Thế giới tuần qua: Sàn tiền điện tử số 3 thế giới phá sản, tương lai tiền số lung lay

Quỳnh Anh - 12/11/2022 23:01 (GMT+7)

(VNF) - Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ; tuyên bố phá sản bất ngờ của sàn tiền điện tử lớn thứ 3 thế giới FTX... là những tin tức đáng chú ý đã diễn ra trong tuần vừa qua.

VNF
Thị trường tiền điện tử trải qua một tuần đầy khó khăn khi biến cố bất ngờ xảy ra với sàn FTX.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ

Ngày 8/11, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ đã chính thức diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ và toàn cầu đang đối mặt với nhiều nguy cơ suy thoái, tình hình địa chính trị bất ổn và sự ủng hộ đối với Tổng thống Joe Biden ở mức thấp.

Các cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ không gây chú ý như bầu cử tổng thống, nhưng rất quan trọng trong việc xác định đảng nào sẽ kiểm soát Quốc hội, đồng nghĩa với việc nắm quyền thúc đẩy hoặc bác bỏ các chương trình nghị sự của Tổng thống.

Năm nay, cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế ở Hạ viện và 1/3 tổng số ghế ở Thượng viện. Thượng viện, hiện do đảng Dân chủ kiểm soát, được đánh giá là cơ quan quyền lực và uy tín hơn, có nhiệm kỳ 6 năm.

Ở thời điểm trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden hiện đang kiểm soát Hạ viện và chiếm đa số trong Thượng viện.

Tuy nhiên, trong các cuộc thăm dò trước thềm cuộc bầu cử, đảng Cộng hoà được kỳ vọng sẽ chiếm đa số Hạ viện hoặc Thượng viện, hình thành cản trở với một số chính sách chi tiêu của Tổng thống đương nhiệm, và thông qua đó giữ ổn định cho tỷ giá và nguồn cung ngân khố.

Tính tới ngày 10/11, đảng Cộng hòa đang tạm dẫn trước Đảng Dân chủ với 49 ghế ở Thượng viện và 211 ghế ở Hạ viện, trong khi các con số của Đảng Dân chủ lần lượt là 48 và 198 ghế.

Trong cuộc đua vào Hạ viện, mỗi đảng cần 218/435 ghế để giành thế đa số. Như vậy, Đảng Cộng hòa chỉ cần thêm 7 ghế ở Hạ viện là đủ giành quyền kiểm soát các cơ quan này.

Còn trong cuộc đua vào Thượng viện, đảng Cộng hòa cần tối thiểu 51 ghế thượng nghị sĩ, trong khi đảng Dân chủ chỉ cần 50 ghế là giành quyền kiểm soát, nhờ lá phiếu quyết định của Phó tổng thống Kamala Harris, người giữ chức Chủ tịch Thượng viện. Như vậy, cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều cần thêm 2 ghế để kiểm soát Thượng viện.

Với số lượng lá phiếu quá lớn và đòi hỏi tính chính xác cao trong quá trình kiểm phiếu, Nước Mỹ sẽ phải chờ đến tháng 12 để xác định cán cân tại Thượng viện.

Hội nghị biến đổi khí hậu COP27

Ngày 6/11, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27) đã được tổ chức tại Sharm el-Sheikh, Nam Sinai, Ai Cập.

Hội nghị dự kiến sẽ được tổ chức trong vòng 3 tuần, từ ngày 6 – 18/11/2022, với sự tham gia của đại biểu từ gần 200 nước trên thế giới, trong đó có khoảng 120 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ cùng với hơn 40.000 đại biểu khác.

Bên cạnh các hoạt động theo quy định của Công ước, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris, nước chủ nhà Ai Cập đưa ra chương trình nghị sự gồm 4 chủ đề chính, bao gồm tài chính khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổn thất và thiệt hại, nâng tham vọng hành động khí hậu.

COP27 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang cùng lúc chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng từ đói nghèo, giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng vọt. Thực trạng này càng trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của các hình thái thời tiết cực đoan.

