Thợ đào Bitcoin Trung Quốc có 'di cư' sang Việt Nam?

Minh Khánh - 09/07/2021 08:48 (GMT+7)

Trước thái độ cứng rắn của Chính phủ Trung Quốc, các chủ mỏ đào Bitcoin tại quốc gia này chuẩn bị cho một cuộc di cư lớn. Tuy nhiên, những chủ mỏ này có thể sẽ không chọn Việt Nam.

VNF
Thợ đào Bitcoin

Trung Quốc từng là mỏ đào Bitcoin lớn nhất thế giới. Theo CNBC, 65-75% hoạt động khai thác Bitcoin trên thế giới tập trung chủ yếu tại 4 tỉnh Trung Quốc là Tân Cương, Nội Mông, Tứ Xuyên và Vân Nam.

Tuy nhiên, trước hàng loạt động thái mạnh tay đánh vào hoạt động khai thác tiền mã hóa của Chính phủ nước này giữa tháng 5, 90% mỏ đào coin Trung Quốc đã phải đóng cửa, rục rịch chuyển đến địa điểm mới.

Theo Nic Carter - đối tác sáng lập của Castle Island Ventures - các công ty khai thác hoặc thợ đào ở Trung Quốc sẽ tập trung di cư đến Trung Á, Đông Âu, Mỹ và Bắc Âu. Dự kiến, những sức ép của giới chức Bắc Kinh sẽ tạo ra một cuộc di cư mỏ đào chưa từng có tiền lệ.

Việt Nam không phải nơi lý tưởng để đào Bitcoin

Đào coin là hoạt động tiêu tốn nhiều điện năng. Bên cạnh đó, với số lượng máy đào khổng lồ, nhiệt độ trong các mỏ đào thường tương đối cao. Để tối ưu hóa doanh thu từ quá trình khai thác Bitcoin, các chủ mỏ thường tìm đến những nơi có giá điện hấp dẫn, khí hậu mát mẻ.

Theo Shentu Qingchun, CEO công ty blockchain Bank Ledger, 90% năng lực đào ở Trung Quốc, tương đương 1/3 năng lực xử lý, hay còn gọi là tỷ lệ băm (hashrate) toàn cầu sẽ biến mất trong thời gian ngắn, giúp khả năng khai thác Bitcoin trở nên dễ dàng hơn.

Theo Hữu Tùng, đại diện một nhà cung cấp máy đào coin tại TP HCM, dù sát biên giới, các chủ mỏ tại Trung Quốc sẽ không chọn Việt Nam làm điểm dừng chân. Thậm chí, ngay cả khi ngành công nghiệp đào Bitcoin tại Trung Quốc gặp khó, các dân đào trong nước cũng không tận dụng thời cơ để quay trở lại loại hình khai thác này.

“Giá điện là yếu tố rất quan trọng. Kể từ khi Chính phủ áp giá điện kinh doanh cho hoạt động đào tiền mã hóa, kèm với khí hậu nóng ẩm, Việt Nam không còn là điểm đến lý tưởng để đào Bitcoin. Bên cạnh đó, sản lượng điện trong nước cũng khó cung cấp đủ cho các mỏ đào lớn”, anh Tùng nhận xét.

Hoạt động khai thác Bitcoin vốn nổi lên tại Việt Nam từ lâu. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, tính đến đầu tháng 4/2018, cả nước có khoảng 15.600 máy đào tiền mã hóa, bao gồm máy xử lý dữ liệu Bitcoin, dữ liệu Bitmain, máy xử lý thuật toán, thiết bị xử lý dữ liệu thuật toán, máy xử lý dữ liệu tự động và máy xử lý dữ liệu tự động dùng cho hệ thống quản lý điều khiển từ xa, nội bộ được nhập khẩu.

Các mỏ đào Bitcoin thường đặt ở những quốc gia có ưu đãi về giá điện, khí hậu mát mẻ. Ảnh: Financial Times.

Tuy nhiên, kể từ vụ "nổ bong bóng" cuối 2017 đầu 2018, giá Bitcoin giảm mạnh từ gần 20.000 USD/đồng xuống dưới 6.000 USD/đồng. Trước thị trường đỏ lửa, nhiều thợ đào Việt đã phải phủ bạt, thanh lý máy do lợi nhuận thu về không đáng là bao.

