Thế giới tuần qua: ECB tăng lãi suất lên mức lịch sử, Nga hành động 'trả đũa' Ukraine

Quỳnh Anh - 30/10/2022 08:32 (GMT+7)

(VNF) - Đầu tuần này, nước Anh một lần nữa tìm được lãnh đạo mới là Thủ tướng Rishi Sunak. Trong khi đó, tại châu Âu, ngân hàng trung ương ECB đã tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm, còn Nga mới đây đã quyết định đình chỉ thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc để "trả đũa" hành động tấn công Crimea của Ukraine.

VNF
Tại châu Á, tai nạn giẫm đạp xảy ra tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) là tin tức gây chú ý vào cuối tuần.

Ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng Anh

Ngày 24/10, chỉ 4 ngày sau khi bà Liz Truss từ chức, nước Anh đã tìm được tân Thủ tướng là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak. Do các đối thủ “nặng ký” là cựu Thủ tướng Boris Johnson và Thủ lĩnh Hạ viện Penny Mordaunt lần lượt tuyên bố từ bỏ tranh cử, đảng Bảo thủ đã nhanh chóng tìm ra lãnh đạo mới mà không cần công bố số phiếu bầu cho mỗi ứng cử viên cũng như tổ chức bầu cử trong Đảng.

Ông Rishi Sunak là Thủ tướng da màu đầu tiên của Vương quốc Anh, đảm nhận nhiệm vụ chèo lái con thuyền Anh khi mới 42 tuổi.

Chỉ một ngày sau khi chính thức trở thành Thủ tướng, ông Rishi Sunak đã kiện toàn bộ máy Nội các với các nhân vật chủ chốt, bao gồm: Bộ trưởng tài chính Jeremy Hunt, người đã đảo ngược phần lớn gói "Ngân sách ngắn hạn" khiến thị trường hỗn loạn của bà Truss; Ngoại trưởng James Cleverly; Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace, Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman, người mới từ chức tuần trước; Bộ trưởng Kinh doanh và năng lượng Grant Shapps; Bộ trưởng Giao thông Michael Gove và Bộ trưởng Y tế Steve Barclay.

Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 25/10 tại số 10 phố Downing, tân Thủ tướng cho biết nước Anh đang đối diện khủng hoảng kinh tế sâu sắc và hậu quả của đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, bày tỏ sự biết ơn với cựu Thủ tướng Liz Truss vì những nỗ lực của bà trong thời kỳ khó khăn, nhưng thừa nhận một số chính sách là sai lầm thừa nhận đã có một số sai sót và nhiệm vụ của ông là sửa sai: "Tôi sẽ đặt sự ổn định kinh tế vào trung tâm trong chương trình làm việc của chính phủ".

Theo ông, sẽ có nhiều quyết định khó khăn trước những thách thức hiện tại. Tuy nhiên, ông tuyên bố sẽ không để lại nợ cho thế hệ kế tiếp, và sẽ đoàn kết đất nước bằng hành động.

Tân Thủ tướng cam kết kiểm soát biên giới, môi trường và hỗ trợ lực lượng vũ trang. "Tôi hoàn toàn hiểu được mọi việc khó khăn như thế nào và cần phải khôi phục lòng tin", theo Thủ tướng Sunak. Trong bài phát biểu, ông nhấn mạnh về việc sẽ đặt nhu cầu của nhân dân lên trên chính trị.

ECB tăng lãi suất lên mức lịch sử

Các quan chức của ECB ở Frankfurt (Đức) đã đưa ra mức tăng lãi suất 0,75% lần thứ 2 liên tiếp vào ngày 27/10, đưa lãi suất tiền gửi, vốn đã thấp hơn 0 vào tháng 7, lên mức 1,5%. Đây là mức lãi suất cơ bản cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2009.

“Lạm phát vẫn ở mức quá cao và sẽ ở trên mục tiêu trong một thời gian dài”, theo tuyên bố của ECB hôm 27/10.

Đây là lần thứ 3 ECB tăng lãi suất trong năm nay. Trước đó, ngân hàng trung ương châu Âu đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 7 và 0,75% vào tháng 9.

