời điểm lớn không đồng nghĩa với việc ngân hàng có lượng giao dịch hoán đổi lớn trong năm. Thậm chí, các ngân hàng có cam kết hoán đổi tại một thời điểm ít càng cho thấy tính chủ động của ngân hàng trong các giao dịch hoán đổi.

Chẳng hạn như trường hợp của LienVietPostBank, cam kết hoán đổi ngoại tệ tại thời điểm hết ngày 31/12/2017 chỉ 26.275 tỷ đồng, thấp hơn tới 12 ngân hàng Việt Nam nhưng doanh số giao dịch hoán đổi ngoại tệ năm 2017 lên đến 6,6 tỷ USD, là một trong những ngân hàng có lượng giao dịch hoán đổi lớn nhất trên thị trường.

Điều đó có nghĩa là, các ngân hàng có lượng cam kết hoán đổi ngoại tệ "treo" tại thời điểm hết ngày 31/12/2017 càng lớn thì càng khó chủ động về khả năng thu lợi cũng như khả năng thua lỗ từ hoạt động hoán đổi ngoại tệ nếu tỷ giá biến động thất thường.

Thời gian ngắn gần đây, tỷ giá VND/USD biến động rất thất thường. Đã có lúc chỉ trong 7 ngày giao dịch, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã tăng tới 50 đồng và mới vài ngày nay giảm nhiệt khoảng 20 – 25 đồng.

Tuy nhiên, tình hình được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường trên thị trường quốc tế sau những động thái bảo hộ rất quyết liệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó đáng lo ngại nhất là nguy cơ chiến tranh thương mại.

Luồng vốn từ nước ngoài đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt thông qua kênh chứng khoán và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước cũng đang tạo áp lực lớn lên tỷ giá.

Tỷ giá càng "chông chênh", càng biến động, càng có nhiều doanh nghiệp tìm đến hoạt động hoán đổi ngoại tệ. Đây là cơ hội giảm chi phí vốn cũng như kiếm lời cho các ngân hàng, nhưng cũng gây ra rủi ro thua lỗ cho các ngân hàng nếu không "cân đong" hợp lý các giao dịch hoán đổi.

Tin mới lên