EU tung gói trừng phạt mới lên Nga, áp lên cả 4 vùng lãnh thổ Ukraine mới sáp nhập

Hạnh Nguyễn - 07/10/2022 09:27 (GMT+7)

(VNF) - Gói trừng phạt thứ 8 của Liên minh châu Âu (EU) nhằm tước đi doanh thu hàng tỷ euro của Moscow và mở rộng phạm vi áp dụng lên cả 4 vùng lãnh thổ Ukraine vừa sáp nhập vào Nga.

VNF
EU thông qua gói trừng phạt thứ 8 đối với Nga.

EU mới đây đã đưa ra gói trừng phạt thứ 8 đối với Nga, là cơ sở để áp giá trần đối với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga.

Gói trừng phạt này cũng hạn chế hơn nữa việc vận chuyển dầu thô cũng như các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga sang các nước thứ 3 mà không ảnh hưởng đến các trường hợp ngoại lệ cho phép một số nước thành viên EU tiếp tục nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga bằng đường ống.

Phát biểu với báo chí, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU, ông Josep Borrell cho biết: "Chúng tôi đang tiếp tục nhắm vào nền kinh tế Nga, hạn chế năng lực xuất nhập khẩu của Nga và đang nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga".

Gói trừng phạt thứ 8 “mở rộng danh sách các mặt hàng bị hạn chế có thể góp phần vào việc nâng cao công nghệ và quân sự của Liên bang Nga hoặc cho sự phát triển của lĩnh vực quốc phòng và an ninh”.

Theo đó, lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thép có xuất xứ hoặc được xuất khẩu từ Nga được áp dụng. Ngoài ra, các sản phẩm như bột gỗ, giấy, nhựa, các hóa chất trung gian hay mỹ phẩm cũng như các nguyên liệu được sử dụng trong ngành trang sức như đá và kim loại quý, cũng bị áp lệnh hạn chế.

Các biện pháp trừng phạt cũng nhằm vào nhiều cá nhân hơn bao gồm các quan chức cấp cao tại Bộ Quốc phòng Nga, những người liên quan đến cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý của Moscow tại 4 khu vực Ukraine vừa sáp nhập vào Nga, thực thể hoặc cơ quan thuộc sở hữu nhà nước của Nga.

Gói trừng phạt được đưa ra cùng ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin ký các giấy tờ cuối cùng về việc sáp nhập bốn khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye của Ukraine.

"Hội đồng châu Âu quyết định, kể từ hôm nay, phạm vi địa lý của các hạn chế được đưa ra vào ngày 23/2 - bao gồm lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng hóa từ các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Donetsk và Luhansk, sẽ được mở rộng tới cả Zaporizhzhia và Kherson," tuyên bố của Hội đồng châu Âu cho hay.

Trong khi đó, đại sứ Ba Lan tại EU, ông Andrzej Sados cho biết: “Gói này có thể mạnh hơn nhiều, nhưng do chúng tôi cần sự nhất trí của các thành viên nên hạn chế phần nào. Điều quan trọng là chúng ta đã có phản ứng mạnh mẽ đối với các bước đi mới nhất của Nga”.

Mặt khác, giới hạn của EU đã khiến một số nước thành viên quan ngại về việc đảm bảo các loại nguồn cung khó khăn hơn. Có thể thấy, mặc dù các hạn chế của EU có tác động tới nền kinh tế Nga nhưng cũng gây ảnh hưởng ngược lại đối với chính EU, đặc biệt là vấn đề nhiên liệu.

Xem thêm >> Lạm phát 'bóp nghẹt' đất nước, Philippines tuyên bố cần Nga để đa dạng hoá chuỗi cung ứng

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác