Thị trường vật liệu xây dựng lên giá: Xi măng gặp khó vì than

Lê Ngà - 03/06/2022 22:00 (GMT+7)

(VNF) - Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là than, đã làm tăng giá thành sản xuất xi măng.

VNF
Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là than, đã làm tăng giá thành sản xuất xi măng.

Xi măng trong nước đồng loạt tăng giá

Than là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, thường chiếm khoảng 35% - 40% giá thành sản xuất xi măng. Hiện nay, gần hai phần ba lượng than phải nhập khẩu khiến giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam leo thang.

Để ổn định sản xuất, đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, một số doanh nghiệp sản xuất xi măng đã thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm xi măng bao và xi măng rời ngay từ đầu tháng 5/2022.

Cụ thể, từ ngày 6/5, Xí nghiệp tiêu thụ xi măng Vicem Bút Sơn cho biết sẽ tăng giá bán các sản phẩm như: xi măng bao dân dụng PCB30, PCB40, MC25, C91, xi măng bao PCB30, PCB40 sử dụng vỏ bao dán đáy công trình (tăng 50.000 đồng/tấn); xi măng rời PCB30, PCB40 (bao gồm cả xi măng đóng bao Jumbo, vỏ bao Jumbo của khách hàng) tăng 70.000 đồng/tấn.

Tương tự, Ban Kinh doanh nội địa thuộc tập đoàn xi măng The Vissai cũng đã có tờ trình xin chủ trương tăng giá đối với các sản phẩm xi măng bao và rời do đơn vị này sản xuất thêm 80.000 đồng/tấn từ ngày 10/5 để đảm bảo sản xuất, đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm.

Không nằm ngoài “vòng xoáy”, Công ty Cổ phần xi măng Bỉm Sơn kể từ ngày 10/5, cũng điều chỉnh tăng giá bán xi măng với giá bán xi măng bao, rời tăng 70.000 đồng/tấn, giá xuất khẩu xi măng tăng 95.000 đồng/tấn.

Công ty TNHH Vật liệu xây dựng xi măng SCG Việt Nam cũng đã gửi thông báo đến các nhà phân phối và khách hàng về việc điều chỉnh giá bán tất cả các loại sản phẩm xi măng Sông Gianh, ADAMAX, SCG Super xi măng, SCG Super wall (bao và rời, jumbo, spesling lên 79.920 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) từ ngày 16/5.

Công ty Cổ phần xi măng Vicem Hoàng Thạch, Công ty Cổ phần xi măng Tân Thắng, Công ty TNHH MTV xi măng Xuân Thành Quảng Nam cũng thông báo tăng giá bán xi măng từ 60.000 - 80.000 đồng/tấn từ ngày 12/5.

Tương tự, từ ngày 19/5, Công ty TNHH xi măng Luks Việt Nam thông báo tăng giá bán tất cả các chủng loại sản phẩm xi măng Kim Đỉnh dạng bao và rời thêm 80.000 đồng/tấn. Công ty xi măng Nghi Sơn, Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư Đồng Lâm từ 20/5 cũng gửi thông báo cho các nhà phân phối về việc điều chỉnh tăng giá bán các loại xi măng 55.000 - 75.000 đồng/tấn….

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, trong quý I/2022 sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa đạt hơn 13,5 triệu tấn. Trong đó, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tiêu thụ 4,66 triệu tấn, chiếm 34,5% tổng sản lượng tiêu thụ trong giai đoạn này. Chỉ riêng trong tháng 3/2022, lượng tiêu thụ tăng lên gần 6 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 3,5 triệu tấn so với tháng trước khi trùng với thời điểm Tết Nguyên đán.

Còn theo thông tin từ Bộ Xây dựng, trong quý I/2022 do ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên liệu đầu vào nên giá vật liệu xây dựng thiết yếu này có sự tăng giá. Theo Bộ, hiện cả nước có 90 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất 106,6 triệu tấn/năm (thực tế có thể sản xuất 122 triệu tấn/năm).

Hiện nay, thị trường xi măng cung vượt cầu đang ở mức cao. Bên cạnh áp lực dư cung, ngành xi măng còn đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào như: than, điện, vỏ bao, đặc biệt là xăng dầu... Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng có đà tăng giá rất mạnh.

Bộ Xây dựng cho biết đang đánh giá tác động của tình hình căng thẳng, xung đột tại Ukraine tới diễn biến giá cả tăng của một số loại vật liệu xây dựng; cũng như tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường vật liệu xây dựng nhằm có giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu.

Doanh nghiệp sản xuất gặp khó

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Công ty Cổ phần xi măng Điện Biên, nhận định việc tăng giá bán đã được doanh nghiệp xi măng cân nhắc dựa trên sự cân đối chi phí đầu vào, đầu ra của sản phẩm và khả năng bán hàng của doanh nghiệp.

Với kinh nghiệm hàng chục năm làm trong lĩnh vực xi măng, ông Nguyễn Văn Thịnh cho biết quy hoạch của ngành xi măng đang dư thừa rất nhiều. “Trong vài năm trở lại đây, ngành xi măng tiếp tục có thêm các nhà máy mới đi vào vận hành trong tình hình thị trường xi măng cung vượt xa cầu. Vì thế, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch là điều tiên quyết để đưa cung cầu xi măng về mức hợp lý, tạo điều kiện để ngành phát triển, cạnh tranh hiệu quả hơn”, ông Thịnh bày tỏ.

Cũng theo ông Thịnh, việc giá than tăng tới 3 lần (từ cuối tháng 3 đến tháng 4/2022), cộng thêm với nguồn than khan hiếm là nguyên nhân chính ảnh hưởng lớn đến giá thành xi măng. Việc tập trung than ưu tiên cho ngành điện, trong khi các ngành khác cũng quan trọng không kém đối với nền kinh tế, trong đó có ngành xi măng, lại không được chú trọng cho thấy có sự bất bình đẳng.

Ở góc độ chuyên gia, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng giá xi măng của Việt Nam phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và việc mặt hàng này tăng giá là điều hết sức bình thường.

Còn theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, giá xi măng có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới bởi nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi và tăng trưởng rất mạnh sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

“Việc triển khai các công trình đầu tư công, nhu cầu về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các cơ sở bất động sản và các nhu cầu xây dựng khác đang phát triển rầm rộ trong thời gian qua ắt hản sẽ tiếp tục tác động đến giá xi măng trong thời gian tới”, ông Thịnh nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác