Ngân hàng tuần qua: BIDV đấu giá khoản nợ 471 tỷ đồng, SeABank chốt giá phát hành ESOP

Hải Đường - 02/07/2022 14:53 (GMT+7)

(VNF) - Trong tuần vừa qua, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HoSE: SSB) đã công bố giá chào bán cổ phiếu trong đợt phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

VNF
SeABank chốt giá phát hành ESOP là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua

Cạn room tín dụng, đã đến lúc ngân hàng thay đổi khẩu vị

Dù còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% nhưng nhiều ngân hàng ngay từ hồi cuối tháng 5 đã đồng loạt xin được cấp thêm hạn mức (room) tín dụng.

Lãnh đạo các ngân hàng nhìn nhận nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao kể từ cuối năm 2021 và dự báo từ nay đến cuối năm sẽ vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp theo gói 40.000 tỷ đồng từ ngân sách cũng đang được toàn ngành ngân hàng gấp rút triển khai. Do đó, để đáp ứng cơn "khát vốn" cho phục hồi tăng trưởng, lãnh đạo các ngân hàng đồng loạt kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sớm nới room tín dụng phù hợp.

Trước tốc độ tăng trưởng của tín dụng, cuộc đua lãi suất cũng đã tăng nhiệt trở lại sau hơn 2 năm neo ở mức thấp. Báo cáo mới phát hành của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VBCS) cho biết lãi suất huy động kể từ đầu năm đến nay đã nhích tăng khoảng 0,3-0,8%/năm; trong đó, kỳ hạn 12 tháng có mức tăng đạt xấp xỉ 0,7%/năm.

Lý giải cho các đợt tăng lãi suất liên tiếp, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng việc lãi suất huy động ở mức thấp trong suốt 2 năm qua dù tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh nhưng cũng đã phần nào khiến dòng vốn ít nhiều đã chảy sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, tiền số... Lượng tăng trưởng vốn huy động vì thế chậm hơn rất nhiều so với thời gian trước đây và cũng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của vốn tín dụng.

"Do đó, để đảm bảo khả năng cung ứng vốn, các ngân hàng đã dần dần nâng lãi suất tiết kiệm lên mức phù hợp với yêu cầu thu hút vốn và đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền", ông Thịnh nói.

>>> Xem thêm: Cạn room tín dụng, đã đến lúc ngân hàng thay đổi khẩu vị

Hỗ trợ lãi suất 2%: Không nên vội vàng

Ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo Nghị định 31, các NHTM sẽ triển khai gói hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam cho khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tổng số tiền hỗ trợ lãi suất không quá 40 ngàn tỷ đồng.

Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định.

Ngoài tuân thủ các quy định chung tại Nghị định 31, khách hàng muốn được hỗ trợ lãi suất 2% sẽ phải đáp ứng cả các điều kiện NHTM đưa ra. Đơn cử, một số NHTM quy định: Khách hàng không được tiếp tục hỗ trợ lãi suất trong các trường hợp: Khoản vay có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả không được hỗ trợ lãi suất đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ nằm trong khoảng thời gian có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả. Khoản vay chỉ được tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với các kỳ hạn trả nợ lãi tiếp theo sau khi khách hàng đã trả hết số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả. Khoản vay được gia hạn nợ không được hỗ trợ lãi suất đối với thời gian gia hạn nợ…

Theo các chuyên gia, đó là điều cần thiết để ngăn chặn việc trục lợi chính sách cũng như ngăn ngừa nợ xấu phát sinh. Đặc biệt Nghị định 31 còn quy định: “Trong trường hợp cần thiết, NHNN chủ trì thành lập Tổ công tác hỗ trợ lãi suất liên ngành gồm NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng để kiểm tra hồ sơ của khoản vay được hỗ trợ lãi suất…”.

Vì vậy dù khách hàng lẫn NHTM rất mong ngóng được triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất này, nhưng vì nhiều yếu tố như trên, việc này không vội được.

