Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h sáng ngày 3/7, toàn thế giới có 553,982,361ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có hơn 528 triệu ca đã phục hồi và 6,3 triệu ca tử vong.
Chỉ tính riêng trong 7 ngày vừa qua, toàn cầu ghi nhận hơn 5,2 triệu ca nhiễm mới, tăng 15% so với tuần trước. Trong đó, các quốc gia có số ca nhiễm mới hàng đầu là Mỹ (731,288 ca), Đức (710,854 ca) và Pháp (695,212 ca).
Riêng châu Âu trong vòng 7 ngày qua đã ghi nhận tới 2,5 triệu ca nhiễm mới, tăng 34% so với tuần trước.
Trong báo cáo mới nhất về đại dịch Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết nếu xét theo khu vực, Trung Đông là nơi chứng kiến mức tăng số ca nhiễm theo tuần cao nhất (47%), tiếp đến là châu Âu và Đông Nam Á (32%) và châu Mỹ (14%).
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng ở 110 quốc gia, chủ yếu do biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron, đồng thời khẳng định đại dịch vẫn chưa kết thúc, khả năng theo dõi quá trình tiến hóa di truyền của Covid-19 "đang bị đe dọa" khi các nước nới lỏng nỗ lực giám sát và giải trình tự gen.
Tổng giám đốc WHO đồng thời kêu gọi các nước ưu tiên tiêm phòng Covid-19 cho những nhóm rủi ro cao, trong đó có nhân viên y tế và người trên 60 tuổi.
Mặc dù dịch bệnh đang có dấu hiệu tăng cường trở lại tại nhiều quốc gia, ngày 1/7, Chính phủ Nga đã thông báo chấm dứt toàn bộ các hạn chế được áp dụng để phòng dịch Covid-19, bao gồm cả quy định đeo khẩu trang. Cùng ngày, chính phủ Italy cũng bỏ quy định đeo khẩu trang tại nơi làm việc.
Trong khi đó, chính phủ Australia vừa quyết định chấm dứt chương trình trợ cấp cho những người phải nghỉ làm vì mắc bệnh, dù vẫn duy trì quy định cách ly.
Tại Trung Quốc, 163 ca nhiễm đã được ghi nhận chỉ trong ngày 30/6, con số cao nhất trong vòng 3 tuần qua. Không chỉ vậy, 107 ca nhiễm mới được ghi nhận tại tỉnh An Huy vào ngày 1/7, và có 2 ca nhiễm mới được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, nơi được cho là điểm phát tán virus SARS-CoV-2 hồi năm 2020. Những sự kiện này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết với chính sách zero-Covid.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 30/6, Ngân hàng Thế giới WB đã thông qua việc thành lập quỹ, hỗ trợ công tác phòng ngừa, khả năng sẵn sàng và ứng phó (PPR) với dịch bệnh, trong đó tập trung cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, nhằm tăng cường cuộc chiến chống lại các đại dịch trong tương lai.
Ngày 29/6, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại trước tình trạng bệnh đậu mùa khỉ vẫn không ngừng lây lan.
Cho đến nay, hơn 5.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ đã được báo cáo từ 51 quốc gia trên toàn thế giới, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Riêng số ca mắc ở châu Âu chiếm hơn 90%, bệnh hiện đã ghi nhận ở 31 quốc gia trong khu vực. Anh là nơi đang hứng chịu đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lớn nhất ngoài châu Phi.
"Hôm nay, chúng tôi kêu gọi các chính phủ tăng cường nỗ lực trong những tuần tới, tháng tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ đang bùng phát ở châu Âu", tiến sĩ Hans Henri Kluge, người đứng đầu WHO khu vực châu Âu phát biểu hôm 1/7.
Trước đó 1 ngày, Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã phát đi thông điệp về việc bệnh đậu mùa khỉ có thể tạo cơ hội để virus lây lan đến các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc trẻ em nếu tiếp tục lây lan nhanh.