Mức tăng gấp đôi lãi suất của ECB đã được các nhà kinh tế dự đoán trước, tuy nhiên thông tin công bố chính thức vẫn khiến đồng EUR trượt giá so với đồng USD trong thời gian ngắn trước khi phục hồi nhẹ và làm giảm lợi tức trái phiếu chính phủ châu Âu.

Động thái mới diễn ra khi ECB đang đối phó với lạm phát cao kỷ lục (lạm phát khu vực eurozone tháng 9 là 9,9%) và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, với nhiều nhà kinh tế dự đoán suy thoái trong khu vực trước cuối năm nay. Đây được coi là một sự cân bằng "mong manh" đối với ngân hàng trung ương, vì nếu ECB tăng lãi suất mạnh mẽ trong nỗ lực đối phó với lạm phát, nó có thể gây ra nhiều rắc rối hơn cho nền kinh tế.

Thông qua động thái này, ECB tái khẳng định cam kết giành lại quyền kiểm soát đối với lạm phát giá đang tăng gấp 5 lần so với mục tiêu 2%.

“Hoạt động kinh tế trong khu vực đồng EUR có thể sẽ chậm lại đáng kể trong quý III”, Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát biểu trong một cuộc họp báo, dự báo “khả năng suy thoái cao hơn”.

Khi được hỏi về sự thay đổi trong triển vọng lãi suất của ECB, bà Lagarde cho biết con đường chính xác sẽ được xác định khi các quan chức mở cuộc họp tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.

Nga ngưng thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc để “trả đũa” Ukraine

Hãng tin TASS dẫn thông báo ngày 29/10 của Bộ Quốc phòng Nga cho biết Moskva đã quyết định ngừng việc tham gia thỏa thuận xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp từ các cảng của Ukraine bên bờ Biển Đen sau cuộc tấn công nhằm vào các tàu Nga tại bán đảo Crimea.

Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Liên hợp quốc (LHQ), cùng ngày cho biết cơ quan này đang liên lạc với giới chức Nga sau khi có tin Moskva ngừng việc tham gia thỏa thuận này. Ông Stephane Dujarric nhấn mạnh rằng điều mấu chốt là tất cả các bên kiềm chế không có bất kỳ hành động nào làm phương hại thỏa thuận, một nỗ lực nhân đạo cực kỳ quan trọng đang có tác động tích cực, rõ ràng tới khả năng tiếp cận lương thực của hàng triệu người trên thế giới.

Trước đó cùng ngày, quân đội Nga đã cáo buộc Ukraine tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Moskva ở cảng Sevastopol bên bờ bán đảo Crimea, khiến một trong các tàu của hạm đội này bị hư hại nhẹ.

Trong một diễn biến khác, hãng TASS dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev nói rằng nước này sẵn sàng cung cấp tới 500.000 tấn ngũ cốc cho các nước nghèo trong vòng 4 tháng tới với sự hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó hôm 28/10, Nga cho rằng chỉ có 3% số lương thực xuất khẩu theo thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian đến được các quốc gia nghèo nhất, trong khi các nước phương Tây chiếm một nửa số nông sản rời các cảng của Ukraine bên bờ Biển Đen.

“Thảm hoạ” Halloween tại Hàn Quốc

Tối 29/10, tại khu phố Itaewon, Seoul, Hàn Quốc đã xảy ra một “thảm hoạ” giẫm đạp khi hàng trăm nghìn người quy tụ về khu vực khách sạn Hamilton để dự lễ hội Halloween được tổ chức tại đây. Lễ hội năm nay cũng là sự kiện lớn nhất trong nhiều năm sau khi các hạn chế Covid-19 được nới lỏng trong những tháng gần đây.

Khoảng hơn 10h tối (giờ địa phương), các nhà chức trách đã nhận được rất nhiều cuộc gọi kêu cứu vì bị nghẹt thở. Tổng cộng 848 nhân viên, bao gồm 346 nhân viên cứu hỏa, đã được huy động đến khu vực này.

