Thế giới tuần qua: Nóng rực cuộc chiến pháp lý bầu cử Mỹ, đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng

Thanh Tú - 14/11/2020 16:30 (GMT+7)

(VNF) - Kết quả bầu cử Mỹ 2020 vẫn chưa ngã ngũ, số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng mạnh trên khắp thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hạn chế đầu tư vào Trung Quốc, Nhật Bản công bố người thừa kế ngai vàng…là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

VNF
Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Bầu cử Mỹ: Cuộc chiến pháp lý tăng nhiệt

Ngay sau khi truyền thông Mỹ xướng tên ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden là tổng thống đắc cử thứ 46 của Mỹ, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump tuyên bố cuộc bầu cử "còn lâu mới chấm dứt" và sẽ tiến hành các vụ kiện liên quan đến cáo buộc gian lận cử tri.

Trong hai ngày 10/11 và 11/11, ông Trump liên tục họp với các cố vấn bầu cử hàng đầu về chuyện theo đuổi kiện tụng ở các bang mà ông cho có xảy ra gian lận bầu cử làm ảnh hưởng đến kết quả của ông.

Động thái này diễn ra sau khi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr hôm qua 10/11 gửi văn bản, ủy quyền cho giới công tố liên bang điều tra những “cáo buộc rõ ràng và có thể đáng tin về hành vi trái quy định gây tác động tiềm tàng đến kết quả bầu cử liên bang trong một bang”, trước khi kết quả bầu cử được công nhận.

Ông Barr nhấn mạnh các công tố viên có thể mở các cuộc điều tra sơ bộ và việc này sẽ cho phép họ cùng giới điều tra xem liệu có bằng chứng để tiếp tục điều tra sâu hơn hay không.

Tuy nhiên, cho đến nay thắng lợi duy nhất của ông Trump là phán quyết ngày 12/11 của tòa án Pennsylvania khi ra lệnh không tính các phiếu bầu được bổ sung thông tin nhận dạng cử tri sau ngày 9/11, vốn có thể lên tới hàng ngàn phiếu.

Nhiều vụ kiện họ tiến hành ở các bang Arizona, Georgia, Michigan và Nevada đã thất bại khi thẩm phán xác định luật sư của Trump không trình bày được chứng cứ đáng tin cậy.

Đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát

Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng 14/11 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 53.716.476 trường hợp, trong đó có 1.308.418 trường hợp tử vong. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã lên tới 11.061.491 ca, trong đó có 249.973 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ đã có thêm 180.955 ca nhiễm mới và 1.393 ca tử vong.

Theo dự đoán của Reuters, từ nay cho đến ngày tân tổng thống Mỹ nhậm chức (20/1/2021), số ca mắc có thể tăng thêm hơn 8 triệu trường hợp, tương đương tăng 80% và thêm 70.000 ca tử vong, tương đương với tăng thêm 29%.

Tại châu Âu, dịch bệnh tiếp tục khó kiếm soát khi Pháp ghi nhận số ca mắc cao kỷ lục với 1.922.504 ca, đứng thứ 4 thế giới. Italy có số ca mắc mới trong ngày cao nhất châu Âu với 40.902 trường hợp.

Tại châu Á, dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp. Ấn Độ vẫn là quốc gia dẫn đầu tại châu Á và đứng thứ 2 thế giới về số ca mắc. Quốc gia này ghi nhận thêm 45.343 ca mắc và 539 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên thành 8.773.243, trong đó có 129.225 ca tử vong.

Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia và Philippines là 2 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Indonesia ghi nhận thêm 5.444 ca mắc và 104 ca tử vong trong 24h qua, nâng tổng số ca mắc lên thành 457.753, tổng số ca tử vong là 15.037, đứng thứ 21 thế giới. Tiếp đến là Philippines với 404.713 ca mắc và 7.752 ca tử vong.