Mặc dù vậy, WHO vẫn chưa đưa đưa ra mức độ cảnh báo dịch bệnh cao nhất cho bệnh đậu mùa khỉ, vì đợt dịch này chưa gây ra tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng. Cơ quan này hiện đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến mới của đợt dịch và sẽ triệu tập ủy ban khẩn cấp họp ngay khi có thể để đánh giá về tình hình dịch bệnh.
Theo các quan chức của WHO, các nghiên cứu về bệnh đậu mùa khỉ được thực hiện gần đây cho thấy các triệu chứng khác biệt so với trước kia, thậm chí có triệu chứng giống các bệnh tình dục thông thường như herpes và giang mai, làm dấy lên lo ngại các ca nhiễm bệnh có thể đang bị bỏ sót.
Tại một số khu vực như châu Âu, châu Phi, Mỹ, Hàn Quốc đã lên kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Ngày 27/6, một công nhân nghe thấy tiếng kêu cứu phát ra từ chiếc xe đầu kéo 18 bánh bị bỏ lại ở một khu công nghiệp hoang vắng gần đường cao tốc ở ngoại ô San Antonio, bang Texas, cách biên giới Mỹ - Mexico khoảng 160 dặm (260 km) về phía Bắc.
Khi tới hiện trường, cảnh sát phát hiện nhiều thi thể với nhiệt độ cao, xếp chồng lên nhau bên trong thùng container, cùng một số nạn nhân khác tại các bụi cây gần chiếc xe.
Tổng cộng 53 người được xác định thiệt mạng, gồm những công dân di cư từ Mexico, Guatemala, Honduras và El Salvador, khiến đây trở thành vụ buôn người chết chóc lịch sử tại Mỹ. Trong đó, số nạn nhân người Mexico là nhiều nhất.
Nhiệt độ tại khu vực trong ngày xảy ra vụ việc đã tăng cao tới 103 độ F (39,4 độ C), và nhiệt độ trong thùng xe có thể lên tới 78 độ C.
Tại hiện trường, các nhà chức trách Mỹ đã không tìm thấy nguồn cung cấp nước hoặc dấu hiệu điều hòa không khí hoạt động bên trong container chở hàng, đây được cho là nguyên nhân khiến các nạn nhân dễ bị sốc nhiệt, mất nước và tử vong.
Một quan chức hành pháp ở Texas cho biết chiếc xe đầu kéo này không được đăng ký hợp lệ và đã được được chỉnh sửa để "đội lốt" phương tiện của công ty Vận tải và Thu hoạch Betancourt, có trụ sở ở thành phố Alamo lân cận.
Trong xe cũng được trang bị dàn lạnh như chiếc xe bị giả mạo, tuy nhiên máy lạnh không hề được hoạt động để giảm nhiệt cho những người bên trong. Không chỉ vậy, cảnh sát cho biết, những người bên trong thùng container dường như được rắc gia vị bít tết, nhằm che đi mùi cơ thể, khiến chó nghiệp vụ ở trạm kiểm soát biên giới không phát hiện ra.
Homero Zamorano, 45 tuổi, tài xế bỏ chiếc xe tải tại hiện trường, đã bị bắt tại cánh đồng gần đó và có biểu hiện phê ma túy đá. Cảnh sát cũng bắt hai người đàn ông khác bị tình nghi liên quan, song cho biết mối liên hệ giữa những người này với chiếc xe hay những người di cư là chưa rõ ràng.
Ngày 27/6, Bloomberg đưa tin Nga đã vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên sau hơn 1 thế kỷ, do không thể thanh toán số trái phiếu nước ngoài trị giá khoảng 100 triệu USD khi hết thời gian ân hạn vào ngày 26/6.
Được biết, trong số các loại trái phiếu phải thanh toán, một loại phải trả bằng USD, EUR, bảng Anh hoặc franc Thuỵ Sĩ, một loại trái phiếu khác có thể được thanh toán bằng ruble.
