Lợi thế của Việt Nam trong ngành bán dẫn tỷ USD

Việt Linh - 14/02/2024 06:52 (GMT+7)

Với nguồn nhân lực trẻ dồi dào, am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có lợi thế ở khâu thiết kế. Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2030, Việt Nam đủ điều kiện và năng lực để đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực này.

VNF
Lợi thế của Việt Nam trong ngành bán dẫn tỷ USD

Ông Vũ Quốc Huy, giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) bày tỏ tin tưởng, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành đối tác tin cậy, mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.

Theo ông Huy, trong bối cảnh chuỗi giá trị bán dẫn có xu hướng dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện, yếu tố cần thiết để phát triển ngành công nghiệp này. Hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển. Chính phủ quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành.

Tuy nhiên, giám đốc NIC cũng thẳng thắn chỉ ra, ngành công nghiệp bán dẫn đặt ra không ít thách thức. Điều đầu tiên ông Huy đề cập là mức đầu tư cao. Trong thực tế, việc xây dựng một xưởng đúc chip có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp bán dẫn đang chịu áp lực cạnh tranh cao, đặc biệt từ các nước như Trung Quốc, Mỹ, và châu Âu. Những quốc gia/khu vực này đã công bố kế hoạch cho lĩnh vực chip của mình từ 50 - 150 tỷ USD.

Thách thức về công nghệ cũng là không nhỏ, đòi hỏi đầu tư lớn vào R&D (nghiên cứu và phát triển) để duy trì sự cạnh tranh. Yêu cầu về đội ngũ nhân sự chất lượng cao rất lớn, và thực tế, theo ông Huy, nguồn nhân lực của Việt Nam mới chỉ đang dừng lại ở giai đoạn đầu, kỹ năng và trình độ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Với 3 công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn (thiết kế, sản xuất, kiểm thử và đóng gói), ông Huy cho biết Việt Nam mới có hoạt động ở công đoạn đầu và cuối. Hiện tại, Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất bán dẫn.

Ở khâu thiết kế, nhu cầu tuyển dụng phụ thuộc nhiều vào số lượng doanh nghiệp có trong thị trường. Việc gửi kỹ sư ra nước ngoài làm việc phụ thuộc nhiều vào chất lượng và khả năng đáp ứng các đòi hỏi về kỹ thuật và kỹ năng cũng như trình độ ngoại ngữ của nhân sự được đào tạo tại Việt Nam.

"Nhu cầu nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam tới năm 2030 dự báo cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế (gồm 14.000 cho nhu cầu trong nước và 1.000 cho nhu cầu từ nước ngoài) và 35.000 kỹ sư trong các công đoạn khác.

Điều đó đồng nghĩa với việc số lượng công ty thiết kế vi mạch bán dẫn sẽ tăng gấp 3 lần hiện tại với khoảng 100 công ty, mỗi công ty khoảng 150 kỹ sư và có khoảng 15 nhà máy đóng gói vi mạch với vốn đầu tư trung bình 1 tỷ USD và quy mô trung bình khoảng 2.300 kỹ sư trên một nhà máy", ông Huy tính toán

Tập trung đầu tư đào tạo kỹ sư bán dẫn được xác định là hướng đi chiến lược 

Với nguồn cung nhân lực dồi dào, Giám đốc NIC cho rằng, Việt Nam có lợi thế lớn cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành kỹ thuật - công nghệ. Tuy nhiên, việc tập trung đào tạo kỹ sư trong ngành bán dẫn chưa được chú trọng, tạo khoảng cách lớn giữa nguồn cung và nhu cầu trong ngành.

Để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển xứng tầm với các lợi thế sẵn có, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đến năm 2030 có 50.000 nhân lực, kỳ vọng cung cấp đủ cho doanh nghiệp trong nước, và xuất khẩu lao động sang các các thị trường phát triển.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế và chính sách riêng để thu hút và tận dụng sự đầu tư từ nước ngoài; đầu tư xây dựng các trung tâm R&D, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ mới.

Việt Nam đã thu hút đầu tư từ các công ty lớn trong lĩnh vực sản xuất chip như Intel, Samsung, Armkor, Foxconn. Năm qua, Hiệp hội Công nghệ Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), Tập đoàn Nvidia đã tới Việt Nam, đánh giá cao tiềm năng và cơ hội phát triển ngành bán dẫn trong nước.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu ngành bán dẫn toàn cầu năm 2021 đạt 551 tỷ USD và dự báo sẽ vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2031

Xem thêm: Foxconn sắp mở thêm nhà máy bán dẫn 20 triệu USD tại Việt Nam

Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác