Ngân hàng

Thống nhất bỏ độc quyền vàng miếng SJC, rà soát cách tính lãi thẻ tín dụng

(VNF) - Trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, các chuyên gia đồng tình với đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. NHNN yêu cầu rà soát cách tính lãi suất thẻ tín dụng. Đó là những thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Thống nhất bỏ độc quyền vàng miếng SJC, rà soát cách tính lãi thẻ tín dụng

Thống nhất đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC

Chiều 28/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì cuộc họp toàn thể của Hội đồng.

Tại phiên họp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã trình bày báo cáo về diễn biến kinh tế vĩ mô, hoạt động ngân hàng quý I/2024; đề xuất tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tình hình thị trường vàng và các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Các chuyên gia đồng tình với đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

>> Xem thêm: Thống nhất đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu rà soát cách tính lãi suất thẻ tín dụng

NHNN yêu cầu rà soát cách tính lãi suất thẻ tín dụng. Nếu phát hiện các vấn đề bất thường trong việc sử dụng thẻ của khách hàng như không phát sinh giao dịch, phát sinh nợ quá hạn kéo dài… ngân hàng phải chủ động thông tin tới khách hàng và phối hợp các bên liên quan có biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng và tổ chức phát hành thẻ.

Bên cạnh đó, rà soát đảm bảo các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi đối với từng loại thẻ phát hành tuân thủ đúng quy định của NHNN và pháp luật liên quan; đồng thời phải công khai minh bạch, cung cấp đầy đủ thông tin và có biện pháp đảm bảo khách hàng đã nắm được các thông tin về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi (đặc biệt là với thẻ tín dụng) và những thay đổi (nếu có) trong quá trình khách hàng sử dụng thẻ.

Đó là nội dung đáng chú ý trong Công văn 2235/NHNN-TT do NHNN vừa ban hành về việc triển khai biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng.

>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước yêu cầu rà soát cách tính lãi suất thẻ tín dụng

Cựu Ceo DongABank Trần Phương Bình gây thiệt hại 981 tỷ đồng

Ngày 28/3, cựu Ceo DongABank Trần Phương Bình bị đưa ra xét xử trong vụ án thứ 5 liên quan đến cáo buộc chỉ đạo cho vay trái quy định, gây thiệt hại cho ngân hàng gần 981 tỷ đồng.

Ông Bình từng là nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực ngân hàng, đại gia kim tiền bậc nhất Việt Nam. Ông Bình đang thi hành án tù chung thân là hình phạt chung của 4 bản án mà TAND các cấp đã tuyên và đã có hiệu lực đối với ông Bình.

>> Xem thêm: Cựu Ceo DongABank Trần Phương Bình gây thiệt hại 981 tỷ đồng

Tiết lộ nguồn tiền và nguyên nhân Chủ tịch huyện Nhơn Trạch mất 100 tỷ trong tài khoản
Thông tin bà Nguyễn Thị Giang Hương (SN 1973), Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, bị lừa mất hơn 100 tỷ đồng gây rúng động dư luận.

Các nguồn tin cho hay nhóm lừa đảo đã yêu cầu bà Hương mở tài khoản, sau đó bà Hương huy động tiền từ người thân nạp vào tài khoản.

Theo lãnh đạo các ngân hàng, Chủ tịch huyện Nhơn Trạch mất hơn 100 tỷ đồng có thể đã rơi vào bẫy lừa đảo mới là lạm dụng quyền trợ năng trên điện thoại. 

>> Xem thêm: Tiết lộ nguồn tiền và nguyên nhân Chủ tịch huyện Nhơn Trạch mất 100 tỷ trong tài khoản

Lãi suất huy động bắt đầu tăng, lãi suất cho vay sớm đảo chiều?

Trong khi nhiều ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động thì đã có một vài ngân hàng rục rịch tăng lãi suất huy động trở lại ở cả kỳ hạn ngắn và dài. Từ đầu tháng 3 đến nay, đã có 4 ngân hàng tiến hành tăng lãi suất huy động.

Nhiều người lo ngại lãi suất huy động tăng sẽ khiến lãi suất cho vay tăng theo.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, diễn biến này không đáng lo ngại và sẽ không tác động nhiều tới lãi suất cho vay, bởi xu hướng giảm lãi suất tiền gửi vẫn là chủ đạo.

>> Xem thêm: Lãi suất huy động bắt đầu tăng, lãi suất cho vay sớm đảo chiều?

Thêm 'ông lớn' ngân hàng công khai lãi suất cho vay bình quân

Sau BIDV, Agribank là ngân hàng tiếp theo trong nhóm Big4 thực hiện công khai lãi suất cho vay bình quân. Trước đó, một số ngân hàng khác như ACB, TPBank, LPBank, BacA Bank, VietBank... cũng đã công bố lãi suất cho vay bình quân.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện việc công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác (nếu có).

NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụn cần gửi đường dẫn (link) của chuyên mục công bố các loại lãi suất về NHNN trước ngày 1/4, nếu thay đổi đường dẫn thì phải cập nhật trong 2 ngày làm việc.

>> Xem thêm: Thêm 'ông lớn' ngân hàng công khai lãi suất cho vay bình quân

Tổng tài sản hệ thống ngân hàng đạt hơn 19,5 triệu tỷ đồng

Đến ngày 31/1/2024, tổng tài sản toàn hệ thống tổ chức tín dụng đạt 19.545.672 tỷ đồng, tổng vốn điều lệ đạt 1.003.601 tỷ đồng. Tổng tài sản hệ thống ngân hàng giảm hơn 500.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Diễn biến giảm của tổng tài sản cũng có cùng xu hướng với tín dụng (cấu phần chiếm tỷ trọng lớn nhất của tổng tài sản các ngân hàng) khi dư nợ toàn hệ thống giảm 0,6% trong tháng 1/2024.

>> Xem thêm: Tổng tài sản hệ thống ngân hàng đạt hơn 19,5 triệu tỷ đồng

Chiếm đoạt 338 tỷ đồng, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng MSB bị bắt

Giám đốc chi nhánh MSB Thanh Xuân Bùi Thị Hoài Anh đã bị bắt tạm giam do có liên quan đến vụ việc khách hàng tố “bốc hơi" hàng chục tỷ đồng sau khi gửi tiền tại ngân hàng.

Trước đó, truyền thông đưa tin hai vị khách hàng của MSB tố bị bốc hơi hàng chục tỷ đồng trong tài khoản tại MSB. Theo đó, bà N.T.L và bà V.T.K.O đã mất lần lượt hơn 58 tỷ đồng và hơn 31 tỷ đồng sau khi gửi tại ngân hàng MSB.

Điểm chung của hai trường hợp mất tiền này là tài khoản của các nạn nhân đều do MSB quản lý để “báo cáo số dư cuối ngày và cuối tháng phục vụ cho việc tính chỉ số giá chứng khoán của MSB”. Cả hai cũng đều khẳng định không hề rút tiền, không ủy quyền cho ai cũng như không ký khống bất cứ giấy tờ nào.

>> Xem thêm: Chiếm đoạt 338 tỷ đồng, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng MSB bị bắt

Techcombank lần đầu tiên chia cổ tức tiền mặt sau hơn 1 thập niên

Techcombank gây bất ngờ khi công bố sẽ trình phương án chia cổ tức bằng cả tiền mặt tại đại hội đồng cổ đông 2024. Đây là một sự thay đổi lớn của Techcombank sau hơn 1 thập niên giữ lại lợi nhuận để củng cổ nền tảng vốn, phát triển kinh doanh.

Theo giới phân tích, việc doanh nghiệp công bố chia cổ tức bằng tiền mặt không chỉ thể hiện sự tự tin của ban lãnh đạo về nền tảng vốn cũng như dòng tiền của ngân hàng mà còn có thể trở thành "chất xúc tác" hỗ trợ cho giá cổ phiếu.

>> Xem thêm: Techcombank lần đầu tiên chia cổ tức tiền mặt sau hơn 1 thập niên

Nhóm 14 ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống năm 2024

NHNN vừa ban hành Quyết định 538/QĐ-NHNN phê duyệt Nhóm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống năm 2024 gồm 14 ngân hàng.

NHNN yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo dõi, giám sát chặt chẽ, cảnh báo kịp thời các nguy cơ rủi ro trong hoạt động của 14 tổ chức tín dụng nêu trên để ngăn ngừa rủi ro có tính trọng yếu, rủi ro mang tính hệ thống.

>> Xem thêm: Nhóm 14 ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống năm 2024

Giá USD ngân hàng vượt mốc 25.000 đồng

Ngày 28/3, giá USD tại các ngân hàng thương mại lập đỉnh mới. Một số ngân hàng đưa giá bán vượt mốc 25.000 đồng/USD.

Tuy hạ nhiệt nhưng giá mua USD trên thị trường tự do vẫn cao hơn tại các ngân hàng thương mại khoảng 800 đồng. Còn giá bán USD trên thị trường "chợ đen" cao hơn tại ngân hàng 500 đồng.

>> Xem thêm: Giá USD ngân hàng vượt mốc 25.000 đồng

Vượt qua nỗi lo về tỷ giá

Trong 3 tháng đầu năm, nhiều "cơn sóng" đã đẩy giá USD cả trong ngân hàng và ngoài "chợ đen" lên một mức cao mới gây ra mối quan ngại không hề nhỏ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ giá hiện tại không còn là nỗi lo quá lớn. Và khi vượt qua áp lực về tỷ giá, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 dự báo đạt 5,5%, đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

>> Xem thêm: Vượt qua nỗi lo về tỷ giá

Tin mới lên