Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Ngày 6/10, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra gói trừng phạt thứ 8 đối với Nga, phản ứng với việc Moscow sáp nhập 4 khu vực Kherson, Zaporizhie, Donetsk và Luhansk vào lãnh thổ.
Các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào lĩnh vực dầu mỏ, tài chính và công nghệ, nhằm tước đi hàng tỷ EUR doanh thu của Nga, đồng thời cũng được áp dụng lên cả 4 vùng mới được sáp nhập.
Phát biểu với báo chí, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU, ông Josep Borrell cho biết: "Chúng tôi đang tiếp tục nhắm vào nền kinh tế Nga, hạn chế năng lực xuất nhập khẩu của Nga và đang nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga".
Theo đó, gói trừng phạt mới bao gồm biện pháp áp trần giá dầu xuất khẩu của Nga, xiết chặt việc xuất khẩu dầu của Moscow sang các quốc gia thứ 3, “mở rộng danh sách các mặt hàng bị hạn chế có thể góp phần vào việc nâng cao công nghệ và quân sự của Liên bang Nga hoặc cho sự phát triển của lĩnh vực quốc phòng và an ninh”.
Trong gói trừng phạt thứ 8, lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thép có xuất xứ hoặc được xuất khẩu từ Nga được áp dụng. Ngoài ra, các sản phẩm như bột gỗ, giấy, nhựa, các hóa chất trung gian hay mỹ phẩm cũng như các nguyên liệu được sử dụng trong ngành trang sức như đá và kim loại quý, cũng bị áp lệnh hạn chế.
Bên cạnh các lệnh trừng phạt mới, EU cũng đã áp dụng lệnh cấm sâu rộng đối với việc cung cấp dịch vụ tiền điện tử cho người Nga như một phần của vòng trừng phạt thứ 8. Biện pháp trừng phạt mới được tăng cường từ các hạn chế đã được đặt ra hồi tháng 4.
Gói trừng phạt được đưa ra cùng ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin ký các giấy tờ cuối cùng về việc sáp nhập bốn khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhie của Ukraine.
"Hội đồng châu Âu quyết định, kể từ hôm nay, phạm vi địa lý của các hạn chế được đưa ra vào ngày 23/2, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng hóa từ các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Donetsk và Luhansk, sẽ được mở rộng tới cả Zaporizhzhia và Kherson," tuyên bố của Hội đồng châu Âu cho hay.
Sáng 8/10, một vụ nổ lớn đã xảy ra trên cầu Kerch nối phần đất liền của Nga với bán đảo Crimea, làm sập một phần mặt cầu trên làn dành cho xe cơ giới, đồng thời gây ra một đám cháy lớn trên một tàu chở hàng ở phần đường sắt song song với 7 bồn chứa nhiên liệu bắt lửa.
"Theo dữ liệu sơ bộ, một xe ô tô có bồn chứa nhiên liệu đã bốc cháy tại một khúc trên cầu Crimea nhưng vòm chịu lực không bị hư hại", theo Ủy ban chống khủng bố của Nga.
Đám cháy đã được dập tắt và cơ quan chức năng đang đánh giá thiệt hại do vụ nổ gây ra. Giao thông bị đình trệ trên cả hai phần đường bộ và đường sắt của cây cầu. 3 người được ghi nhận đã thiệt mạng.
Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia Nga cho biết cây cầu Kerch đã bị hư hại do một vụ đánh bom bằng xe tải.
Người phát ngôn của Ban quản lý đường cao tốc liên bang Nga cho biết nước này đã đình chỉ hoạt động lưu thông qua cầu Kerch sau sự cố. Hiện chưa có dự báo nào về việc khôi phục hoạt động của cầu Crimea.
Uỷ ban Điều tra Nga thông báo đã mở cuộc điều tra hình sự về vụ nổ. Giới chức Crimea cho biết dịch vụ phà sẽ được cung cấp trong khi cây cầu được sửa chữa.
Cây cầu Kerch dài 19 km, bắc qua eo biển Kerch và nối Crimea với lục địa Nga, bao gồm một phần dành cho đường sắt và một phần cho các phương tiện ô tô, là cây cầu dài nhất châu Âu và được Moscow ca ngợi là “công trình thế kỷ”, trở thành biểu tượng cho sự thống nhất của bán đảo Crimea với Nga. Trong cuộc xung đột với Kiev, Moscow sử dụng cây cầu này để vận chuyển xe bọc thép và các khí tài quân sự khác.
