Thế hệ doanh nhân thứ hai tại Trung Quốc: Đối mặt cuộc 'khủng hoảng' kế thừa
(VNF) - Khi thế hệ doanh nhân đầu tiên của Trung Quốc đến tuổi già, một cuộc "khủng hoảng" kế thừa đang diễn ra, khi thế hệ con cái của những ông trùm này bắt đầu "chèo lái" doanh nghiệp trong một bối cảnh kinh doanh hoàn toàn mới.
Khi Zong Qinghou (Tông Khánh Hậu) – người từng là người giàu nhất Trung Quốc – qua đời vào tháng 2 năm nay ở tuổi 79, cuộc chiến giành quyền tiếp quản Tập đoàn Wahaha Hàng Châu của ông nhanh chóng trở thành một câu chuyện kịch tính, được cho là có thể so sánh với loạt phim Succession do HBO sản xuất.
Là con gái duy nhất của ông Zong, cô Kelly Zong Fuli thừa hưởng khối tài sản trị giá hàng tỷ USD của cha mình, trở thành người phụ nữ giàu nhất đất nước chỉ sau một đêm.
Nhưng việc giành quyền kiểm soát đế chế thực phẩm và đồ uống rộng lớn mà ông Zong đã xây dựng từ đầu không hề đơn giản.
Cô Kelly Zong buộc phải chống lại những thách thức từ những nhân vật khác trong Wahaha, trong một cuộc đấu tranh đầy những diễn biến bất ngờ khiến công chúng phải "đoán già đoán non" trong nhiều tuần.
Cảnh tượng này đã làm sáng tỏ cuộc khủng hoảng đang rình rập các triều đại kinh doanh của Trung Quốc: Thế hệ đầu tiên của các doanh nhân trong nước đã đến tuổi già, và con cái của họ đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là tiếp quản công việc của cha mẹ - điều hành một số công ty thành công nhất trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"Bài toán khó" cho những người kế nhiệm
Theo khảo sát của một hiệp hội nghiên cứu thuộc Liên đoàn Công thương toàn Trung Quốc, từ năm 2017 đến năm 2022, khoảng 3/4 các công ty gia đình của nước này gặp các vấn đề về kế nhiệm.
Trong số này, nhiều công ty có bề dày lịch sử nhất của Trung Quốc. Hơn 80% doanh nhân trong danh sách New Fortune 500 Rich List năm 2022 - bảng xếp hạng những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao nhất của đất nước - ở độ tuổi 50 trở lên, trong khi 31% đã trên 60 tuổi, 11% trên 70 tuổi.
Kết quả là, sự chú ý đổ dồn vào con cái của những người sáng lập lớn tuổi này, thường được gọi là "doanh nhân thế hệ thứ hai". Bởi lẽ, họ được coi là người thừa kế tự nhiên của doanh nghiệp gia đình sau khi cha mẹ họ rời doanh nghiệp hoặc qua đời.
“Theo quan niệm truyền thống của người Trung Quốc, việc truyền lại công việc kinh doanh của gia đình từ cha sang con được coi là điều tự nhiên”, Chen Gong, người sáng lập tổ chức tư vấn chính sách Anbound có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết.
Nhưng việc tiếp quản những "đế chế" lâu đời như vậy không hề dễ dàng. Những doanh nhân thế hệ thứ hai không chỉ phải đấu tranh quyết liệt để giành được sự ủng hộ của các nhà đầu tư và giám đốc điều hành trong bộ máy; họ còn cần phải phát triển một chiến lược để dẫn dắt công ty vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc.
Lấy ví dụ với việc tiếp quản Wahaha của cô Kelly Zong, việc thiết lập quyền kiểm soát tại doanh nghiệp mà cha cô gây dựng cũng đã tạo nên một cuộc đấu tranh. Mặc dù Zong Qinghou đã xây dựng công ty từ một nhà phân phối nước đóng chai địa phương thành một công ty khổng lồ, nhưng ông đã không còn là chủ sở hữu đa số từ lâu.