>>> Xem thêm: Hỗ trợ lãi suất 2%: Không nên vội vàng

Yuanta: Lợi nhuận ngân hàng niêm yết quý II/2022 ước tăng 36% so với quý II/2021

Trong báo cáo ngành ngân hàng công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) của 27 ngân hàng niêm yết trong quý II/2022 sẽ tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so với quý liền trước thì giảm 9%.

Lợi nhuận kỳ vọng giảm so với quý trước chủ yếu là do lợi nhuận quý I/2022 khá cao do có đóng góp từ những khoản thu nhập ngoài lãi bất thường, đáng chú ý là khoản phí trả trước từ thương vụ bancassurance độc quyền trị giá khoảng hơn 5 nghìn tỷ đồng của VPBank.

Yuanta ước tính thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng quý II/2022 sẽ tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù tín dụng tăng trưởng thấp trong quý vừa qua do hầu hết các ngân hàng đều đã cạn hạn mức tín dụng và đang chờ Ngân hàng Nhà nước nới “room”.

Thu nhập phí quý II/2022 ước tính tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, doanh thu bancassurance có thể thấp do hoạt động cho vay kém sôi động. Ngoài ra, chi phí hoạt động ước tăng khoảng 15%.

>>> Xem thêm: Yuanta: Lợi nhuận ngân hàng niêm yết quý II/2022 ước tăng 36% so với quý II/2021

SeABank chốt giá phát hành hơn 59 triệu cổ phiếu ESOP, dự kiến huy động 891 tỷ đồng

Theo nghị quyết điều chỉnh phương án phát hành ESOP năm 2022, SeABank đã công bố giá phát hành là 15.000 đồng/cổ phiếu, áp dụng cho tất cả nhóm cán bộ quản lý, cán bộ nhân viên được lựa chọn tham gia chương trình ESOP. Mức giá này chỉ bằng một nửa thị giá của cổ phiếu SSB trên thị trường chứng khoán.

Được biết, SeABank sẽ phát hành 59,4 triệu cổ phiếu ESOP – cấu phần 2 của phương án tăng vốn điều lệ năm 2022. Với mức giá vừa được công bố, ngân hàng này dự kiến huy động 891 tỷ đồng từ cán bộ nhân viên.

Thời gian thực hiện phương án là trong quý III và quý IV/2022.

SeABank cũng vừa hoàn tất phát hành 211,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và 109,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Ngân hàng đã tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên mức 19.809 tỷ đồng sau đợt phát hành.

Theo phương án tăng vốn, SeABank sẽ còn thực hiện chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, hoặc chào bán ra công chúng cho cổ đông hiện hữu vói số lượng 228,7 triệu cổ phiếu.

>>> Xem thêm: SeABank chốt giá phát hành hơn 59 triệu cổ phiếu ESOP, dự kiến huy động 891 tỷ đồng

BIDV bán đấu giá khoản nợ 471 tỷ đồng của Vertical Synergy Viet Nam

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong tuần qua đã thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Vertical Synergy Viet Nam.

Theo đó, tổng dư nợ của Vertical Synergy Viet Nam tại BIDV tính đến ngày 21/6/2022 là 471 tỷ đồng, bao gồm dư nợ gốc là hơn 347 tỷ đồng và dư nợ lãi là gần 124 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo của khoản nợ này là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ số 63 (tầng 1) Pastuer, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM, chủ tài sản là ông Hoàng Như Luận.

Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn bao gồm 12 bất động sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại phường An Phú Đông, quận 12, TP. HCM , chủ tài sản là ông Phạm Văn Công và bà Phạm Thị Nhàn.

Cùng với đó là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 102 Trần Quốc Toản, phường 7, quận 3, TP. HCM, chủ tài sản là ông Trần Văn Thông cùng hàng tồn kho theo các hợp đồng thế chấp đã ký.

Giá khởi điểm của khoản nợ là 471 tỷ đồng, bằng tổng giá trị khoản nợ như đã nêu trên.

>>> Xem thêm: BIDV bán đấu giá khoản nợ 471 tỷ đồng của Vertical Synergy Viet Nam

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.