Tổng thống Trump ký sắc lệnh hạn chế đầu tư vào Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/11 đã ký một sắc lệnh cấm các công ty Mỹ đầu tư vào 31 công ty Trung Quốc mà Washington cho rằng thuộc sở hữu hoặc kiểm soát bới quân đội

Sắc lệnh nêu rõ Chính phủ Trung Quốc ép các công ty tư nhân phải hỗ trợ và dùng các thị trường vốn để khai thác nguồn lực tài chính của các nhà đầu tư Mỹ phục vụ cho việc phát triển và hiện đại hóa quân đội.

Theo ông Trump, điều này giúp Trung Quốc trực tiếp đe dọa lãnh thổ Mỹ và lực lượng an ninh Mỹ tại nước ngoài.

Nhà sản xuất điện thoại thông minh Huawei và Hikvision, một trong những nhà sản xuất và cung cấp thiết bị video giám sát lớn nhất thế giới, đều nằm trong danh sách này.

Ngoài ra, một số tập đoàn lớn khách của Trung Quốc cũng được liệt kê, bao gồm China Telecom và China Mobile, hiện đang được niêm yết trên trên sàn chứng khoán New York.

Cụ thể, sắc lệnh mới, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11/1/2021, ngăn chặn các nhà đầu tư, quỹ lương hưu và những tổ chức khác của Mỹ mua và bán cổ phần của 31 công ty Trung Quốc, vốn bị Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đầu năm nay xác định là do quân đội Trung Quốc hậu thuẫn.

Đồng thời, các nhà đầu tư Mỹ sẽ có hạn chót tới tháng 11/2021 để thoái vốn khỏi các khoản đầu tư bao gồm cổ phiếu của các công ty này.

Đây được xem là sắc lệnh hành pháp đáng chú ý đầu tiên của Tổng thống Trump sau khi truyền thông Mỹ tuyên bố ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden là tổng thống đắc cử hôm 7/11.

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 13/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố Bắc Kinh sẽ mạnh mẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp. Đồng thời kêu gọi Washington ngừng gây sức ép với các công ty Trung Quốc.

Ông Uông cho rằng chính phủ Mỹ "đang lạm dụng quyền lực của mình để gây áp lực lên các công ty Trung Quốc, đồng thời phá hoại nghiêm trọng hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa hai nước".

Nhật Bản công bố người thừa kế ngai vàng

Nhật Bản chính thức sắc phong Thân vương Akishino, em trai Quốc vương Naruhito, là Thái tử hôm 8/11, nghi thức cuối cùng sau hàng loạt nghi lễ từ khi anh trai ông là Naruhito kế vị năm ngoái.

Nhật hoàng Naruhito không có con trai và theo luật pháp Nhật Bản, chỉ đàn ông mới được thừa kế ngai vàng. Vì vậy, con đẻ duy nhất của Nhật hoàng Naruhito là Công chúa Aiko, 18 tuổi, không đủ điều kiện thừa kế.

Thái tử Akishino (áo cam) tham dự lễ sắc phong. Ảnh: Kyodo

Ông Akishino, 54 tuổi, là một trong ba người thừa kế ngai vàng Nhật Bản cùng Hisahito, 14 tuổi và Hoàng tử Hitachi, 84 tuổi, em trai của Thái thượng hoàng Akihito, người đã thoái vị năm ngoái.

Thay đổi luật kế vị là điều không thể chấp nhận với những người thuộc trường phái bảo thủ, nhưng tranh luận về cách đảm bảo quyền kế vị ổn định có thể sẽ ngày càng gay gắt.

Một lựa chọn là cho phép phụ nữ, bao gồm Aiko và hai chị gái của Hisahito, giữ lại địa vị hoàng gia sau khi kết hôn và cho phép con cái họ được truyền ngôi hoặc kế vị. Đây là cách được nhiều người dân Nhật Bản ủng hộ nhất.

Xem thêm >> ASEAN hoan nghênh Mỹ đóng góp tích cực cho hòa bình, tự do hàng hải ở Biển Đông

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.