Ngân hàng

Hỗ trợ lãi suất 2%: Không nên vội vàng

Đánh giá cao gói hỗ trợ lãi suất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và qua đó là nền kinh tế phục hồi sau dịch, song giới chuyên gia cũng khuyến cáo cần lưu ý về vấn đề lạm phát và siết chặt kiểm soát để dòng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, tránh việc trục lợi chính sách cũng như ngăn ngừa nợ xấu phát sinh trong tương lai.

Hỗ trợ lãi suất 2%: Không nên vội vàng

Hỗ trợ lãi suất 2%: Không nên vội vàng.

Ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo Nghị định 31, các NHTM sẽ triển khai gói hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam cho khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tổng số tiền hỗ trợ lãi suất không quá 40 ngàn tỷ đồng. Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận NHTM và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất, kể từ ngày nghị định có hiệu lực, nhưng không vượt quá 31/12/2023. Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định trên…

Ngay trong ngày 20/5/2022, NHNN cũng đã khẩn trương ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Theo Thông tư 03, các NHTM đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước cho cả 02 năm 2022, 2023 và chi tiết từng năm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Trường hợp tổng số tiền hỗ trợ lãi suất theo đăng ký kế hoạch của các NHTM trong 02 năm 2022 và 2023 nhỏ hơn hoặc bằng 40.000 tỷ đồng, NHNN Việt Nam xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất đối với từng NHTM theo đăng ký.

Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể việc xác định hạn mức trong trường hợp tổng số tiền hỗ trợ lãi suất theo đăng ký kế hoạch của các NHTM trong 02 năm 2022 và 2023 lớn hơn 40.000 tỷ đồng.

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, căn cứ nhu cầu tổng hợp của NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ bố trí dự toán, trình các cấp có thẩm quyền giao dự toán cho NHNN. Tổng số tiền hỗ trợ lãi suất đăng ký kế hoạch của NHTM (44 ngân hàng tham gia) cho cả hai năm 2022, 2023 là 40 ngàn tỷ đồng, trong đó đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất năm 2022 là hơn 16 nghìn tỷ đồng, năm 2023 là gần 24 nghìn tỷ đồng. Căn cứ dự toán được giao, NHNN sẽ thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất cho các NHTM. Định kỳ hàng quý, dựa trên đề nghị thanh toán trước số tiền đã hỗ trợ lãi suất của các NHTM và ý kiến của NHNN, Bộ Tài chính sẽ thực hiện thanh toán trước cho các NHTM.

Đánh giá cao gói hỗ trợ lãi suất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và qua đó là nền kinh tế phục hồi sau dịch, song giới chuyên gia cũng khuyến cáo cần lưu ý về vấn đề lạm phát và siết chặt kiểm soát để dòng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, tránh việc trục lợi chính sách cũng như ngăn ngừa nợ xấu phát sinh trong tương lai.

Quả vậy áp lực lạm phát hiện rất lớn do giá xăng dầu trong nước đang tăng nhanh theo giá xăng dầu thế giới. Trong khi tính đến ngày 9/6 tín dụng đã tăng 8,15% so với cuối năm 2021 và tăng 17,09% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng khá cao so với định hướng tín dụng cả năm chỉ là 14%. Vì vậy theo các chuyên gia, NHNN cần phải cân nhắc thận trọng với bài toán tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm khi gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng được triển khai để tránh tạo thêm áp lực đến lạm phát.

Về đối tượng thụ hưởng chính sách, theo Nghị định 31, khách hàng được hỗ trợ lãi suất 2% phải thuộc các nhóm ngành, hàng: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; Các ngành có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản. Các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố cũng được hỗ trợ lãi suất từ chương trình này.

Ngoài tuân thủ các quy định chung tại Nghị định 31, khách hàng muốn được hỗ trợ lãi suất 2% sẽ phải đáp ứng cả các điều kiện NHTM đưa ra. Đơn cử, một số NHTM quy định: Khách hàng không được tiếp tục hỗ trợ lãi suất trong các trường hợp: Khoản vay có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả không được hỗ trợ lãi suất đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ nằm trong khoảng thời gian có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả. Khoản vay chỉ được tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với các kỳ hạn trả nợ lãi tiếp theo sau khi khách hàng đã trả hết số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả. Khoản vay được gia hạn nợ không được hỗ trợ lãi suất đối với thời gian gia hạn nợ…

Theo các chuyên gia, đó là điều cần thiết để ngăn chặn việc trục lợi chính sách cũng như ngăn ngừa nợ xấu phát sinh. Đặc biệt Nghị định 31 còn quy định: “Trong trường hợp cần thiết, NHNN chủ trì thành lập Tổ công tác hỗ trợ lãi suất liên ngành gồm NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng để kiểm tra hồ sơ của khoản vay được hỗ trợ lãi suất…”.

Vì vậy dù khách hàng lẫn NHTM rất mong ngóng được triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất này, nhưng vì nhiều yếu tố như trên, việc này không vội được.

Tin mới lên