Thích ứng với đại dịch, nhiều doanh nghiệp Hà Tĩnh vẫn 'sống khỏe'

Nguyễn Phượng - 27/08/2021 17:24 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù nhiều doanh nghiệp đang “gặp khó” trong đại dịch Covid-19, tuy nhiên một số doanh nghiệp tại Hà Tĩnh đang nỗ lực thực hiện song hành “mục tiêu kép” cả về chống dịch và ổn định sản xuất để “sống khỏe” trong đại dịch.

VNF
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Vũng Áng của công ty Lào - Việt thuộc Mitraco

Tổng công ty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) hiện là doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực tại Hà Tĩnh với 12 công ty thành viên.

Trao đổi với VietnamFinance, Tổng giám đốc công ty Mitraco Lê Viết Thảo, cho hay năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Mitraco cũng là doanh nghiệp không thể tránh khỏi hậu quả nặng nề từ dịch Covid -19 gây ra.

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu khoáng sản tại Lào bị ảnh hưởng nhiều khi các loại thuế, phí, giá thành sản xuất ở mức cao. Chưa kể, hàng hóa khi về đến cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) phải qua khâu trung chuyển để phòng chống dịch nên thời gian vận chuyển lâu hơn, khối lượng giảm nhưng chi phí lại tăng.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng nên chi phí hóa chất, trang thiết bị và nhân lực phòng dịch tăng. Trong khi từ nay đến cuối năm, thị trường tiêu thụ trong các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An cũng như các tỉnh miền Nam đóng băng, đang phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình dịch Covid-19 có giảm sút hay không.

Tổng giám đốc công ty Mitraco Lê Viết Thảo

Đứng trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, theo ông Lê Viết Thảo, lúc này phải dự báo được tình hình để xây dựng các giải pháp giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và đón nhận cơ hội là điều quan trọng nhất.

“Để thực hiện hóa các kế hoạch trên thì vấn đề đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động trong mùa dịch là chiến lược ưu tiên hàng đầu của Mitraco lúc này”, ông Thảo chia sẻ.

Theo ông Thảo, trong lúc đại dịch đang hoành hành, doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm rất nhiều chi phí, tuy nhiên quỹ lương cho người lao động lúc nào cũng phải đầy đủ, thậm chí tăng thêm, chế độ phúc lợi của người lao động phải luôn được đảm bảo.

“Tôi quan niệm, nếu cắt giảm lao động hay giảm lương là doanh nghiệp đang tự cắt năng lực sống còn của chính doanh nghiệp. Bởi khi tình hình dịch được kiểm soát, cơ hội đến thì doanh nghiệp lại không có người làm. Khi đó chi phí về thời gian đào tạo sẽ lâu hơn, hiệu quả công việc giảm sút rất lớn”, ông Thảo nói.

Số liệu tới 30/6/2021 cho thấy doanh thu của Mitraco đạt 968 tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế 56,4 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 10% so với kế hoạch năm đề ra là 7,6 triệu đồng/ tháng.

Ngoài ra, trong thời kỳ dịch, người lao động ở các công ty con bị ảnh hưởng nặng nề sẽ được Mitraco hỗ trợ hỗ trợ chi phí ăn, ở khi làm việc tại công ty nhằm phòng tránh lây lan dịch bệnh và duy trì việc làm tăng thu nhập. Hiện nay Mitraco cũng đã tiêm vắc xin mũi 1 cho 985 lao động trong toàn tổng công ty.

Thời gian tới, Mitraco mong muốn tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động có điều kiện tiêm đủ liều vắc xin để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vận hành ở các khâu từ sản xuất, vận chuyển đến tiêu thụ hàng hóa cung ứng cho thị trường.

Một doanh nghiệp rất lớn tại Hà Tĩnh là Formosa cũng đang "sống khỏe" giữa đại dịch.

Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) là dự án đầu tư lớn nhất trong khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) và cũng là dự án FDI lớn nhất tại Việt Nam, với số vốn đầu tư đăng ký đạt 12,787 tỷ USD.

