Thủ tướng muốn Google quan tâm hơn đến gìn giữ bản sắc văn hóa Việt

Thanh Tú (TH) - 12/09/2018 17:09 (GMT+7)

(VNF) - Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, Google cần quan tâm hơn nữa đến việc gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa của người Việt Nam.

VNF
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Điều hành châu Á-Thái Bình Dương của Google, ông Karim Temsamani. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Bên lề Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, chiều 12/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch Điều hành châu Á-Thái Bình Dương của Google, ông Karim Temsamani nhân dịp sang Việt Nam dự WEF ASEAN 2018.

Đánh giá cao hợp tác của Google trong thời gian qua tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, với gần 100 triệu dân, Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển công nghệ thông tin và xác định đây là một lĩnh vực mũi nhọn trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng đối với Google.

Thủ tướng mong muốn Google hợp tác phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam, nhất là về khởi nghiệp sáng tạo (startup), đào tạo phát triển nhân lực; tham gia tích cực hơn nữa vào việc hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao và đầu tư nghiên cứu phát triển hệ sinh thái công nghệ tại Việt Nam.

Cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp, ông Karim Temsamani cho rằng, với nền tảng sẵn có và định hướng phát triển trong tương lai, chắc chắn Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ số hóa nền kinh tế và phía Google sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tham gia thuận lợi vào quá trình này.

Ông Karim Temsamani khẳng định trong chương trình Vietnam Digital 4.0, Google đặt mục tiêu từ nay đến 2020 sẽ đào tạo miễn phí kỹ năng số cho 500.000 chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nhằm giúp các đối tượng này tăng lợi thế cạnh tranh và phát triển cơ hội kinh doanh trong nền kinh tế số.

Cùng với đó, Google cũng có những sáng kiến giúp đỡ người nông dân Việt Nam trong việc số hóa nền sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ người làm việc trong những lĩnh vực sáng tạo, chế tạo để có thể quảng bá sản phẩm của mình một cách hiệu quả hơn, được nhiều người biết đến hơn qua kênh Youtube của Google.

Ông Karim Temsamani khẳng định Google sẽ nỗ lực đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình xây dựng hệ sinh thái công nghệ ở Việt Nam và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của Thủ tướng, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam trong thời gian tới.

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn

Trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018 sáng 12/9, Viện Toàn cầu McKinsey (Tập đoàn tư vấn chiến lược kinh doanh quốc tế McKinsey) đã công bố Báo cáo “Hiệu quả vượt trội: Các nền kinh tế mới nổi với sức tăng trưởng cao và những doanh nghiệp hậu thuẫn".

Trong 71 nền kinh tế được phân tích từ Báo cáo trên, 18 nền kinh tế được đánh giá là “đạt hiệu quả vượt trội hơn." Theo đó, bảy nền kinh tế đã tăng trưởng GDP bình quân đầu người hơn 3,5% trong vòng 50 năm, từ 1965 đến 2016 và 11 nền kinh tế khác có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, trong khoảng thời gian ngắn hơn, đạt mức 5% mỗi năm trong 20 năm từ 1996-2016 gồm Azerbaijan, Belarus, Campuchia, Ethiopia, Ấn Độ, Kazakhstan, Lào, Myanmar, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam.

Bà Anu Madgavkar (phải), thành viên điều hành McKinsey Ấn Độ và ông Oliver Tonby, Chủ tịch McKinsey châu Á (không gồm Trung Quốc) tại buổi công bố báo cáo.

Bà Anu Madgavkar, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn chiến lược kinh doanh quốc tế, người thực hiện Báo cáo, nhận xét, các nền kinh tế vượt trội hơn trong một khoảng thời gian dài đã đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định và không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997, khủng khoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và các cú sốc kinh tế vĩ mô khác. Tốc độ ổn định này cùng với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng toàn diện đã giúp tầng lớp trung lưu phát triển và gia tăng đáng kể.

Bà Anu Madgavkar cho rằng, trong 15 năm qua, Việt Nam là một trong rất ít quốc gia trên thế giới có nhiều đổi mới về công nghệ, giúp cải thiện về năng suất, tăng tính cạnh tranh. Với nền tảng lực lượng lao động có kỹ năng nghề nghiệp, Việt Nam cần tận dụng lợi thế này trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Diễn ra trong 3 ngày, từ 11-13/9, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 là một trong những hoạt động đối ngoại đa phương lớn được tổ chức ở Việt Nam trong năm 2018.

Với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0", WEF ASEAN năm nay có quy mô lớn nhất trong các hội nghị trước đây tại Đông Nam Á, với hơn 1.000 đại biểu từ 43 quốc gia.

Họ sẽ tham gia 53 phiên họp chính thức và 35 phiên thảo luận cộng đồng về các vấn đề trong khu vực, từ chính trị, khởi nghiệp đến việc làm trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018 cũng sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Borge Brende sẽ phát biểu khai mạc và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 là cơ hội để thúc đẩy các đối tác tăng cường hợp tác với Việt Nam, các tập đoàn hàng đầu thế giới có tiềm lực tài chính, công nghệ và thị trường quan tâm, tăng cường đầu tư vào Việt Nam, góp phần tích cực mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn vốn có chất lượng, công nghệ hiện đại phục vụ tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Xem thêm >> Thủ tướng đề xuất hoà mạng di động một giá cước toàn ASEAN

Cùng chuyên mục
Tin khác