Tiêu điểm

Thoái vốn Nhà nước: Lo dòng vốn nước ngoài gây áp lực lên lãi suất, tỷ giá

(VNF) – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lớn năm nay dự kiến sẽ tương đối nhiều, nên Chính phủ cần điều tiết việc hút vốn nước ngoài để cung ứng tiền đồng ra thị trường phù hợp, không gây áp lực lên lãi suất và tỷ giá.

Thoái vốn Nhà nước: Lo dòng vốn nước ngoài gây áp lực lên lãi suất, tỷ giá

Vốn ngoại đang đổ rất lớn vào Việt Nam thông qua hoạt động thoái vốn Nhà nước, gây áp lực nhất định lên lãi suất, tỷ giá, tuy nhiên cũng tạo điều kiện giúp tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại nhận được nguồn vốn giá rẻ thông qua việc làm trung gian thanh toán

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa chủ trì phiên họp quý I/2018 của Ban Chỉ đạo điều hành giá đánh giá kết quả thực hiện công tác điều hành 3 tháng đầu năm, cập nhật phương hướng điều hành từ nay tới hết năm.

Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 3 không tăng như 2 tháng đầu năm, mà dự kiến giảm 0,28% so với tháng trước đó. Còn so với cùng kỳ năm 2017 thì CPI tháng 3 tăng 2,65%. Tổng hợp số liệu 3 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2017.

Bộ Tài chính lý giải, nguyên nhân tăng CPI trong quý I/2017 chủ yếu là do nhu cầu gia tăng tiêu dùng trong dịp Tết và lễ hội đầu năm, giá cả các mặt hàng thiết yếu thế giới tăng trở lại như nhiên liệu, chất đốt, sắt thép... gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước; cùng với đó là việc điều chỉnh một số mặt hàng thiết yếu trong nước tại một số tỉnh.

Bộ Tài chính đánh giá, từ nay tới cuối năm sẽ xuất hiện một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá. Cụ thể, 8 địa phương sẽ điều chỉnh giá khám chữa bệnh đối với người không có thẻ BHYT (dự kiến tác động CPI khoảng 0,07%), dự kiến điều chỉnh chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, lương cơ sở cơ cấu vào giá dịch vụ khám chữa bệnh (tác động 0,42%), điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục (tác động 0,3%), giá các dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo luật, xu hướng biến động của giá xăng dầu, điều chỉnh tiền lương trong khối doanh nghiệp và khu vực công, rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi, giá các mặt hàng thiết yếu như vật liệu xây dựng (thép), thực phẩm có xu hướng tăng...

Từ những tiên liệu trên, CPI bình quân cả năm 2018 dự kiến sẽ tăng trong khoảng từ 3,41 đến 3,9%, dưới chỉ tiêu 4% mà Quốc hội giao.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, lạm phát cơ bản hiện nay là 1,36%, vẫn thấp hơn quy định chung trong năm nay là từ 1,6-1,8%. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến của lạm phát cơ bản, việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17%, tập trung tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp cân đối tiền - hàng, hỗ trợ cho tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

Bà Nguyễn Thị Hồng và Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng lưu ý việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lớn năm nay dự kiến sẽ tương đối nhiều, nên Chính phủ cần điều tiết việc hút vốn nước ngoài để cung ứng tiền đồng ra thị trường phù hợp, không gây áp lực lên lãi suất và tỷ giá.

"Với kinh nghiệm trong quản lý, phối hợp điều hành của các bộ, ngành đối với giá cả các mặt hàng, Chính phủ tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đặt ra", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên họp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định lạm phát năm 2018 sẽ dưới 4%

Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành lạm phát cơ bản linh hoạt, kiểm soát tín dụng về cơ cấu và chất lượng, cung tiền, tiếp tục biện pháp trung hoà ngoại hối thu được từ nước ngoài, cổ phần hoá bán vốn Nhà nước.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục điều hành hiệu quả Quỹ bình ổn xăng dầu, ổn định thị trường xăng dầu trong nước, công bố giá cơ sở của xăng A95 trong tháng 4, xây dựng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 để khuyến khích tiêu dùng; điều hành ổn định giá điện trong năm 2018 và tăng cường truyền thông trong sử dụng và tiết kiệm điện, tránh tạo ra "lạm phát kỳ vọng".

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục rà soát các dự án, hoàn tất đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng để điều chỉnh giảm giá dịch vụ BOT tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian hoàn vốn. Nghiên cứu xây dựng nguyên tắc xác định mức giá cho các đối tượng phù hợp với chất lượng và mức độ sử dụng dịch vụ mà chủ phương tiện sử thực tế sử dụng để sớm sửa đổi Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý cho phù hợp.

Tin mới lên