Tuy nhiên, do Mỹ quyết định không gia hạn giấy miễn trừ cho phép Nga thanh toán ngoại tệ cho các khoản nợ nước ngoài bắt đầu từ ngày 25/5, Moscow đã tuyên bố trả nợ bằng đồng tiền chủ quyền.
Về quy tắc, việc Moscow không thanh toán đúng loại tiền tệ đã vay có thể được coi là không tuân thủ hợp đồng và có thể bị các trang tín nhiệm xét là vỡ nợ. Chưa kể, việc Mỹ chặn thanh toán nước ngoài của Nga cũng khiến các chủ nợ không thể nhận lại số tiền của mình.
Theo Bloomberg, tuyên bố vỡ nợ chính thức thường do các hãng xếp hạng tín nhiệm đưa ra, nhưng các lệnh trừng phạt của châu Âu đã khiến các hãng này ngừng đánh giá đối với các thực thể của Nga. Tuy nhiên, các chủ nợ có thể tuyên bố vỡ nợ nếu bên sở hữu 25% trái phiếu nước ngoài nhất trí rằng sự kiện vỡ nợ đã xảy ra.
Mặc dù luôn tuyên bố có đủ tiền để thực hiện các nghĩa vụ tài chính, nhưng với danh tiếng “vỡ nợ”, dù chỉ trên mặt lý thuyết, sẽ làm xấu đi tình hình tài chính của Nga, khiến một số ít các nhà đầu tư nước ngoài còn lại rời khỏi Nga, làm gia tăng những thách thức mà nền kinh tế Nga đang phải đối mặt.
Trước tin tức Nga bị tuyên bố vỡ nợ, các quan chức Điện Kremlin liên tục cho rằng đây là vụ vỡ nợ “nhân tạo” do phương Tây cố ý tạo ra và hoàn toàn dối trá.
"Các ngân hàng phương Tây đã đóng băng (và trên thực tế, đã đánh cắp) rất nhiều tiền thuộc về đất nước chúng ta. Họ không thực hiện bất kỳ khoản thanh toán nào và nói một cách hoài nghi rằng Nga không thể trả hết nghĩa vụ của mình", Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban của Hội đồng Liên bang Nga về các vấn đề quốc tế Vladimir Dzhabarov viết trên Telegram.
Trước đó, ngày 22/6, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về thủ tục tạm thời đối với các khoản thanh toán trái phiếu bằng ngoại tệ. Theo đó, Moscow hiện sẽ coi các nghĩa vụ của mình đã hoàn thành "nếu chúng được hoàn thành bằng đồng ruble với số tiền tương đương ngoại tệ" theo tỷ giá hối đoái vào ngày tiền được chuyển đến cơ quan lưu ký trung ương (NSD), qua đó chúng sẽ được trả cho các chủ nợ.
Nhờ cơ chế mới, Nga sẽ có thể thực hiện nghĩa vụ của mình không chỉ đối với các chủ nợ có quyền được xác nhận thông qua các cơ quan lưu ký quốc gia, mà còn đối với những người “không thể chuyển tiền theo các thủ tục tiêu chuẩn”, Bộ này cho biết.
Tuy nhiên, để nhận được tiền, các nhà đầu tư sẽ cần phải mở một tài khoản ruble, Bộ Tài chính giải thích. Cơ chế này tương tự với cơ chế trả tiền khí đốt bằng ruble mà Điện Kremlin đã áp dụng với các quốc gia “không thân thiện” tại châu Âu.
Sau Hội nghị Thượng đỉnh G7 với nhiều điểm nhấn, ngày 28/6, một tài liệu từ Văn phòng Kiểm soát tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức được công bố, đưa ra lệnh cấm với việc nhập khẩu vàng Nga.
“Nhập khẩu vàng có xuất xứ từ Liên bang Nga vào Mỹ bị cấm, ngoại trừ các trường hợp được luật pháp quy định, hoặc được OFAC cấp phép”, trích tuyên bố của OFAC. Theo đó, lệnh cấm này không áp dụng với lượng vàng Nga được xuất khẩu ra nước ngoài trước ngày 28/6.