Ngoài ra, chính sách áp giá điện hộ kinh doanh cho hoạt động đào tiền mã hóa là giọt nước tràn ly đối với dân đào Bitcoin. Thay vì chi trả khoảng 970-3.076 đồng/kWh (giá điện ngành sản xuất bao quát các cấp điện áp), dân đào Bitcoin phải thanh toán khoảng 1.361-4.587 đồng/kWh (giá điện kinh doanh bao quát các cấp điện áp).

Theo thống kê của Vhattomine.com, nếu áp dụng mức giá điện cao nhất 4.587 đồng/kWh, tức 0,195 USD/kWh, máy đào Bitcoin Antminer S19 Pro chỉ kiếm được khoảng 18 USD/ngày. So với Kazakhstan, quốc gia áp dụng giá điện khoảng 0,00233 USD/kWh cho hoạt động khai thác Bitcoin, mỗi máy Antminer S19 Pro giúp thợ đào thu lợi nhuận khoảng 35 USD/ngày.

Đào Bitcoin không còn phổ biến ở Việt Nam

Không chỉ đối mặt với chi phí lớn, hoạt động đào Bitcoin tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do không thể cạnh tranh với quy mô đào của các mỏ Trung Quốc. Ngay cả khi tỷ lệ băm giảm, nhiều thợ đào Việt Nam vẫn không quá mặn mà với mô hình đào Bitcoin. Theo Blockchain.com, so với mức đỉnh 180,6 TH/s ngày 15/5, tỷ lệ băm của Bitcoin đầu tháng 7 nay giảm xuống dưới 90 TH/s.

“Quy mô khổng lồ của ngành công nghiệp đào Bitcoin tại Trung Quốc khiến tỷ lệ băm tăng mạnh. Mỏ tệ lắm cũng phải sở hữu 5.000-10.000 máy. Người Việt hiếm ai còn đào Bitcoin”, anh Tùng nói.

Từ lâu, hình ảnh của những chiếc máy đào Bitcoin thương hiệu Bitmain, ASIC đã không còn xuất hiện, thay vào đó là những loại “trâu cày” tiền mã hóa sử dụng card màn hình (VGA). Hầu hết dòng trâu này dùng để đào Ethereum, đồng tiền mã hóa giá trị thứ 2 thế giới.

Thợ đào Việt ưa chuộng đào tiền mã hóa bằng VGA. Ảnh: Facebook.

Chia sẻ với Zing, ông Bá Dũng, chủ một xưởng đào tiền mã hóa ở Thái Nguyên, cho biết phần lớn thợ đào tại Việt Nam hiện ưa chuộng khai thác Ethereum hơn Bitcoin. Thứ nhất, Bitcoin yêu cầu người chơi đầu tư máy đào chuyên dụng, vốn rất đắt đỏ và phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Thứ hai, Ethereum không biến động mạnh như Bitcoin, do đó đây được xem như một kênh đầu tư an toàn.

Trước cơn sốt tiền mã hóa đầu năm 2021, thị trường đào coin tại Việt Nam diễn biến sôi động. Cung không đủ cầu, đã có lúc giá nhiều loại VGA chuyên dùng để đào coin bị đội lên nhiều lần, ít thì 1,5-2 triệu đồng, nhiều thì giá tăng gấp đôi. Dù mua VGA cũ, đã qua sử dụng, nhà đầu tư vẫn phải bỏ ra số tiền không nhỏ.

Tuy nhiên, kể từ đợt sụt giá mạnh của Bitcoin và nhiều đồng mã hóa khác cuối tháng 5, đến nay, thị trường kinh doanh VGA không còn nhộn nhịp hơn trước. Thậm chí, hoạt động trao đổi, mua bán VGA trên các hội nhóm mạng xã hội cũng có dấu hiệu giảm nhiệt.

“Thi thoảng một vài thợ đào hỏi giá, nhưng hầu hết họ không mua. Giá phần lớn dòng VGA cũng đã bình ổn, quay về giá cũ”, anh Tùng cho biết.

Theo ông Bá Dũng, việc thị trường rơi vào cảnh “downtrend” khiến thợ đào Việt không còn hứng khởi hơn trước. Đối với anh Dũng, đây là khoảng thời gian anh duy trì hoạt động ở mức cầm chừng, giá Ethereum giảm mạnh khiến anh không thể bán coin, thanh toán các khoản chi phí.

“Một số thợ không lường trước được tình hình thị trường đi xuống buộc phải thanh lý bớt máy, giảm sản lượng đào để cắt lỗ”, anh Dũng chia sẻ.

Theo Zing
Cùng chuyên mục
Tin khác