Vào thời điểm ông qua đời, 46% của Tập đoàn Wahaha Hàng Châu được cho là do các tổ chức nhà nước tại thành phố Hàng Châu, miền đông Trung Quốc nắm giữ, 24,6% do một quỹ tín thác sở hữu của nhân viên nắm giữ và chỉ 29,4% do bản thân ông Zong nắm giữ.
Là người thừa kế duy nhất được nêu tên, cô Kelly Zong có quyền thừa kế vốn chủ sở hữu của cha mình. Nhưng điều này không có nghĩa là cô ấy tự động có được quyền quản lý công ty.
“Theo Luật Công ty mới, các vấn đề thông thường cần được sự chấp thuận của các cổ đông đại diện cho hơn 50% quyền biểu quyết. Do đó, ngay cả khi Kelly Zong thừa kế cổ phần của Zong tại Wahaha, cô vẫn không đạt được đa số 51% cần thiết để kiểm soát và quản lý tập đoàn”, một công ty tư vấn luật cho biết.
Kết quả là một cuộc đối đầu căng thẳng giữa Kelly Zong và các cổ đông lớn khác của Wahaha đã nổ ra, khiến cô phải từ chức tổng giám đốc công ty trong một thời gian ngắn trước khi được phục chức.
Cô Zong cũng không phải là đứa con duy nhất của một ông trùm Trung Quốc khao khát thoát khỏi cái bóng của cha mẹ. Nhiều doanh nhân thế hệ thứ hai của Trung Quốc cũng phải đối mặt với những tình huống tương tự khi họ cố gắng chứng minh bản thân dưới cái nhìn khắt khe của công chúng.
Khó khăn kinh tế khiến bài toán thêm "bế tắc"
Làn sóng chuyển đổi "thuyền trưởng" này đang trở nên khó khăn hơn do sự suy thoái kinh tế trên diện rộng, đáng chú ý nhất là sự suy thoái kéo dài trên thị trường bất động sản.
Tại thời điểm này, lợi thế mà những người thừa kế trẻ có được là khả năng nắm bắt thông tin nhanh nhạy hơn.
Nếu chỉ so về bối cảnh, rõ ràng thế hệ cha mẹ của họ đã phát triển công ty trong bối cảnh hoàn toàn khác. Trong những năm 2000 và đầu những năm 2010, các doanh nghiệp tư nhân đã tận dụng sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc để phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất, bất động sản, internet và hàng tiêu dùng.
Nhưng giờ đây, những phát kiến mới như công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo, đã tạo thành bối cảnh kinh doanh mới, trong khi những lĩnh vực mới đã dần tiến tới giai đoạn bão hoà.
Đối với nhiều người trong thế hệ mới này, đây không chỉ là sự chuyển giao quyền lực. Họ cũng phải điều hướng một môi trường kinh doanh hoàn toàn mới khi tốc độ tăng trưởng chậm lại, các làn sóng quy định đã thay đổi và những thay đổi trong cơ cấu công nghiệp đòi hỏi phải hiện đại hóa sâu hơn và nhanh hơn.
Tự chọn lối đi riêng thay vì kế nghiệp gia đình
Chen Gong, người sáng lập tổ chức tư vấn chính sách Anbound, cho biết các doanh nhân thế hệ thứ hai thường có quan điểm khác biệt cơ bản so với cha mẹ họ, những người lớn lên trong cảnh nghèo khó và thường tự xây dựng công ty từ con số 0.
“Đối với những doanh nhân thế hệ đầu tiên, tình yêu của họ dành cho doanh nghiệp giống như tình yêu của một người cha dành cho con hoặc một người chồng dành cho vợ. Tình yêu sâu sắc này thúc đẩy họ cống hiến cả cuộc đời để tạo ra, quản lý và nuôi dưỡng doanh nghiệp của mình”, ông Chen giải thích.
