Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Quan hệ kinh tế Việt Nam - Triều Tiên đang có những gì?
An Bình -
28/02/2019 08:59 (GMT+7)
(VNF) - Nhân Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, cùng VietnamFinance điểm lại mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên (viết tắt là DPRK), một quốc gia được coi là “hermit kingdom” – quốc gia bí ẩn.
Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên thường gọi là Triều Tiên, không gọi là “Bắc Triều Tiên” trong giao tiếp chính thức. Quốc gia này hiện có diện tích 122.762 km2 với dân số 26,3 triệu người vào tháng 1/2019.
Sau khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), Triều Tiên tranh thủ sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc, duy trì và phát triển nền kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa, thu được một số thành tựu nhất định trong thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ 20, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng, khai khoáng, công nghiệp nặng... Sau khi Liên Xô tan rã, Triều Tiên gặp nhiều khó khăn, nhất là về năng lượng và lương thực.
Sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Kim Jong Un đề ra Chiến lược phát triển mới (Song tiến) với 02 trọng tâm là phát triển kinh tế kết hợp tăng cường tiềm lực hạt nhân quốc gia. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng Lao động Triều Tiên (ngày 06 - 09/5/2016), Triều Tiên nhấn mạnh phải tập trung tổng lực để xây dựng cường quốc kinh tế; đề ra Chiến lược phát triển đất nước 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu đưa Triều Tiên trở thành “cường quốc kinh tế” tự lực, tự cường, lấy khoa học công nghệ làm đòn bẩy với một số chính sách kinh tế lớn.
Tại Hội nghị trung ương 3 khóa 7 Đảng Lao động Triều Tiên (20/4/2018), Triều Tiên tuyên bố hoàn thành chính sách “Song tiến”, quyết định dừng hoạt động thử hạt nhân và tên lửa, xác định nhiệm vụ hiện nay là tập trung tổng lực xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân.
Trong phát biểu đầu năm 2019, Chủ tịch Kim Jong Un nhấn mạnh một trong các nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất trong xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa năm 2019 là phải nâng cao sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân; tất cả các lĩnh vực kinh tế sẽ được đẩy nhanh tốc độ để thực hiện mục tiêu của chiến lược 5 năm phát triển kinh tế quốc gia.
Theo đó, Triều Tiên sẽ tiếp tục đoàn kết và phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với tất cả các nước hữu nghị với Triều Tiên, góp phần vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới Triều Tiên.
Hiện nay, hai nước Việt Nam và Triều Tiên đã ký nhiều Hiệp định quan trọng như: Hiệp định hợp tác văn hóa (11/1957), Hiệp định hợp tác Khoa học kỹ thuật (10/1958), Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và CHDCND Triều Tiên (1961), Hiệp định thương mại và hàng hải (12/1962), Hiệp định hỗ tương y tế (12/1966), Hiệp định hợp tác vận tải hàng không dân dụng (01/1977), Hiệp định vận tải biển (6/2002), Hiệp định thương mại (5/2002), Hiệp định tương trợ tư pháp (5/2002), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (5/2002), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (5/2002).
Về hợp tác thương mại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Triều Tiên năm 2010 đạt trên 16 triệu USD, năm 2011: 10 triệu USD, năm 2012: 15 triệu USD, năm 2013 đạt khoảng 12,4 triệu USD; kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2014 đạt 8 triệu USD, năm 2015 đạt 11,6 triệu USD (trong đó xuất khẩu sang Triều Tiên: 6,13 triệu USD, nhập khẩu từ Triều Tiên: 5,47 triệu USD), năm 2016 đạt 2,99 triệu USD (toàn bộ là kim ngạch xuất khẩu của ta sang Triều Tiên). Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Triều Tiên 7,322 triệu USD (chủ yếu là thực phẩm, bánh kẹo); 9 tháng đầu năm 2018, xuất sang Triều Tiên 497.000 USD và không có số liệu nhập khẩu từ Triều Tiên.
Về hợp tác liên doanh, từ năm 1993 khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy ươm tơ tằm (vốn khoảng 3,5 triệu USD) ở Hải Dương, với nguyên liệu do ta cung cấp và máy móc (nhập từ Nhật) do phía Triều Tiên cung cấp. Năm 1994, phía Việt Nam rút khỏi liên doanh, chỉ còn phía Triều Tiên kinh doanh độc lập. Năm 2001 Triều Tiên đã bán Nhà máy cho phía Việt Nam. Việt Nam chưa có dự án đầu tư tại Triều Tiên.
Về viện trợ của Việt Nam cho Triều Tiên: Năm 1995: 100 tấn gạo, năm 1997: 13.000 tấn gạo, năm 2000: 1.000 tấn gạo, năm 2001: 5.000 tấn gạo, năm 2002: 5.000 tấn gạo, năm 2005: 1.000 tấn gạo và 5 tấn cao su nguyên liệu, năm 2007: 50.000 USD (viện trợ khẩn cấp) và 2.000 tấn gạo, năm 2009: 3.000 tấn gạo, năm 2010: 500 tấn, năm 2011: 200 tấn và năm 2012: 5.000 tấn, năm 2016: 70.000 USD
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.