Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 235 tỷ USD, đứng thứ 43 thế giới

Lê Nguyễn - 18/04/2019 07:17 (GMT+7)

(VNF) - Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố, "Vietnam" được định giá 235 tỷ USD.

VNF
Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 235 tỷ USD (ảnh minh họa)

Vị trí của thương hiệu quốc gia Việt Nam được cải thiện 2 bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 thế giới.

Đây được xem là một kết quả tương đối tích cực, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nhiều sản phẩm của Việt Nam chưa khẳng định được vị trí và thương hiệu trên trường quốc tế.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia cần phải xét từ góc độ doanh nghiệp. Ông Nghĩa nhận định một bộ phận doanh nghiệp chưa coi trọng thương hiệu, cũng như vấn đề xây dựng, phát triển thương hiệu; nhiều cơ quan tổ chức chưa có biện pháp hỗ trợ thực sự cho việc triển khai các biện pháp phát triển thương hiệu Việt, hỗ trợ các doanh nghiệp gây dựng phát triển thương hiệu.

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng cho rằng nguồn lực cho đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm của Việt Nam trong những năm qua còn hạn chế.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trưởng ban thư ký Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam, cho biết Bộ Công Thương đang xây dựng và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Chương trình thương hiệu quốc gia Việt và dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình.

Theo đó, nội dung chính của chương trình sẽ tập trung vào sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch.

Đồng thời, đề án cũng nêu lên cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân liên quan trong tổ chức thực hiện Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết cũng đang cân nhắc, bên cạnh việc công nhận các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, trong giai đoạn mới, chương trình sẽ triển khai công nhận các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, truyền thông cho các thương hiệu này.

Cùng chuyên mục
Tin khác