FHS thực hiện đo thân nhiệt cho toàn cán bộ công nhân viên làm việc tại nhà máy

Theo đại diện FHS, từ việc Trung Quốc hủy bỏ việc hoàn thuế xuất khẩu và Nga tăng thuế xuất khẩu nên doanh nghiệp được “hưởng lợi” khi thị trường thép trên thế giới tăng cao, là cơ hội để FHS xúc tiến và duy trì mối quan hệ cung – cầu đối với doanh nghiệp kinh doanh thép cuộn và thép cuộn cán nóng.

Mục tiêu năm 2021 của FHS đạt doanh thu khoảng 3,7 tỷ USD khá khả quan khi tính đến 30/ 6/2021, doanh thu của FHS đã cán mốc 2,4 tỷ USD, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2020 (6 tháng đầu năm 2020 là 1,3 tỷ USD).

Sản lượng sản xuất các sản phẩm thép của FHS đạt 3,25 triệu tấn (so với cùng kỳ năm 2020 tăng 20%, năm 2020 là 2,7 triệu tấn), sản lượng tiêu thụ đạt 3,28 triệu tấn.

Hoạt động xuất khẩu từ FHS đạt 689,87 triệu USD, chiếm 93,34% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Hà Tĩnh, nộp ngân sách nhà nước hơn 358 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021. FHS cũng là doanh nghiệp dẫn đầu trong danh sách các doanh nghiệp đóng nộp thuế lớn nhất Hà Tĩnh.

Hiện nay thị trường xuất khẩu các sản phẩm của FHS đã có mặt tại các nước tiên tiến như Italy, Mỹ, Tây Ban Nha, Mexico…

Tính đến thời điểm hiện tại, lao động FHS quản lý hơn 7.000 người, thuộc nhóm các doanh nghiệp có nguy cơ cao bùng phát, lây nhiễm dịch Covid-19.

Vì thế, FHS đã chuyển chế độ làm việc cũng như sinh hoạt của toàn bộ cán bộ, công nhân, lao động trong công ty sang trạng thái phòng dịch ở mức cao nhất.

Theo đó, FHS ra thông báo quản chế tất cả nhân viên và nhà thầu ở ký túc xá không ra khỏi nhà máy (không phân biệt quốc tịch). Ngoài ra, nhân viên thông hành hằng ngày trên tuyến đường lên xuống khi đổi ca, tránh đến các khu vực khác, khi ra ngoài bắt buộc tuân thủ nguyên tắc 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hạn chế tiếp xúc với người khác, ghi nhớ lịch trình di chuyển và tiếp xúc để phòng chống dịch hiệu quả.

Trong khi đó, tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 thuộc Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh, Phó giám đốc công ty Nguyễn Duy Minh cho biết khi xảy ra dịch Covid-19, doanh nghiệp đã kịp thời lên kịch bản để vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo ổn định sản xuất của nhà máy.

Công nhân nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 duy trì 3 ca, 5 kíp, vận hành thông suốt 2 tổ máy

Theo đó, để tránh tình trạng lây lan dịch bệnh, công ty đã thực hiện kế hoạch “3 tại chỗ” cho cán bộ công nhân viên nhằm đảm bảo vận hành an toàn, luôn duy trì 3 ca, 5 kíp, vận hành thông suốt 2 tổ máy với tổng công suất 1.200 MW.

Cũng theo ông Minh, trong thời kỳ dịch nhà máy vẫn đảm bảo sản xuất điện theo kế hoạch. Lượng than nhà máy sử dụng duy trì sản xuất điện của 2 tổ máy là 10.000 tấn/ngày, những ngày cao điểm lên đến 11.500 tấn/ngày.

“Do nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chủ yếu vận chuyển bằng đường biển nên không phát sinh thêm nhiều chi phí trong thời gian dịch bệnh”, ông Minh thông tin.

Theo số liệu đến ngày 30/6/2021, nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đã sản xuất 3,957 tỷ kWh điện, doanh thu đạt 6.018 tỷ đồng, đóng nộp ngân sách nhà nước 176 tỷ đồng.

Ông Minh thông tin thêm, hiện nay, sau 6 năm vận hành, Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh sẽ tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ tổ máy số 2 Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 với thời gian 60 ngày. Tuy nhiên, hoạt động này nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp nên không ảnh hưởng đến mục tiêu sản xuất 7,062 tỷ kWh điện, doanh thu 10.681 tỷ đồng trong năm 2021.

Cùng chuyên mục
Tin khác