Thủ tướng yêu cầu Viettel, VNPT, Mobifone đi đầu nghiên cứu chip bán dẫn

Ngọc Lưu - 23/02/2024 11:10 (GMT+7)

(VNF) - Các doanh nghiệp nhà nước như Viettel, VNPT, Mobifone.. được Thủ tướng yêu cầu phải đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu trong việc nghiên cứu công nghệ mới nổi như chip bán dẫn...

Đây là nội dung có trong Chỉ thị số 07 về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước vừa được Thủ tướng ký ban hành.

Đi đầu trong nghiên cứu công nghệ mới nổi

Trong chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN trong nền kinh tế, bảo đảm DNNN là lực lượng tiên phong dẫn đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phục hồi nền kinh tế. 

Thủ tướng ra chỉ thị yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), VNPT, Mobifone, Tổng công ty công nghệ - viễn thông toàn cầu (GTEL)… tiếp tục thúc đẩy các dự án đầu tư phát triển và phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số.

Các doanh nghiệp nhà nước này cũng cần phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số và nền tảng số, ứng dụng số tạo động lực phát triển kinh tế số; đồng thời đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu trong việc nghiên cứu công nghệ mới nổi (chip bán dẫn...).

Công nghiệp bán dẫn được xem là ngành công nghiệp nền tảng và còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong vòng 30-50 năm tới. Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn và sẽ bắt đầu thực hiện trong năm 2024. Đây cũng là ngành được Thủ tướng Chính phủ mong muốn phát triển đột phá trong thời gian tới. 

Trong những năm gần đây, một số công ty công nghệ trong nước như FPT, Viettel, VNPT… đang nỗ lực tham gia hệ sinh thái hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Thậm chí các ngành phụ trợ cũng nhìn thấy cơ hội lớn từ thị trường này.

Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang trong chuyến công tác Việt Nam hồi cuối năm 2023 cũng tuyên bố, tập đoàn này sẽ tạo điều kiện cho các kỹ sư, học viên của Việt Nam có thể tham gia thực tập, làm việc tại NVIDIA; xây dựng vườn ươm doanh nghiệp trong ngành bán dẫn, cũng như tư vấn hình thành các doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp sản phẩm, dịch vụ; ủng hộ, phối hợp với Việt Nam trong việc tiếp cận, triển khai các dự án trong khuôn khổ Quỹ trợ cấp cho các hoạt động sản xuất và phát triển chất bán dẫn của Chính phủ Hoa Kỳ.

'Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam chưa có gì cả'

Đánh giá về ngành chip bán dẫn của Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, cho rằng doanh số của ngành chip bán dẫn rất lớn, nhưng nhân công Việt Nam chỉ đóng góp ở phần giá trị gia tăng thấp nhất trong những khâu kiểm định, lắp ráp và đóng gói. Toàn bộ khâu sản xuất chất bán dẫn và thiết kế cán bộ người Việt Nam hầu như không được tham gia.

 Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn và sẽ bắt đầu thực hiện trong năm 2024.

Theo ông Sỹ, Việt Nam cũng không có công nghệ lõi, công nghệ nền hay các phát minh, sáng chế làm nền tảng để có thể đi cùng với các nước trên thế giới trong lĩnh vực này.

"Tôi nhớ ngày trước khi Intel bắt đầu đầu tư vào Việt Nam họ chỉ tuyển 40 kỹ sư công nghệ bán dẫn nhưng chúng ta không đáp ứng được. Điều đó cho thấy chất lượng đào tạo của chúng ta chưa đạt yêu cầu so với thị trường lao động công nghệ cao mà thế giới đòi hỏi. Ngành công nghiệp bán dẫn của chúng ta thực ra chưa có gì cả, chúng ta có doanh số xuất khẩu, nhưng đó là nhờ Intel và Samsung", ông Sỹ nói.

Theo chuyên gia này, xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn không dễ và phải làm bài bản từ nghiên cứu cơ bản, có đầu tư lớn về trang thiết bị, về con người, phải xây dựng các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phải tự nghiên cứu ra một số sản phẩm công nghệ của riêng mình.

Về giải pháp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT cho rằng trước tiên, Việt Nam phải nhanh chóng học hỏi công nghệ, tiếp thu tri thức khoa học, tiến tới làm chủ công nghệ để có thể phát triển cùng các nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam phải sẵn sàng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng đầy đủ điều kiện cung cấp điện, nước, đường giao thông, cảng biển, cảng hàng không...

Theo vị chuyên gia này, hiện nhiều quốc gia rất mong muốn các tập đoàn lớn như Intel đầu tư như Indonesia, Ba Lan, Malaysia. Họ có những ưu đãi cho các doanh nghiệp ngành bán dẫn cả về đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng. Điều đó cho thấy, Việt Nam chưa phải lựa chọn duy nhất của họ. Do đó, cần có một cơ chế đặc biệt, thuận lợi, một hệ thống tổ chức quản lý tinh gọn, hiệu quả cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư công nghiệp bán dẫn.

Cùng chuyên mục
Tin khác