Lệnh cấm vàng Nga có sự đồng thuận và tham gia của Anh, Canada, Nhật Bản, và đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo trước từ ngày 26/6, sau Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tại Đức, với mục đích cắt nguồn tài trợ cho chiến tranh của Nga tới từ mặt hàng xuất khẩu đem lại lợi nhuận lớn thứ 2 sau năng lượng.
“Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với ông Putin để ngăn chặn nguồn doanh thu mà ông ấy cần để tài trợ cho cuộc chiến với Ukraine. Cùng nhau, G7 sẽ thông báo rằng chúng tôi sẽ cấm nhập khẩu vàng của Nga, một mặt hàng xuất khẩu chính mang lại hàng chục tỷ USD cho Nga”, ông Biden đăng tweet hôm 26/6.
Theo dữ liệu mới nhất của Hội đồng vàng thế giới, Nga là nhà sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới, với khoảng 10% sản lượng toàn cầu. Reuters dẫn báo cáo cho thấy lượng vàng nắm giữ của Moscow đã tăng gấp 3 lần kể từ khi nước này sáp nhập Crimea vào năm 2014, và loại hàng hóa này là tài sản quan trọng đối với ngân hàng trung ương của Nga, vốn đang hoạt động trong những điều kiện hạn chế nghiêm trọng.
CNN dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết lệnh cấm vận đối với xuất khẩu vàng của Nga sẽ tước đi khoảng 19 tỷ USD doanh thu hàng năm của Moscow.
“Vàng là mặt hàng xuất khẩu sinh lợi thứ hai mà Nga có, sau năng lượng. Trong khoảng 19 tỷ USD doanh thu hàng năm từ việc kinh doanh vàng của Điện Kremlin, phần lớn đến từ các quốc gia G7. Từ chối vàng Nga là từ chối cung cấp cho Nga 19 tỷ USD mỗi năm, điều đó rất đáng kể”, ông Blinken nói với CNN.
Với lệnh trừng phạt mới, Ngoại trưởng Mỹ Atony Blinken bày tỏ kỳ vọng sẽ nhìn thấy tác động lên nền kinh tế Moscow bắt đầu từ năm 2023.
Ngày 30/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này đã khởi động hoạt động xuất khẩu điện sang EU với khối lượng đáng kể và sẽ tăng dần nguồn cung.
Ukraine đã đạt được thỏa thuận tham gia Mạng lưới các nhà vận hành hệ thống truyền tải điện châu Âu (ENTSO-E) với tư cách quan sát viên hồi tháng 3, sau khi lưới điện của nước này được liên kết với mạng lưới của EU.
Tới đầu tuần này, công tác chuẩn bị cho việc xuất khẩu những số điện đầu tiên từ Ukraine tới Romania đã được hoàn tất. Ukraine cũng sẽ sớm bán điện cho Slovakia, Hungary, Moldova và Romania trong thời gian tới. Động thái này được cho là nhằm tăng sự độc lập của hệ thống điện của Ukraine với Nga.
Tổng thống Ukraine khẳng định rằng một phần đáng kể khí đốt của Nga mà người châu Âu tiêu thụ có thể được thay thế, đặc biệt trong bối cảnh Moscow dần thắt chặt nguồn cung khí đốt còn EU cố tìm cách “cai nghiện" năng lượng Nga.
"Đó không chỉ là vấn đề về doanh thu xuất khẩu đối với chúng tôi, mà còn là vấn đề an ninh của toàn châu Âu", Tổng thống Zelensky nói thêm đồng thời cho biết việc xuất khẩu điện sang châu Âu là "một bước tiến quan trọng khác trong quá trình chúng ta hướng tới EU".
Trong tuyên bố đưa ra mới đây, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết nguồn cung từ Ukraine "sẽ cung cấp thêm một nguồn điện cho EU và tạo ra nguồn thu rất cần thiết cho Kiev", là động thái “đôi bên cùng có lợi”.
Xem thêm >> Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ vượt Nga về lượng khí đốt xuất khẩu sang EU
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.