Vụ tấn công xảy ra chỉ 1 ngày sau sinh nhật 70 tuổi của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo một số phương tiện truyền thông, thời điểm sau khi cây cầu phát nổ, ghi nhận những tiếng hát chúc mừng sinh nhật ông Putin đầy vui vẻ. Theo RT, trong ngày 8/10, ông Mikhail Podoliak - cố vấn Tổng thống Ukraine tuyên bố, "vụ nổ làm rung chuyển cầu ở Crimea chỉ là khởi đầu". Trước đó, các quan chức Ukraine đã nhiều lần tuyên bố sẽ tấn công cầu Kerch.
Sáng sớm 4/10, theo truyền thông châu Á, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung vào lúc 7h sáng, tên lửa đạt tầm cao 1.000km, bay được quãng đường 4.600km trong 22 phút, bay qua vùng Aomori của Nhật Bản trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.
Vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng qua Nhật Bản là lần phóng đầu tiên kể từ năm 2017, mặc dù nước này đã thực hiện khoảng 23 vụ phóng kể từ đầu năm. Bình Nhưỡng cũng không cảnh báo trước cho Tokyo, và cư dân khu vực phía Bắc Nhật Bản thức giấc vào sáng sớm 4/10 khi tiếng còi báo động vang lên cảnh báo về vụ phóng tên lửa.
Việc Triều Tiên tăng cường thử nghiệm vũ khí là phù hợp với kế hoạch 5 năm của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đầu năm nay, ông Kim tuyên bố sẽ “củng cố và phát triển” chương trình vũ khí và hạt nhân của Triều Tiên với tốc độ “cao nhất có thể”.
Theo một số chuyên gia, Triều Tiên thường phóng tên lửa lên tầm cao để nó sau đó rơi xuống vùng biển giữa nước này và Nhật Bản, tránh đe dọa an ninh các nước láng giềng. Việc phóng một quả tên lửa qua Nhật Bản có thể là vì mục đích chính trị.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lên án vụ thử của Triều Tiên bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất. Liên minh châu Âu gọi đây là một "hành động liều lĩnh và có chủ ý khiêu khích".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lên án vụ phóng này và cho rằng nó vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Sau vụ phóng tên lửa ngày 4/10, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận trên không, trên biển và trên bộ ở vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên để đáp trả.
Sáng 5/10, Hàn Quốc và Mỹ đã phóng bốn tên lửa đất đối đất ra vùng biển phía Đông trong khuôn khổ một cuộc tập trận chung.
Đến ngày 6/10, hải quân ba nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành thêm một cuộc tập trận hải quân chung với sự tham gia của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu khu trục lớp Sejong của Hàn Quốc và tàu khu trục Chokai của Nhật Bản.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm 4/10, tổng nợ quốc gia của Mỹ đã lần đầu vượt mức 31.000 tỷ USD, tiến gần hơn đến mức trần theo luật định là khoảng 31.400 tỷ USD.
Cụ thể, chính phủ Mỹ nợ tổng cộng hơn 31.100 tỷ USD tính đến ngày 3/10. Hầu hết các khoản nợ được nắm giữ bởi tư nhân, với khoảng 24.000 tỷ USD, trong khi các khoản nợ cho các chính phủ nước ngoài lên tới gần 7.000 tỷ USD.
Số nợ này là một đòn giáng nữa vào nền kinh tế hiện đang đối mặt với lạm phát cao, lãi suất tăng và USD tăng mạnh.
Thời điểm Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, khoản nợ công của Mỹ ở mức 27.750 tỷ USD. Trước đó, vào thời điểm cựu Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền năm 2017, nợ công mới ở mức 19.940 tỷ USD.
“Chỉ 5 năm trước, nợ quốc gia mới đạt mức 21.000 tỷ USD”, đảng viên Đảng Cộng hoà Chip Roy than thở trên Twitter sau khi tin tức được đưa ra.
Nợ công của Mỹ được cho là bùng nổ kể từ thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện, khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng cường in tiền để đối phó với dịch bệnh.
Ông Owen Zidar, một nhà kinh tế của Princeton, cho biết việc Fed liên tục tăng lãi suất trong năm nay sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề nợ đang gia tăng của quốc gia và khiến bản thân khoản nợ đó trở nên đắt đỏ hơn.
Hồi đầu năm, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ đã công bố một báo cáo về gánh nặng nợ của nước này, cảnh báo trong triển vọng 30 năm rằng nếu không được giải quyết, khoản nợ sẽ sớm tăng lên mức cao mới có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.
Tại cuộc họp ở Vienna (Áo) hôm 5/10, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã quyết định cắt giảm mạnh sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày (bpd) kể từ tháng 11.
Nhà lãnh đạo trên thực tế của OPEC là Arab Saudi cho biết việc cắt giảm sản lượng tương đương 2% nguồn cung toàn cầu là cần thiết để đối phó với việc phương Tây tăng lãi suất và nền kinh tế toàn cầu suy yếu hơn.
Động thái mới nhất của OPEC thể hiện sự đảo ngược lớn trong chính sách sản xuất của liên minh dầu mỏ, vốn đã cắt giảm sản lượng kỷ lục 10 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2020 khi nhu cầu giảm mạnh do đại dịch Covid-19.
Giá dầu đã giảm xuống khoảng 80 USD/thùng từ hơn 120 USD vào đầu tháng 6 trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về triển vọng suy thoái kinh tế toàn cầu.
Việc cắt giảm sản lượng cho tháng 11 là một nỗ lực để đảo ngược đà trượt này, bất chấp áp lực lặp đi lặp lại từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi OPEC+ bơm thêm dầu để giảm giá nhiên liệu trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.
Phản ứng trước việc OPEC+ cắt giảm mạnh sản lượng, đại diện Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đánh giá đây là quyết định ‘thiển cận”, chỉ trích Arab Saudi “cấu kết” với Nga khiến giá dầu tăng.
Chỉ 1 ngày sau quyết định của nhóm các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, chính quyền Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ bán ra 10 triệu thùng dầu từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) vào tháng 11, đồng thời sẽ tiếp tục xem xét việc xả thêm dầu một cách phù hợp “nhằm bảo vệ người tiêu dùng Mỹ và thúc đẩy an ninh năng lượng”.
Theo báo cáo được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày 23/9, dự trữ xăng dầu chiến lược của Mỹ đã giảm xuống 427,2 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 1984 cho đến nay. Dữ liệu chính thức cho thấy từ đầu năm đến nay, SPR đã giải phóng khoảng 155 triệu thùng dầu.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo 180 triệu thùng dầu thô từ các kho dự trữ của SPR sẽ được xuất ra thị trường vào cuối tháng 3 trong nỗ lực kiềm chế giá nhiên liệu tăng và sự gián đoạn nguồn cung liên quan đến xuất khẩu dầu của Nga ra thị trường toàn cầu trong bối cảnh xung đột diễn ra ở Ukraine.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ bán khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong vòng 6 tháng. Các nhà phân tích cho hay khối lượng này cao hơn gấp ba lần so với bất kỳ lần xả kho nào trước đây của SPR.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 8/10, toàn thế giới hiện có 626 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó 605 triệu ca đã hồi phục và 6,5 triệu ca tử vong.
Số ca nhiễm mới được ghi nhận trong 7 ngày vừa qua (3 – 8/10) là khoảng 3 triệu ca, giảm 5% so với tuần trước đó. Các quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới hàng đầu trong tuần lần lượt là Đức (khoảng 562.000 ca), Pháp (375.000 ca) và Đài Loan (321.000 ca). Italy với khoảng 270.000 ca nhiễm là quốc gia đứng thứ 4 về số ca nhiễm mới.
Trong số top 4 quốc gia có số ca nhiễm mới hàng đầu, 3 quốc gia châu Âu là Đức, Pháp, Italy đều có tỷ lệ ca nhiễm mới hơn 20%, trong khi Đài Loan có tỷ lệ tăng là 11%.
Xét về châu lục, châu Âu có tổng số ca ghi nhận trong tuần là hơn 1,7 triệu ca, trong khi châu Á ghi nhận số ca nhiễm dưới 1 triệu lần đầu tiên trong nhiều tuần. Châu Âu cũng là khu vực duy nhất chứng kiến mức tăng so với tuần trước, chứng tỏ dịch bệnh đang có xu hướng tăng trưởng trở lại tại khu vực này.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 5/10 vừa qua, số ca nhiễm mới ở châu Âu trong tuần trước là 1,5 triệu ca, tăng 8% so với tuần trước đó dù số lượt xét nghiệm giảm mạnh. Số ca nhập viện ở nhiều nước EU cũng như ở Anh cũng tăng lên trong những tuần gần đây.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết số liều vaccine được tiêm chủng hằng tuần trong tháng 9 vừa qua tại EU chỉ từ 1 - 1,4 triệu liều, ít hơn rất nhiều so với khoảng từ 6 - 10 triệu liều/tuần ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái, ngay cả khi EU đầu tháng trước đã cấp phép cho 2 loại vaccine tăng cường ngừa Covid-19 được điều chỉnh để chống lại các dòng phụ của biến thể Omicron là BA.1, BA.4 và BA.5.
Ngày 7/10, Canada đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa Covid-19 được điều chỉnh của hãng Pfizer/BioNTech làm mũi tăng cường chống lại các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron. Trong khi đó, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cũng cấp phép tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 4 tuổi trong tuần qua. Đây là vaccine đầu tiên dành cho nhóm tuổi này được cấp phép ở Nhật Bản.
Xem thêm >> Nổ lớn trên cầu Crimea đúng dịp sinh nhật Tổng thống Nga Putin
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.