Nhưng con cái của họ đã được hưởng một cuộc sống đặc quyền hơn nhiều. Trong một số trường hợp, họ không muốn tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình, ông Chen cho biết thêm, vì áp lực khi lãnh đạo một công ty lớn không hề hấp dẫn.
He Jianfeng, con trai của He Xiangjian – người sáng lập ra nhà sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu Trung Quốc Midea – đã tự mình khởi nghiệp bằng cách thành lập một công ty đầu tư. Nhưng dự án này chẳng thấm vào đâu so với tập đoàn khổng lồ của cha ông, được định giá khoảng 420 tỷ NDT (59 tỷ USD).
Với He Xiangjian hiện đã ngoài 80 tuổi, đã có nhiều đồn đoán về tương lai của Midea. Trong khi đó, người con trai He Jianfeng đã bị loại khỏi hội đồng quản trị của công ty vào tháng 6 và đã phải đối mặt với những thất bại trong các khoản đầu tư của mình.
Vương Tư Thông, con trai duy nhất của ông trùm bất động sản Vương Kiến Lâm, cũng gặp phải trở ngại khi theo đuổi con đường riêng của mình. Sinh năm 1988, anh đã theo đuổi một chiến lược đầu tư hoàn toàn khác biệt so với cha mình, người có Tập đoàn Wanda hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thương mại, giải trí và thể thao.
Thông qua công ty cổ phần tư nhân Prometheus Capital, Vương Tư Thông đã đầu tư hơn 3 tỷ NDT vào các lĩnh vực mới nổi như thể thao điện tử và phát trực tiếp. Những dự án này đã mang lại cho anh một lượng người theo dõi đông đảo trong giới trẻ Trung Quốc, với đội thể thao điện tử chuyên nghiệp IG của anh đã giành chức vô địch Liên minh huyền thoại thế giới năm 2018.
Tuy nhiên, một loạt các vụ phá sản đã đẩy Prometheus Capital vào cuộc khủng hoảng nợ vào năm 2020, khiến nhiều người nghi ngờ về sự nhạy bén trong kinh doanh của Vương. Hiện tại, Vương Tư Thông vẫn là một nhà đầu tư tích cực, nhưng dường như vẫn đang tìm kiếm sự cân bằng phù hợp giữa mô hình kinh doanh truyền thống của gia đình và khuynh hướng kinh doanh của riêng mình.
Easton Li, 28 tuổi, chưa bao giờ quan tâm đến công việc kinh doanh du lịch văn hóa của cha mình. Khi còn là thiếu niên, anh đã chuyển ra nước ngoài để học trung học và mơ ước trở thành một rapper, lên án sự bất công của thế giới.
Anh bắt đầu làm việc tại công ty vào năm 2020, quản lý tài chính của công ty khi tình trạng bệnh thận mãn tính của cha anh trở nên trầm trọng hơn.
Đến năm 2022, Li trở thành tổng giám đốc của một công ty có doanh thu hàng năm lên tới hàng triệu NDT. Tất cả diễn ra trong thời điểm ngành du lịch đang ở giai đoạn khó khăn, khi các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt khiến du lịch bị đình trệ.
Tuy nhiên, Li vẫn cảm thấy không được sẵn sàng cho những vai trò mới của mình. Nền giáo dục đắt đỏ ở nước ngoài của anh chẳng có mấy tác dụng; thực tế, trong thế giới kinh doanh gắn kết chặt chẽ mà anh đã bước vào, nó thường khiến anh trở thành người ngoài cuộc.
Li cho biết: “Bối cảnh xã hội Trung Quốc, với mọi kỳ vọng xung quanh các mối quan hệ và tương tác tinh tế, khiến tôi cảm thấy hoàn toàn xa lạ. Không chỉ là sự thay đổi thông thường từ trường học sang nơi làm việc; bản tính thẳng thắn của tôi, được hình thành từ nền giáo dục phương Tây, khiến tôi gặp khó khăn trong việc hòa nhập lúc đầu”.
Trải nghiệm khổ sai tại Trung Quốc: Chi 7 USD thành tù nhân lưu đày
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.