Tài chính tiêu dùng

Thủ tướng đồng ý thí điểm Mobile Money, hạn mức giao dịch mỗi tài khoản 10 triệu đồng/tháng

(VNF) - Ngày 9/3, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ Mobile Money.

Thủ tướng đồng ý thí điểm Mobile Money, hạn mức giao dịch mỗi tài khoản 10 triệu đồng/tháng

Thủ tướng đồng ý triển khai thí điểm Mobile Money trong 2 năm.

Theo đó, quyết định cho phép triển khai thí điểm Mobile Money có hiệu lực từ ngày ký (9/3) và thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm.

Theo quyết định này, Thủ tướng đồng ý cho các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử và giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện hoặc các công ty con (được công ty mẹ cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông) được phép tham gia thí điểm.

Các doanh nghiệp này được cung cấp dịch vụ đến các khách hàng có chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực theo quy định.

Các số thuê bao di động có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Đáng chú ý, quyết định này yêu cầu mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện.

Theo quy định, doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile Money cũng được cấp dịch vụ này để nạp tiền mặt vào tài khoản Mobile Money tại các điểm kinh doanh, nạp tiền vào tài khoản Mobile Money từ tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc ví điện tử của khách hàng cũng như rút tiền mặt từ tài khoản Mobile Money tại các điểm kinh doanh, rút tiền từ tài khoản Mobile Money về tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử.

Dịch vụ cũng được phép thanh toán khi giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ của các đơn vị chấp nhận thanh toán bằng tài khoản Mobile Money.

Ngoài ra, việc thí điểm còn bao gồm cho phép thực hiện các giao dịch chuyển tiền giữa các tài khoản Mobile Money của khách hàng trong cùng hệ thống của doanh nghiệp thực hiện thí điểm, giữa các tài khoản Mobile Money của khách hàng với tài khoản thanh toán ngân hàng hoặc ví điện tử do doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung cấp.

Quyết định của Thủ tướng quy định hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile Money, bao gồm tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.

Quyết định cũng nêu rõ các hành vi bị cấm khi triển khai thí điểm. Cụ thể, các doanh nghiệp bị cấm thực hiện thí điểm cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money, trả lãi trên số dư tài khoản Mobile Money hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên tài khoản Mobile Money so với giá trị tiền khách đã nạp vào tài khoản Mobile Money.

Doanh nghiệp cũng bị cấm thực hiện thí điểm thực hiện hoạt động ngân hàng (cho vay, huy động vốn) hay các hành động cung ứng hoặc sử dụng tài khoản Mobile Money để giao dịch cho mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo và các hành vi gian lận.

Thuê, cho thuê, mượn cho mượn hoặc trao đổi, mua bán tài khoản Mobile Money và thông tin tài khoản Mobile Money cũng là hành vi bị cấm. Quy định cũng không cho phép doanh nghiệp thực hiện thí điểm sử dụng nguồn tiền từ tài khoản Mobile Money của khách hàng cho các mục đích khác của doanh nghiệp thực hiện thí điểm...

Theo quy định, thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ này.

Được biết, điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp thông tin di động tham gia thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile Money là phải có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán do Ngân hàng Nhà nước cấp.

Hiện nay tại Việt Nam mới chỉ có Viettel và VNPT nhận được giấy phép này.

Mobile Money không phải là khái niệm mới trên thế giới, ứng dụng này cho phép thuê bao di động có thể đăng ký sử dụng dịch vụ tiền điện tử để chuyển tiền, rút tiền, thanh toán hóa đơn thông qua hệ thống kinh doanh của các doanh nghiệp di động. Tính đến hết năm 2019, thế giới đã có 95 nước chấp nhận Mobile Money với hơn 1 tỷ tài khoản được đăng ký, giao dịch trung bình mỗi ngày 1,9 tỷ USD.

Dịch vụ Mobile Money từng được kỳ vọng chính thức được cấp phép thử nghiệm vào tháng nửa cuối tháng 3 năm ngoái, thời điểm bùng phát dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần chỉ đạo để sớm cấp phép thí điểm triển khai dịch vụ này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong năm 2020 cũng từng khẳng định dịch vụ Mobile Money mặc dù đã chậm, song cố gắng trong tháng 6/2020, Ngân hàng Nhà nước và Bộ sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông. Dù vậy, đến nay, dịch vụ này mới chính thức được Thủ tướng đồng ý cho triển khai thí điểm.

Việc cho phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money nhằm mục tiêu góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.

Dịch vụ cũng được kỳ vọng sẽ tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng.

Đồng thời, kết quả thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money sẽ là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.

Tin mới lên