Trong các hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội cũng như truyền thông địa phương đưa tin, khung cảnh tại Iaewon trở nên hỗn loạn với đám đông dồn ép nhau, một số nạn nhân bị giẫm đạp tử vong nằm la liệt trên mặt đất, trong khi lực lượng chức năng cố gắng sơ cứu, tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) cho những người còn sống sót. Những bệnh nhân nhẹ được vận chuyển trên xe lăn.

Tính tới rạng sáng ngày 30/10, theo cập nhật từ chính phủ Hàn Quốc cũng như nhiều trang tin, số nạn nhân tử vong đã lên tới 149 người, cùng với hơn 150 người bị thương. Hầu hết nạn nhân đều nằm trong độ tuổi từ 20. Cảnh sát Hàn Quốc cũng không loại trừ khả năng số ca tử vong sẽ còn tăng lên.

Thảm họa này là một trong những thảm họa đẫm máu nhất của Hàn Quốc kể từ vụ chìm phà năm 2014 khiến 304 người thiệt mạng, chủ yếu là học sinh trung học.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã chủ trì hai cuộc họp khẩn cấp liên tiếp, ra lệnh cho các quan chức phải nhanh chóng sơ cứu và điều trị những người bị thương, đồng thời chỉ đạo các quan chức điều tra kỹ lưỡng nguyên nhân vụ tai nạn.

Trong khi đó, Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon, người đang có chuyến thăm châu Âu, đã quyết định trở về nhà sau vụ tai nạn, các quan chức thành phố cho biết.

Tình hình dịch Covid-19 thế giới

Tính tới hết ngày 29/10, toàn thế giới có 635,2 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 614 triệu ca đã hồi phục và 6,5 triệu người tử vong.

Trong đó, tuần từ ngày 24 – 29/10 ghi nhận 2,4 triệu ca nhiễm mới trên toàn cầu, giảm 18% so với mức 2,9 triệu ca ghi nhận trong tuần trước. Các khu vực đứng đầu về số ca nhiễm mới là Đức (398,437 ca), Nhật Bản (261,886 ca), và Đài Loan (246,885 ca).

Sau nhiều tuần rơi khỏi top các quốc gia có nhiều ca nhiễm mới, Nhật Bản gây bất ngờ khi trở lại vị trí top 2, với tổng số ca nhiễm mới tăng 12% so với tuần trước.

Xét theo khu vực, châu Âu vẫn là khu vực có số ca nhiễm mới nhiều nhất thế giới trong tuần qua, với 1,1 triệu ca, dù đã giảm tới 31% so với mức 1,6 triệu ca ghi nhận trong tuần trước. Châu Á với 896,479 ca nhiễm mới đã chứng kiến mức tăng nhẹ 3% sau 1 tuần.

Tại các tâm dịch lớn nhất thế giới từ đầu dịch tới nay như Mỹ, Ấn Độ, Pháp, tốc độ lây lan đã dần chậm lại và ngày càng nhiều biện pháp được nới lỏng. Ngược lại, dịch có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc, đất nước vẫn đang tuân thủ nghiêm ngặt chính sách zero-Covid.

Ngày 26/10, tập đoàn công nghệ Foxconn xác nhận rằng nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, ở thành phố Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc, đang đối phó với một đợt bùng phát Covid-19 nhỏ nhưng cho biết hoạt động sản xuất vẫn “tương đối ổn định”.

Ngày 27/10, Trung Quốc báo cáo ngày thứ ba liên tiếp có hơn 1.000 trường hợp Covid-19 mới trên toàn quốc. Con số này dù còn khiêm tốn so với hàng chục nghìn ca mắc mới mỗi ngày khiến thành phố Thượng Hải rơi vào tình trạng bị đóng cửa hoàn toàn vào đầu năm nay nhưng đủ để Trung Quốc kích hoạt thêm nhiều hạn chế phòng dịch tại nhiều khu vực, thành phố trong nước.

Xem thêm >> ‘Thảm hoạ’ Halloween tại phố ăn chơi bậc nhất Hàn Quốc: Hơn 200 người thương vong

Cùng chuyên mục
Tin khác