Trong khuôn khổ các hoạt động của COP27, nhiều số liệu đáng ngại về tình hình khí hậu thế giới đã được tiết lộ. Cụ thể, trong vòng 12 tháng qua, khoảng 96% dân số trái đất (7,6 tỷ người) đã cảm nhận rõ tác động của tình trạng trái đất nóng lên. Trong đó, ít nhất 27,7 triệu trẻ em phải chịu ảnh hưởng từ các thảm hoạ liên quan tới biến đổi khí hậu trong năm nay, khoảng 15.000 người đã tử vong vì nắng nóng.

Ước tính, các quốc gia đang phát triển và mới nổi, trừ Trung Quốc, sẽ cần khoảng 2.000 tỷ USD/năm để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và giảm phát thải nhà kính trong giai đoạn từ nay tới năm 2030.

Nếu tình trạng trái đất nóng lên vẫn tiếp diễn vào năm 2050, mỗi quốc gia sẽ cần khoảng 1.000 tỷ USD để thích ứng.

Khoảng 4.000 – 7.000 tỷ USD là số tiền cần thiết để thế giới thực hiện quá trình chuyển đổi phát triển bền vững và đáp ứng các mục tiêu của Thoả thuận Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Ngày 11/11, các nước chiếm hơn một nửa nền kinh tế thế giới đã đề ra các bước cụ thể mà họ sẽ thực hiện nhằm đẩy nhanh việc giảm khí thải trong nhiều lĩnh vực sản xuất. Các quốc gia, trong đó có Đức, Nhật Bản và Canada, ủng hộ kế hoạch gồm 25 “Hành động ưu tiên” dự kiến sẽ được công bố tại hội nghị COP28 diễn ra ở Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) vào năm tới.

Mỹ huỷ bỏ tư cách kinh tế thị trường của Nga

Ngày 10/11, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố huỷ bỏ quy chế nền kinh tế thị trường của Nga. Quyết định được đưa ra do nghi ngờ sự can thiệp sâu của chính quyền Moscow vào nền kinh tế có ảnh hưởng tới việc bán phá giá các mặt hàng xuất khẩu của Nga sang Mỹ.

"Quyết định này mang lại cho Mỹ khả năng áp dụng toàn bộ luật chống bán phá giá để giải quyết những biến dạng thị trường gây ra bởi sự can thiệp ngày càng tăng từ chính phủ Nga vào nền kinh tế của họ", Bộ Thương mại Mỹ cho biết.

Washington đã cấp cho Nga quy chế kinh tế thị trường vào năm 2002, một bước quan trọng để Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2012.

Năm ngoái, Phòng Thương mại Mỹ tại Nga cho biết Moscow sẽ có thể thách thức bất kỳ quyết định nào của Mỹ nhằm tước bỏ quy chế kinh tế thị trường của Nga tại WTO.

Tuy nhiên, quan hệ của Moscow với phương Tây đã xấu đi đáng kể từ khi chiến sự Nga – Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022, khi Mỹ cùng với các nước phương Tây khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt rộng rãi nhằm cắt đứt các “huyết mạch” kinh tế Moscow.

Trước động thái mới từ Washington, đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã đưa ra lập trường chính thức của Moscow.

Trong một tuyên bố, được đăng trên kênh Telegram chính thức của Đại sứ quán Nga, đại sứ cho rằng quyết định tước bỏ quy chế kinh tế thị trường là một tuyên bố “phi lý” của chính quyền Mỹ.

Sàn tiền điện tử lớn thứ 3 thế giới phá sản

Theo thông báo được đưa ra trên trang Twitter của FTX hôm 11/11, công ty đã đệ đơn xin phá sản theo Chương 11 ở Mỹ. Giám đốc điều hành Sam Bankman-Fried cũng đã từ chức, được thay thế bởi John J. Ray III, mặc dù người đứng đầu sắp mãn nhiệm sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi.

Phá sản theo Chương 11 cho phép một công ty đưa ra kế hoạch tự tổ chức lại và duy trì hoạt động kinh doanh của mình trong khi hoạt động để trả nợ cho các chủ nợ.

Thông báo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi FTX vướng phải vấn đề thanh khoản nghiêm trọng khiến công ty không thể xử lý, đặc biệt sau khi Binance từ bỏ thương vụ mua lại.

Theo nhiều nguồn tin, ông Bankman-Fried đã vận dụng các mối quan hệ để huy động 9,4 tỷ USD từ các nhà đầu tư và đối thủ nhưng không thành.

Việc nộp đơn phá sản là một bước ngoặt đáng kinh ngạc đối với sàn giao dịch tiền điện tử, từng được báo cáo là trị giá 32 tỷ USD và được coi là bộ mặt của ngành công nghiệp tiền điện tử nhờ những nỗ lực tiếp thị và quảng cáo rộng lớn.

Sự sụp đổ của FTX cũng đánh dấu sự "đổi vận" đáng kinh ngạc của công ty và người sáng lập Sam Bankman-Fried, người cho đến nay vẫn được ca ngợi là "hiệp sĩ áo trắng" và được so sánh với tỷ phú Warren Buffett.

Các phương tiện truyền thông đã đưa tin Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch và Bộ Tư pháp hiện đang điều tra FTX.

Sự sụp đổ của sàn tiền số thứ 3 thế giới không chỉ làm dấy lên lo ngại về tương lai của các công ty nhỏ hơn, mà còn khiến các nhà đầu tư lo ngại về tương lai của ngành công nghiệp tiền điện tử, vốn đã phải đối mặt với vô vàn sóng gió trong năm nay.

Tình hình dịch Covid-19 thế giới

Theo trang worldometers.info, tính tới ngày 12/11, toàn thế giới đã ghi nhận gần 640 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó 619,5 triệu ca đã hồi phục và 6,6 triệu ca tử vong.

Trong vòng 7 ngày qua, tổng số ca nhiễm mới được ghi nhận là 2,2 triệu ca, giảm nhẹ 0,9% so với tuần trước đó. Các quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới hàng đầu thế giới tiếp tục có sự góp mặt của những gương mặt quen thuộc, bao gồm Nhật Bản (495,953 ca), Hàn Quốc (330,838 ca) và Mỹ (211,969 ca).

Đáng chú ý, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 dường như đang có xu hướng tăng trở lại tại một số khu vực, đặc biệt ở châu Á (+12%), Nam Mỹ (+74%) và châu Đại Dương (+14%).

Trong tuần qua, châu Á là khu vực duy nhất ghi nhận trên 1,1 triệu ca nhiễm mới, trong khi số ca tại châu Âu tiếp tục giảm xuống dưới ngưỡng 800.000 ca.

Các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia đều ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao trong tuần. Đặc biệt, ngay tại quốc gia chống dịch kiên trì nhất thế giới là Trung Quốc, có thời điểm ghi nhận trên 10.000 ca/ngày, mức kỷ lục từng được ghi nhận lần cuối vào tháng 4 năm nay.

Tuy nhiên, giới chức Bắc Kinh hôm 11/11 thông báo nới lỏng một số hạn chế liên quan đến phòng dịch Covid-19, theo đó rút ngắn thời gian cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần và người nhập cảnh, đồng thời bãi bỏ biện pháp phạt các hãng hàng không chở hành khách nhiễm bệnh.

Theo quy định mới, thời gian cách ly đối với những trường hợp tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 sẽ giảm xuống 5 ngày tại các cơ sở cách ly tập trung và 3 ngày theo dõi tại nhà, so với quy định trước đây cách ly tập trung 7 ngày và theo dõi tại nhà 3 ngày. Việc rút ngắn thời gian cách ly tương tự cũng được áp dụng đối với những người nhập cảnh Trung Quốc.

Xem thêm >> 'Ông Trump sẽ tranh cử tổng thống Mỹ lần 3'

Cùng chuyên mục
Tin khác